Trên thế giới và ở Việt Nam luôn có vô số ví dụ về những đổi mới nho nhỏ mang lại hiệu quả lớn trong việc cải thiện cuộc sống con người.

Trò chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới Francis Gurry có nói đại ý không nên nghĩ đổi mới sáng tạo (ĐMST) phải là những gì cao siêu, đỉnh cao của khoa học, mà ĐMST nên xuất hiện ở mọi mức độ, mọi nơi của nền kinh tế.

Quả thật, trên thế giới và ở Việt Nam luôn có vô số ví dụ về những đổi mới nho nhỏ mang lại hiệu quả lớn trong việc cải thiện cuộc sống con người. Đó là phần tựa đầu gắn trên đỉnh lưng ghế ôtô giúp người ngồi đỡ mỏi - sáng chế của Benjamin Katz (Mỹ) năm 1921; là khóa kéo được sử dụng trong các loại trang phục, túi từ khi Judson (Mỹ) tạo ra nó năm 1890 đến nay; là chiếc kiềng bếp gas kiêm ống dẫn nước của ông Nguyễn Văn Xuân (TPHCM) giúp đun thêm nước sôi siêu tốc bằng nhiệt lượng thừa...

Những giải pháp giản dị như vậy có thể đem lại cho chủ nhân nguồn lợi lớn, thậm chí cả khi họ đã qua đời. Tác giả không nhất thiết là nhà bác học, bởi tuy tri thức là yếu tố đương nhiên, nhưng điểm mấu chốt ở đây là sự sáng tạo, dựa trên sự nhạy bén tuyệt vời đối với nhu cầu con người.

Khóa kéo được sử dụng trong các loại trang phục, túi từ khi Judson (Mỹ) tạo ra nó năm 1890.

Với chủ đề “ĐMST - cải thiện thế giới”, Ngày SHTT thế giới năm nay tôn vinh giá trị sáng tạo đó. Ở Việt Nam, các hoạt động của hệ thống SHTT đang tập trung hỗ trợ ĐMST để cho ra đời thêm nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích giúp giải quyết những đòi hỏi của cuộc sống và đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...

Trong hội thảo “Đổi mới sáng tạo - động lực để phát triển bền vững” được tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, bộ sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc bảo vệ quyền SHTT và thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt là của các chủ thể Việt Nam.

Đây là hành động vô cùng cần thiết trong bối cảnh số đơn đăng ký và bằng bảo hộ sáng chế của Việt Nam còn rất thấp. Số liệu quý III/2016 của Cục SHTT cho thấy cả nước có 151 đơn xin bảo hộ sáng chế, 83 đơn xin bảo hộ giải pháp hữu ích - chẳng thấm vào đâu so với lực lượng hơn 24.000 tiến sỹ, 101.000 thạc sỹ.

Con số sáng chế ít ỏi này chưa phản ánh đúng năng lực sáng tạo của giới khoa học Việt Nam. Mặc dù còn thiếu ổn định, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của chúng ta vài năm gần đây đã vượt xa những năm trước (hiện xếp hạng 59 trong 128 nền kinh tế được khảo sát); trong đó các chỉ số thuộc nhóm đầu ra của đổi mới sáng tạo gồm “sản phẩm của tri thức và công nghệ” và “sản phẩm sáng tạo” được đánh giá là mạnh.

Như vậy, điều cần làm là khai phóng sức sáng tạo, để tri thức được thể hiện thành những sáng chế, giải pháp, sản phẩm cụ thể mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội - điều mà ngành khoa học và công nghệ đang nỗ lực hướng tới.