SCImago - tổ chức chuyên cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, có trụ sở ở Tây Ban Nha - vừa
công bố thống kê số bài báo quốc tế năm 2022 của 233 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam đứng thứ 46 với 18.551 bài báo. Xét theo khu vực, chúng ta đứng sau Indonesia, Thailand và Singapore.
Thứ hạng này của Việt Nam được duy trì từ năm 2020, với số bài báo quốc tế năm sau tăng không đáng kể so với năm trước - chỉ từ vài chục đến vài trăm bài.
Nói cách khác, từ năm 2020, số công bố quốc tế của Việt Nam bắt đầu chững lại, sau khi tăng mạnh trong giai đoạn 2017-2020. Trong giai đoạn đó, số bài báo quốc tế của năm sau tăng từ 32% - 43% so với năm trước và thứ hạng của Việt Nam cũng tăng 9 bậc.
TS Phạm Hiệp - trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới giáo dục Reduvation (Trường ĐH Thành Đô), đồng trưởng nhóm nghiên cứu Khoa học giáo dục và Chính sách (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) - thử lý giải nguyên nhân số công bố quốc tế của Việt Nam đang chững lại.
Anh cho biết, trong 1-2 năm qua, Việt Nam bị hụt một lượng bài báo quốc tế đáng kể do hai trường đại học Tôn Đức Thắng và Duy Tân đóng góp.
"Cách đây mấy năm, hai trường này dùng chính sách hợp tác quốc tế tương đối mạnh. Sau đó, họ thay đổi chính sách nên số bài báo quốc tế bị tụt đáng kể," TS Hiệp nói với báo Khoa học và Phát triển.
Chẳng hạn,
có nguồn tin cho biết, năm 2019, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có hơn 2.400 bài báo quốc tế; năm 2020 là hơn 2.600. Nhưng đến năm 2021, lượng công bố quốc tế của trường giảm đột ngột, chỉ còn hơn 500 bài. Đây được cho là kết quả của việc trường điều chỉnh chính sách từ cuối năm 2020, chỉ tập trung ưu tiên ký hợp đồng với các nghiên cứu viên là chuyên gia, nhà khoa học có các hoạt động hợp tác thiết thực với trường.
Theo TS Hiệp, hai trường đại học Tôn Đức Thắng và Duy Tân từng có lúc đóng góp 20-30% số công bố quốc tế hằng năm của Việt Nam. Khi đóng góp của họ bị hụt, số công bố quốc tế của Việt Nam không bị giảm, đó là do được bù lại bằng nỗ lực của các trường đại học khác. "Các cơ sở giáo dục đại học như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM… gần đây đều có chính sách hỗ trợ công bố quốc tế khá tốt. Các đề tài, dự án nghiên cứu, dù có thể không có văn bản bắt buộc nhưng từ cấp trường trở lên và có kinh phí từ vài chục triệu trở lên đều phải có công bố quốc tế rồi. Còn đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp sở thì đương nhiên phải có."
TS Hiệp cho rằng con số hơn 18 nghìn công bố quốc tế mỗi năm như hiện nay không phải là thấp, năng lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng trưởng nhanh, trong top 50 thế giới. Đây là nền tảng rất quan trọng để chúng ta có những tính toán cho con đường phát triển KH&CN trong những năm tiếp theo.
"Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường: hoặc là cố gắng thúc đẩy để tăng số lượng như giai đoạn 2016-2019 hoặc là giữ ở mức như hiện nay nhưng nâng cao chất lượng lên. Nếu chọn hướng thứ hai thì những vấn đề chúng ta đã thảo luận nhiều năm qua như nhóm nghiên cứu mạnh, gắn kết đào tạo tiến sĩ với nghiên cứu khoa học giờ đây cần được hướng vào mục tiêu cụ thể hơn là góp phần thúc đẩy chất lượng công bố quốc tế của Việt Nam," TS. Hiệp kết luận.