Năm 2018, nhiều nhạc sĩ bất ngờ khi phát hiện các tác phẩm của mình bị Công ty Sky Music đăng tải trên website và dùng để kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc có thu phí. Công ty này hoàn toàn không xin phép và không trả phí cho các tác giả. Sau đó, hơn 40 nhạc sĩ đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để khởi kiện Sky Music. Điều bất ngờ là Sky Music đã phủ nhận, đồng thời kiện ngược VCPMC vì lý do cạnh tranh không lành mạnh, yêu cầu VCPMC bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm. Phải đến hai năm sau, vụ tranh chấp này mới đi đến hồi kết, Sky Music đã nhận sai và phải trả 700 triệu đồng tiền bản quyền cho VCPMC.
Có thể thấy, kết quả này khó có thể đạt được nếu các tác giả tự thu thập bằng chứng, tài liệu và tiến hành khởi kiện. Thay vì tập trung cho sáng tác, họ sẽ phải đầu tư không ít thời gian, công sức và tiền bạc để theo đuổi vụ kiện không biết kéo dài đến bao giờ. Do vậy, việc ủy quyền cho các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan (CMO) như VCPMC trở thành phương án phù hợp nhất.
Điều này đã được những nhà sáng tạo ở châu Âu nghĩ đến từ thế kỷ 19. Hiệp hội các nhà soạn nhạc và nhà viết kịch (SACD) là tổ chức quản lý tập thể đầu tiên đại diện cho các tác giả và thu tiền bản quyền được thành lập tại Pháp vào năm 1829, đến nay vẫn còn hoạt động. Sau đó, hàng loạt các CMO ở các quốc gia lần lượt ra đời như Hiệp hội Các tác giả và Nhà xuất bản (SIAE) được thành lập tại Ý năm 1882, Hiệp hội Các nhà soạn nhạc, tác giả và Nhà xuất bản Hoa Kỳ (ASCAP) được thành lập năm 1914… Ở châu Á, tổ chức đầu tiên bảo vệ những người sáng tạo âm nhạc là Hiệp hội Quyền của Các tác giả, nhà soạn nhạc và Nhà xuất bản Nhật Bản (JASRAC) được thành lập vào năm 1939.
Mỗi quốc gia sẽ có mô hình CMO khác nhau, tùy theo nhu cầu và điều kiện ở từng khu vực. Về cơ bản, có ba mô hình CMO: mô hình truyền thống, mô hình trung tâm cấp phép sử dụng và mô hình một cửa. Ở mô hình truyền thống, các CMO sẽ nhận ủy thác từ các thành viên để thực hiện đàm phán, thỏa thuận về điều kiện sử dụng và cấp phép sử dụng tác phẩm, các thành viên không trực tiếp tham gia vào quá trình này. Với mô hình CMO là trung tâm cấp phép sử dụng, các thành viên được tham gia đàm phán, thỏa thuận theo quy định và điều lệ của CMO. Mô hình một cửa bao gồm liên minh các CMO riêng lẻ, có chức năng cấp phép sử dụng từ các nguồn dữ liệu tập trung về tác phẩm. Nhờ đó quá trình cấp phép sẽ thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Ngoài việc ủy quyền để xử lý khi có tranh chấp, các tổ chức này cũng là cây cầu kết nối giữa tác giả với những cá nhân hoặc tổ chức muốn sử dụng tác phẩm. Họ sẽ thay mặt tác giả để quản lý, thu lợi nhuận từ các hoạt động khai thác tác phẩm và chia lại cho tác giả. Bởi lẽ, một tác giả riêng lẻ khó có thể giám sát được toàn bộ hoạt động sử dụng tác phẩm của mình. Chẳng hạn, một nhạc sĩ hay nhà viết kịch không thể liên hệ với từng đài phát thanh hoặc đài truyền hình để thỏa thuận về giấy phép và thù lao từ việc sử dụng tác phẩm.
Các CMO ngày càng chứng minh hiệu quả trong bảo vệ và khai thác bản quyền. Tiêu biểu như ASCAP hiện nay có số lượng thành viên là hơn nửa triệu nhạc sĩ và các nhà phát hành nhạc ở Hoa Kỳ. Theo thống kê của ASCAP năm 2015, số tiền bản quyền mà họ thu được là hơn 1 tỷ USD, cao nhất trong số các CMO trên thế giới. JASRAC ở Nhật Bản cũng đạt được thành công tương tự, với hơn 16.000 thành viên, tổ chức này đã thu được hơn 900 triệu USD tiền bản quyền vào năm 2014.
Thiếu giải pháp kiểm soát trên môi trường số So với các CMO có lịch sử hoạt động lâu đời với bề dày kinh nghiệm trên thế giới, các CMO ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ. Việt Nam hiện nay có sáu CMO, được tổ chức theo mô hình truyền thống. Bao gồm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ra đời năm 2002, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) được thành lập năm 2003, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) ra đời năm 2004, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) năm 2010, Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) được thành lập năm 2015, và mới nhất là Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam ra đời năm 2019. Theo quy định, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam là tổ chức tự nguyện, phi lợi nhuận, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan thỏa thuận thành lập.
Dù vậy, các tổ chức này cũng đạt được những kết quả đáng chú ý. Đơn cử như VCPMC đã thu được hơn 1000 tỷ đồng tiền bản quyền trong 20 năm qua. Họ đã cấp phép và thu tiền bản quyền từ nhiều nguồn hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, phát thanh - truyền hình, phát hành trực tuyến, mạng xã hội, nhạc phim, quán karaoke, trung tâm thương mại… Trong giai đoạn 2018-2022, VCPMC cũng theo đuổi khoảng 30 vụ tranh chấp liên quan đến các tác phẩm của các thành viên, và gần một nửa vụ việc trong số đó (12 vụ) đã có kết quả giải quyết.
Nếu nhìn vào bức tranh chung, những điểm sáng trên vẫn còn thưa thớt. Hầu hết các CMO ở Việt Nam hiện nay vẫn còn đang loay hoay với đủ vấn đề, từ những khó khăn trong ủy quyền, cho đến theo dõi việc sử dụng tác phẩm và phân chia lợi nhuận. Đơn cử như trường hợp của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, “Việc ủy thác quyền cực kì khó khăn vì chúng tôi không có đủ kinh phí, điều kiện để tìm đến chỗ tác giả. Hơn nữa, nhiều tác giả lớn tuổi chuyển chỗ ở theo gia đình, trong hồ sơ địa chỉ ở đây nhưng thực tế đã đi đến nơi khác, chúng tôi không biết tìm về đâu”, ông Hoàng Trọng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết.
Những vướng mắc cũ chưa gỡ xong thì thách thức mới lại ập đến trong bối cảnh chuyển đổi số. Khả năng tiếp cận và phân phối tác phẩm dễ dàng trên môi trường số vừa là cơ hội, song cũng là rào cản khiến các CMO khó kiểm soát việc khai thác tác phẩm. Chỉ cần một cú nhấp chuột hoặc một vài thao tác, bản ghi âm các bài hát, những cuốn sách điện tử… có thể dễ dàng bị phát tán ở khắp nơi trên internet. Khi bị phát hiện và ngăn chặn, các đối tượng có thể nhanh chóng xóa dấu vết và tiếp tục tái phạm.
Hệ quả là có những CMO sở hữu không ít tác phẩm giá trị trong tay nhưng đành “để đấy”. Chẳng hạn như Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đang nắm giữ nhiều tác phẩm ở dạng giấy truyền thống, dù biết số hóa sẽ tạo điều kiện lưu trữ và khai thác tác phẩm tốt hơn nhưng đại diện Hiệp hội thừa nhận, “càng số hóa chúng tôi càng chết dần”. Bởi lẽ, các tác phẩm số hóa xong lại bị xâm phạm bản quyền, không thu đủ lợi nhuận để bù đắp vào khoản đầu tư số hóa. “Công nghệ số mở ra nhiều cơ hội song chúng tôi chưa đủ trình độ, năng lực và điều kiện kỹ thuật để quay lại quản lý vấn đề này”, ông Hoàng Trọng Quang nói.
Tình trạng thiếu giải pháp kiểm soát việc sử dụng tác phẩm không phải là bài toán mới của các CMO. Tổ chức CMO mạnh nhất ở Việt Nam là VCPMC đã rơi vào tình cảnh tương tự khi quản lý các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình. VCPMC phải theo dõi được tần suất phát sóng các tác phẩm âm nhạc để làm căn cứ thu tiền các đối tác sử dụng. Do không có công cụ ghi lại, VCPMC phải huy động nhân viên ngồi trực tiếp xem tất cả kênh truyền hình, vừa tốn thời gian, công sức lại không đảm bảo độ chính xác.
Đi tìm giải pháp công nghệCó thể thấy, các CMO phải có những bước chuyển đổi để thích ứng trong kỷ nguyên số hiện nay. Ngoài những đề xuất về nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính minh bạch, một trong những “lối thoát” mà các chuyên gia nhắc đến nhiều nhất là đầu tư cho hạ tầng công nghệ. Sự thành công và thất bại của các CMO trên thế giới đã chứng minh điều này: cả ASCAP (Hoa Kỳ) và JASRAC (Nhật Bản) đều đầu tư các giải pháp theo dõi hoạt động sử dụng và phân phối tiền thù lao theo tần suất sử dụng tác phẩm. Các tổ chức này cũng thường xuyên cung cấp báo cáo tài chính, tăng độ minh bạch, tránh sự hiểu lầm và nghi ngờ từ các thành viên. Trong khi đó, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Trung Quốc (MSSC) lại hoạt động kém hiệu quả hơn nhiều, nguyên nhân là do quản lý và cơ sở hạ tầng yếu kém, theo một công bố của PGS. Fengyan Zhang ở Đại học Truyền thông Trung Quốc vào năm 2016. Cụ thể, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Trung Quốc vẫn sử dụng các công cụ quét thủ công để phát hiện các trường hợp xâm phạm bản quyền, họ cũng thiếu cơ sở dữ liệu kiểm tra chéo, dẫn đến thông tin sai lệch và các vụ kiện tụng không cần thiết. Việc minh bạch trong phân chia tiền bản quyền cũng gặp nhiều nghi vấn. Liu Huan, một ca sĩ và nhạc sĩ Trung Quốc, được mệnh danh là “ông hoàng nhạc pop” ở nước này từng phàn nàn rằng tiền bản quyền anh kiếm được mỗi tháng từ Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Trung Quốc chưa đầy 400 nhân dân tệ (khoảng hơn 1 triệu đồng).
Việc đầu tư các giải pháp công nghệ tiên tiến như các nước đang phát triển có lẽ không khả thi với các CMO vốn đang khó khăn đủ bề tại Việt Nam. Tuy nhiên, các tổ chức này vẫn đang cố gắng xoay xở để phát triển các giải pháp trong tầm tay. Chẳng hạn như vào cuối năm 2022, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã ra mắt nền tảng Vietcopyright.com với mục tiêu hỗ trợ khai thác và bảo vệ quyền tác giả. “Nền tảng này có thể hoạt động theo hình thức mạng xã hội với không gian mở, cho phép độc giả và tác giả cùng tham gia tương tác trên một hệ thống duy nhất. Các tác giả có thể lên trên nền tảng này để chia sẻ tác phẩm của mình trên các không gian số. Đồng thời, thông qua nền tảng này, chúng tôi sẽ cung cấp những tài khoản để cơ quan quản lý nhà nước như Cục bản quyền tác giả, Phòng PA03 vào giám sát khi có những giao dịch mua bán trên này, giúp quản lý bản quyền tốt hơn”, ông Đào Ngọc Dũng ở Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết.