Có nhiều nhà sáng chế - đặc biệt các nhà sáng chế chân đất - không nắm rõ Luật Chuyển giao công nghệ cũng như các quy định về sở hữu trí tuệ nên phải ngậm trái đắng khi thực hiện giao dịch chuyển giao.

Vụ tranh chấp chiếc máy rửa 1.000 ly mỗi giờ của ông Nguyễn Duy Linh là một ví dụ điển hình.

Hợp đồng chuyển giao nhiều lỗ hổng

Năm 2014, ông Nguyễn Duy Linh (ngụ phường 11, quận 3, TPHCM) sáng chế ra chiếc máy có thể rửa 1.000 chiếc ly trong vòng 1 giờ. Sản phẩm có giá 5 triệu đồng, rẻ hơn khá nhiều so với thiết bị cùng loại nhập ngoại. Biết đến chiếc máy này qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Hoàng Lâm - chủ một doanh nghiệp ở quận 4, TPHCM - đã đề nghị ông Linh chuyển giao công nghệ máy rửa ly với giá 280 triệu đồng.

Hai bên ký biên bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ, mà thực chất là chuyển giao quyền sở hữu công nghệ. Sau đó, ông Lâm đặt cọc 100 triệu đồng thông qua một “hợp đồng vay tiền”, và hợp tác làm hồ sơ xin cấp bằng sáng chế mang tên Nguyễn Duy Linh. Tuy nhiên, người đi nộp đơn là nhân viên của ông Lâm và ông này cũng giữ bản gốc tờ khai đăng ký sáng chế cùng biên lai nộp lệ phí.

Ông Linh thuê nhà xưởng để đợi đối tác đưa phương tiện tới sản xuất, nhưng ông Lâm không cử người đến tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Tình cờ biết ông Lâm cho dịch bộ hồ sơ về sản phẩm sang tiếng Anh, nghi ngờ ông Lâm xin cấp bằng sáng chế ở nước ngoài, ông Linh đã gửi đơn kiến nghị lên Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm ngăn chặn. Cục trả lời rằng dù người nộp đơn có chiếm hồ sơ của chủ đơn thì cũng không làm sai lệch tờ khai và hồ sơ đang lưu tại cục.

Chiếc máy rửa ly do ông Nguyễn Duy Linh sáng chế. Ảnh: Loan Lê

Sau đó, hai bên đã gặp nhau, nhưng ông Lâm có vẻ không muốn triển khai tiếp việc chuyển giao nên ông Linh tự sản xuất máy để bán. Thế là ông Lâm kiện vì cho rằng ông Linh vi phạm thỏa thuận và đòi lại 100 triệu đồng. Ông Linh phản tố với lý do ông Lâm vi phạm hợp đồng chuyển giao, gây thiệt hại kinh tế cho ông khoảng 450 triệu đồng và rằng 100 triệu là tiền đặt cọc nên coi như mất nếu không thực hiện giao dịch. Ông Linh cũng lập luận rằng nếu ông Lâm muốn có quyền sở hữu với sáng chế thì phải trả tiền đầy đủ.

Hồi cuối tháng 2, Tòa án Nhân dân TPHCM đã xử phúc thẩm và giữ nguyên án sơ thẩm. Theo đó, giao dịch chuyển giao bằng sáng chế được tuyên bố vô hiệu vì trên thực tế ông Linh chưa được cấp bằng sáng chế. Giấy vay nợ là giả tạo nhằm thanh toán cho biên bản chuyển giao công nghệ nên cả hai giấy này đều vô hiệu. Ngoài ra, ông Linh không chứng minh được thiệt hại nên tòa bác yêu cầu bồi thường 450 triệu đồng. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bao gồm 100 triệu đồng đặt cọc kể trên.

Nhìn vụ việc dưới góc độ luật pháp

Nhận định về vụ việc này, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - cho rằng: “Dù có bằng độc quyền sáng chế hay chưa thì ông Nguyễn Duy Linh vẫn có quyền với sáng chế của mình. Tuy nhiên, cần làm rõ điều khoản trong bản thỏa thuận giữa hai bên. Nếu họ thỏa thuận bán quyền sở hữu sáng chế thì sau khi ký, bên mua có toàn quyền sử dụng sáng chế, có thể bán lại, tiếp tục sử dụng hoặc thậm chí là bỏ xó sáng chế. Nếu họ thỏa thuận chỉ chuyển giao quyền sử dụng thì chủ sở hữu có quyền quy định phạm vi sử dụng cho bên được chuyển giao, như số máy được phép sản xuất, thời gian sản xuất... và bên mua không được quyền chuyển giao cho bên thứ ba”.

Đồng quan điểm này, luật sư Trần Tám thuộc Công ty luật Ipcom cho rằng: “Theo quy định của pháp luật, hợp đồng chuyển giao công nghệ không nhất thiết phải có bằng sáng chế. Tuy nhiên, nếu hợp đồng chuyển giao công nghệ có kèm bằng độc quyền sáng chế thì để hợp đồng có hiệu lực với người thứ ba, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Luật sư Tám cũng phân tích: “Hợp đồng chuyển giao công nghệ trên đang thiếu các điều khoản cơ bản. Ngoài các điều khoản quy định trong Bộ luật Dân sự thì hợp đồng này còn được điều chỉnh bởi Luật Chuyển giao công nghệ. Các tranh chấp liên quan sẽ được giải quyết bởi hai luật này và được giải quyết theo các tình tiết thực tế. Ví dụ, nếu hợp đồng có hiệu lực pháp luật (trong trường hợp không có các điều khoản khác làm hợp đồng vô hiệu) mà trong hợp đồng có áp dụng điều khoản đặt cọc thì khi tranh chấp xảy ra, chế định liên quan đến đặt cọc được áp dụng để giải quyết”.

Để tránh những rắc rối tương tự đối với các nhà sáng chế, ông Lê Ngọc Lâm khuyên: “Các nhà sáng chế nếu không hiểu rõ luật về SHTT thì nên tham vấn Cục SHTT hoặc các đại diện SHTT, tránh tình trạng vì không hiểu luật mà thực hiện những hành vi gây thiệt hại cho mình”.