Đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chúng tôi gặp những cán bộ bảo quản “hôm qua vừa xử lý đồ đồng, hôm nay đã cầm kim khâu để xử lý đồ dệt, ngày mai có khi lại phải xử lý đồ gốm”. Điều đó phản ảnh sự đa năng của họ nhưng cũng lờ mờ thấy một sự thiếu hụt về nhân lực ở đây.

Chưa có cán bộ bảo quản chuyên môn sâu

Phòng Bảo quản thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) gồm 3 phòng, mỗi phòng rộng chừng hơn hai chục mét vuông. Khi chúng tôi đến, ba cán bộ bảo quản đang làm việc miệt mài bên chiếc máy làm sạch bằng sóng cao tần, các dụng cụ và hóa chất cùng nhiều cổ vật xếp la liệt trên mặt bàn.

Bà Nguyễn Thị Lan - một trong ba cán bộ - tay vừa thoăn thoắt lấy bông, tẩm hóa chất để làm sạch cho một chiếc bình cổ Trung Hoa, vừa giới thiệu với chúng tôi hai đồng nghiệp đang cặm cụi xử lý vết ôxy hóa trên một bức tượng Phật bằng đồng nhỏ.


Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang lưu giữ hơn 200.000 hiện vật, trong đó có các hiện vật được coi là bảo vật quốc gia, gắn liền tiến trình lịch sử của dân tộc như trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, cây đèn Lạch Trường, mộ thuyền Việt Khê, bia Võ Cạnh, chuông chùa Vân Bản, bia điện Nam Giao, trống đồng Cảnh Thịnh, ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo, ấn vàng Sắc mệnh chi bảo…


Cán bộ bảo quản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia làm sạch bình hoa sứ. Ảnh: Lê Phượng
Cán bộ bảo quản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia làm sạch bình hoa sứ. Ảnh: Lê Phượng

Bà Nguyễn Thị Hương Thơm - Trưởng phòng Bảo quản, người dẫn chúng tôi tới đây - góp lời: “Cả ba chị em đều tốt nghiệp khoa Di sản của Đại học Văn hóa. Tuy nhiên, để trở thành một cán bộ tương đối cứng như bây giờ, các chị đã phải trải qua nhiều lớp tập huấn về bảo quản trong, ngoài nước ngót nghét 10 năm trời”.

Làm việc tại một bảo tàng được cho là có công tác bảo quản tốt nhất ở Việt Nam hiện nay, từng tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, bà Thơm nhận định: “Người làm bảo quản ở Việt Nam có thể có thâm niên nhưng chưa thể nói là có chuyên môn sâu”.

Nguyên nhân của sự thiếu chuyên sâu, theo bà Thơm là do “cán bộ bảo quản chủ yếu xuất thân từ Đại học Văn hóa, tức là những người học khối C, trong khi công việc bảo quản gắn với không ít kiến thức khoa học tự nhiên như lý, hóa mà chỉ vài chục tiết ngắn ngủi trên lớp không thể truyền đạt hết được”.

Đã thế, nếu như ở các bảo tàng trên thế giới, mỗi cán bộ chỉ phải chuyên một mảng thì “ở đây mỗi người chúng tôi kiêm nhiều mảng. Ví dụ, chị Lan hôm qua vừa xử lý đồ đồng, hôm nay đã cầm kim khâu để xử lý đồ dệt, ngày mai có khi lại phải xử lý đồ gốm” - theo bà Thơm. Bởi vậy, “để làm chủ công việc, tất cả các cán bộ bảo quản đều phải tự đào tạo hoặc được đào tạo lại thông qua các khóa tập huấn do bảo tàng tổ chức, trong đó có các khóa hợp tác với chuyên gia Bỉ.

Bên cạnh đó, bảo tàng cũng hình thành một đội ngũ cộng tác viên bao gồm các chuyên gia sinh học, hóa học và những nghệ nhân sơn mài, kim hoàn hay các họa sĩ để được hỗ trợ thêm về chuyên môn trong quá trình tu sửa hiện vật.


“Khám” cổ vật bằng máy X quang của bệnh viện

Không chỉ thiếu nhân lực có chuyên môn sâu, tình trạng vật lực trong ngành bảo quản cổ vật ở Việt Nam cũng không khá hơn là bao. “Nhiều máy móc chuyên dụng quá đắt tiền nên Việt Nam chưa thể trang bị được” - tiến sỹ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam - nhận định hàm ý những máy móc phục vụ công tác bảo quản ở tầm cao hơn, tức tầm phân tích, giám định, và nghiên cứu.

Đây cũng là lý do vì sao trong quá trình bảo quản trị liệu, máy móc y tế đã được huy động để “khám bệnh” cho cổ vật, thay vì dùng máy chuyên dụng như ở nước ngoài.

“Ở nước ngoài, phòng bảo quản được trang bị máy X quang chuyên dụng để chụp cắt lớp, từ đó biết phần nào là nguyên bản, phần nào là phần đắp thêm; nhưng ở Việt Nam, muốn biết những thông tin đó thì phải nhờ tới máy X quang của bệnh viện. Mà những máy này chỉ thích hợp cho hiện vật nhỏ. Ngoài ra, việc chuyển các hiện vật tới bệnh viện để chụp X quang cũng không phải điều đơn giản” - ông Quân nói.

Sự hợp tác quốc tế đã giúp ngành bảo quản hiện vật từng bước được tiếp cận với những máy móc hiện đại, hữu ích cho công việc như Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp hỗ trợ Bảo tàng Lịch sử quốc gia máy sấy, bể siêu âm, máy phun cát... hay Đức hỗ trợ máy làm sạch bằng hơi nước, kính hiển vi, đèn tạo ánh sáng ban ngày, thiết bị đo ánh sáng... Nhưng rõ ràng máy móc chỉ là một trong số các vấn đề mà ngành bảo quản cần giải quyết, bên cạnh những vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực hay mở rộng hợp tác với nhà khoa học ở các lĩnh vực khác.