Việc cân bằng giữa các biện pháp bảo vệ bản quyền với giới hạn sử dụng hợp lý tài nguyên trên môi trường số là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa những người sáng tạo với các bên.

VTV đã bị khóa kênh YouTube do xâm phạm bản quyền video “Việt Nam qua góc nhìn flycam” của anh Bùi Minh Tuấn. Nguồn: Ảnh cap màn hình video trên kênh Yamaha Trung Tá.
VTV đã bị khóa kênh YouTube do xâm phạm bản quyền video “Việt Nam qua góc nhìn flycam” của anh Bùi Minh Tuấn. Nguồn: Ảnh cap màn hình video trên kênh Yamaha Trung Tá.

Năm 2016, nhiều khán giả bất ngờ khi thấy kênh YouTube của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bỗng dưng bị đóng do xâm phạm bản quyền. Đây là kết quả sau ba lần báo cáo của anh Bùi Minh Tuấn, chủ sở hữu kênh YouTube Yamaha Trung Tá. Kênh YouTube này có đăng tải nhiều video do anh Bùi Minh Tuấn tự quay bằng flycam của mình, tiêu biểu là video “Việt Nam qua góc nhìn flycam”. VTV đã tự ý sử dụng video này trong các chương trình của mình mà không xin phép hay để nguồn tác giả. Khi phát hiện, anh Bùi Minh Tuấn đã nhiều lần gửi công văn khiếu nại đến VTV nhưng không nhận được phản hồi. Do vậy, anh quyết định báo cáo với YouTube, và sau ba lần gửi email cảnh cáo, YouTube quyết định khóa vĩnh viễn kênh của VTV.
Không thể phủ nhận, hiệu quả của những công cụ bảo vệ bản quyền trên môi trường số khiến những đơn vị lớn như VTV cũng bị xử lý nếu làm sai. Nhưng mặt khác, nhiều người lại lo lắng việc “siết chặt” bản quyền khiến họ khó tiếp cận những tác phẩm đã có để phục vụ quá trình sáng tạo. Sự nghiêm ngặt này có thể thấy rõ qua chia sẻ của anh Bùi Minh Tuấn: “Kênh YouTube Yamaha Trung Tá đã được cấp quyền và chứng nhận Content ID, chỉ cần 0,5s hình ảnh bị sao chép xuất hiện, không cần thông báo cho YouTube thì hệ thống Content ID cũng tự rà soát và xử lý”. Ngoài Content ID, YouTube vẫn liên tục triển khai các chính sách mới nhằm tăng cường bảo vệ bản quyền. Do vậy, “trong một buổi đào tạo cách đây vài năm, có nhiều người tham gia là chủ những kênh YouTube hàng triệu lượt đăng ký đã hỏi tôi tại sao trước kia vẫn bình thường, giờ lại làm chặt như thế này thì họ sống sao được?”, ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn mở Việt Nam chia sẻ trong chương trình đào tạo về bản quyền nguồn mở vào cuối năm 2021.

Một “góc khuất” khác là hệ thống bảo vệ bản quyền có thể bị lạm dụng, trở thành công cụ “bắt nạt” của những tổ chức lớn với những người sáng tạo nhỏ ít nguồn lực. “Tiêu biểu là lĩnh vực nhiếp ảnh, các công ty giàu mạnh có thể dùng bản quyền để ăn cướp tác phẩm của người khác. Nếu họ tự nhận tác phẩm của các tác giả hoặc tổ chức nhỏ là của mình, các tổ chức này cũng không đủ khả năng đưa họ ra tòa. Bởi các công ty lớn có thể trả tiền cho các luật sư để kéo dài các thủ tụng tố tụng đầy rủi ro, khiến các tác giả hợp pháp phải trả hàng trăm ngàn bảng Anh”, Glyn Moody, người từng làm tiến sĩ lượng tử ở Đại học Cambridge, đồng thời là một trong những nhà bình luận công nghệ nổi tiếng nhất hiện nay, viết trên Cambridge Independent. Ông cũng chỉ ra thực tế vô lý trong lĩnh vực xuất bản: “Các nhà xuất bản học thuật đã xây dựng một ngành công nghiệp có tỉ suất lợi nhuận 30-40% bằng cách yêu cầu các học giả chuyển nhượng bản quyền cho họ. Trong đó, các tác giả thậm chí không được phép chia sẻ các bài báo của chính họ nếu không xin phép. Do kiện tụng bản quyền rất tốn kém, bản quyền trở thành luật dành cho người giàu, nơi người nghèo luôn thua cuộc”.

Mở rộng ngoại lệ quyền

Từ lâu, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới luôn có một phần riêng quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả. Đây là một nguyên tắc pháp lý trong luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Bao gồm sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để học tập, nghiên cứu, không nhằm mục đích thương mại; sử dụng tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn… hoặc trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, chương trình phát sóng… Các trường hợp trên có thể sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép hay trả tiền bản quyền, nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Dù quy định đã theo hướng “mở” song không phải lúc nào cũng bắt kịp với tốc độ chuyển đổi số trong thực tế. Chẳng hạn như về nội dung số hóa tài liệu trong thư viện, nhiều nơi đã phàn nàn rằng muốn số hóa tài liệu để xây dựng thư viện số nhưng lại gặp khó khăn trong quy định về bản quyền. Theo Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan: “Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số”. Như vậy, dù tài liệu có được số hóa, độc giả vẫn phải đến thư viện truyền thống chứ chưa thể sử dụng tài liệu trực tuyến.

Nhận thấy vướng mắc này, các nhà quản lý đã tìm cách gỡ bỏ thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022. Theo đó, việc sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại cũng sẽ được tính vào ngoại lệ sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép hay trả tiền bản quyền. Bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện lưu trữ. Ngoài ra, còn có sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số.

Việc tăng cường tính mở có ý nghĩa không nhỏ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. “Gần 20 năm nay, rất nhiều thư viện trên cả nước đã bỏ ra nhiều tiền để chuyển đổi số, thế nhưng có nơi đã bị tác giả kiện vì họ bảo ‘ai cho phép các anh đưa tác phẩm của tôi lên mạng’. Tôi rất mừng vì lần này sửa đổi luật nhiều hơn và đã chạm đến ngành của chúng tôi. Bây giờ thư viện chủ yếu phục vụ trên máy tính nên chúng tôi rất quan tâm đến quy định này, mong sao đừng để cho ngành chúng tôi hàng chục triệu trang tài liệu nhưng không phục vụ được online mà phải đến thư viện mới đọc được, rất lãng phí tài nguyên”, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, bày tỏ trong một hội thảo về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2021. Những thay đổi này cũng phù hợp với xu hướng truy cập mở được đề xuất trong tuyên bố Bethesda và tuyên bố Berlin về truy cập mở, tạo điều kiện truy cập các tác phẩm (với mục đích phi thương mại) miễn phí trong bối cảnh chi phí cho các ấn phẩm xuất bản ngày càng cao.

Ngoại lệ cũng được mở rộng với việc chuyển tác phẩm sang định dạng dễ tiếp cận hơn cho người khuyết tật, không chỉ giới hạn ở đối tượng người khiếm thị như trước kia. “Đây là điều khoản mang tính nhân đạo để các cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho họ, thậm chí tiếp nhận các tác phẩm này để tiếp tục sáng tạo. Nội dung này cũng tuân thủ theo Hiệp ước Marrakesh mà Việt Nam đã tham gia về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhận xét.

Xác định giới hạn sử dụng hợp lý


Không khó nhận thấy, sử dụng hợp lý (fair use) là cụm từ thường xuyên xuất hiện trong các quy định về giới hạn và ngoại lệ sử dụng tác phẩm không phải xin phép, trả thù lao. Chúng ta phải hết sức chú ý điều này nhằm tránh việc xâm phạm quyền của tác giả, dù không cố ý, khi sử dụng tác phẩm theo các trường hợp ngoại lệ. Về bản chất, đây là quy tắc pháp lý xuất phát từ phép thử ba bước của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Cụ thể, việc sử dụng hoặc sao chép tác phẩm đã công bố sẽ không bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả nếu hành vi đó cùng lúc thỏa mãn ba điều kiện của phép thử: (1) việc sao chép đó chỉ được phép trong các trường hợp ngoại lệ đặc biệt theo quy định của quốc gia; (2) việc sao chép đó không xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm; (3) việc sao chép đó không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

Ngoài các trường hợp trên, liệu còn cách nào khác để sử dụng các tài nguyên số trên internet mà không xâm phạm bản quyền? Chúng ta có thể sử dụng các tài nguyên đã được các nền tảng mua giấy phép, ví dụ kho nhạc của YouTube, Facebook, Tiktok, hoặc sử dụng các tài nguyên số mở - những tài nguyên đã được cấp phép theo giấy phép mở. “Hiện nay có khoảng gần 2 tỷ tài nguyên được cấp phép mở, đây là một thị trường cực kì lớn mà chúng ta nên tăng cường khai thác”, ông Lê Trung Nghĩa, chuyên gia nghiên cứu độc lập về phần mềm tự do nguồn mở và dữ liệu mở, cho biết.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nếu không bảo hộ quyền tác giả, chúng ta khó có thể tiếp cận với những tác phẩm giá trị hay các ứng dụng cơ bản cho điện thoại, máy tính. Dù vậy các quy định này phải đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, song cũng phải “siết” lại ở mức độ và thời điểm phù hợp.