Đắt giá nhờ bảo hộ bản quyền
Viagra là loại thuốc được Pfizer - tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới, có trụ sở tại New York (Mỹ) - sản xuất. Nó vốn có tên là Revatio, dùng chữa cao huyết áp và đau ngực do bệnh tim. Sau khi thử nghiệm lâm sàng, nhà sản xuất nhận thấy nó có tác dụng chữa rối loạn cương dương rất tốt nên đã chuyển mục đích sử dụng.
Năm 2012, Viagra trở thành một trong những loại thuốc bán chạy nhất của Pfizer, đem lại doanh thu 1,14 tỷ USD tại Mỹ và 2 tỷ USD tại thị trường thế giới. Giá Viagra rất cao - khoảng 25USD/viên (hơn 560.000 đồng/viên) tại Mỹ vào năm 2013. Thuốc đắt bởi đang được bảo hộ bản quyền. Ngoài Pfizer, không hãng dược của bất kỳ quốc gia nào được phép sản xuất loại thuốc này một khi bản đăng ký bảo hộ bản quyền Viagra tại những nước đó còn hiệu lực.
Năm 2010, Pfizer từng kiện Công ty dược phẩm Teva Mỹ - chi nhánh của Tập đoàn công nghiệp Teva, có trụ sở ở Israel - vì có kế hoạch giới thiệu một loại thuốc Viagra generic mới vào thị trường Mỹ. Cuối cùng, Công ty Teva đã phải trả một khoản tiền bản quyền không được tiết lộ để được cấp phép sản xuất biến thể generic của Viagra và bán tại Mỹ từ ngày 11/12/2017.
Viagra - cứu tinh của không ít quý ông sắp hết hạn bảo hộ. Ảnh: CNBC
Được coi là loại thuốc điều trị những căn bệnh có liên quan tới lối sống như nghiện rượu, tăng cân, hút thuốc, hói đầu, liệt dương, khô da..., Viagra và những thuốc thuộc nhóm này có thể nâng cao chất lượng sống, chức năng, hình thức của người bệnh chứ không thực sự là loại thuốc điều trị cần thiết. Chúng có đối tượng sử dụng và chỉ định vô cùng rộng rãi - mọi lứa tuổi, mọi nơi, nhất là khi tuổi thọ con người đang được kéo dài, cùng với nó là các khoản thu nhập tăng lên. Nhu cầu về loại thuốc này chỉ có thể tăng lên chứ không hề giảm đi.
Hết bảo hộ Viagra, kịch bản nào sẽ diễn ra?
Pfizer đã xin cấp văn bằng bảo hộ cho Viagra vào ngày 13/5/1994 và được công bố vào ngày 22/10/2002. Do đăng ký trước khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thay thế Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) vào ngày 8/6/1995 nên Viagra được phép chọn ngày hết hạn bảo hộ: Hoặc 17 năm sau khi ra mắt vào năm 2002 (tức là hết hạn vào tháng 10/2019) hoặc 20 năm sau ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ (hết hạn vào tháng 5/2014). Pfizer đã chọn thời điểm hết hạn bảo hộ là tháng 10/2019.
Riêng tại Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cho phép Viagra kéo dài thời hạn bảo hộ tới tháng 4/2020 do “những tác dụng đặc biệt trong thử nghiệm đối với bệnh tăng áp động mạch phổi ở trẻ nhỏ”.
Do lợi nhuận mà những loại thuốc như Viagra mang lại rất lớn nên việc thuốc hết hạn bảo hộ sẽ gây thâm hụt ngân sách nặng cho nhà sản xuất. Để gỡ gạc, trước khi hết hạn bảo hộ vào tháng 4/2020, có thể Pfizer sẽ bán lại giấy phép sản xuất cho các công ty khác để họ sản xuất thuốc generic như trường hợp của Teva. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi sau khi Viagra hết hạn bảo hộ, bởi sẽ có rất nhiều hãng dược tung ra dòng generic khiến giá loại thuốc này giảm đáng kể.
Phía Pfizer đã có sẵn kế hoạch ứng phó. Họ đang dự định biến Viagra thành loại thuốc mua không cần đơn để bán trực tiếp trên các trang mạng của công ty. Bằng cách này, Pfizer hy vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ những khách hàng vẫn còn ngượng ngùng, e ngại bởi những định kiến xã hội về chứng bất lực, hay những khách hành không muốn tới bác sỹ chuyên khoa để thăm khám vấn đề nhạy cảm của mình.
Pfizer từng dính vào một vụ kiện sở hữu trí tuệ được coi là bài học kinh điển cho những công ty đa quốc gia muốn kinh doanh tại Trung Quốc. Họ không đăng ký nhãn hiệu Viagra đã phiên âm sang tiếng Trung Quốc và nổi tiếng ở đây là Weige. Công ty dược phẩm Viamen ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã đăng ký mất nhãn hiệu này. Sau đó, dù nỗ lực lớn nhưng Pfizer vẫn thất bại trong việc lấy lại nhãn hiệu, đành nhìn Viamen và những công ty khác sử dụng nhãn hiệu lẽ ra là của mình. |