Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience vào ngày 1/5, các nhà khoa học tại Đại học Texas, Austin (Mỹ) đã phát triển thành công một mô hình trí thông minh nhân tạo (AI) mới gọi là “bộ giải mã ngữ nghĩa” có khả năng chuyển đổi suy nghĩ của con người thành văn bản.
“Điều làm nên sự khác biệt của hệ thống này là những người tham gia không cần phải trải qua phẫu thuật cấy ghép, nói cách khác đây là một hệ thống không xâm lấn. Nó cũng không bị giới hạn trong một danh sách các từ đơn hoặc câu ngắn giống như trong các thí nghiệm tương tự trước đây”, Alex Huth,thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Mô hình AI mới sử dụng công nghệ giống như ChatGPT của Open AI và chatbot Bard của Google. Nhóm nghiên cứu đã đào tạo nó dựa trên hàng giờ dữ liệu quét não bằng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) của một cá nhân khi họ nghe podcast [các tệp âm thanh kỹ thuật số trên Internet].
Sau đó, nhóm nghiên cứu có thể giải mã suy nghĩ của người tham gia trong khi họ nghe một câu chuyện mới hoặc tưởng tượng đang kể một câu chuyện và mô hình AI sẽ tạo ra nội dung văn bản tương tự từ dữ liệu quét não fMRI.
Trong tương lai, công nghệ này có thể giúp ích cho những bệnh nhân không còn khả năng giao tiếp bằng lời nói, chẳng hạn như một số người sống sótsau cơn đột quỵ.
Quốc Lê thực hiện (Nguồn: iflscience.com)