Khi nhắc đến xâm phạm bản quyền, hầu hết mọi người đều nghĩ đến những tác phẩm văn học, bài hát hoặc phim ảnh. Ít ai biết rằng, một trong những đối tượng bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất ở Việt Nam là chương trình máy tính (phần mềm). Theo khảo sát của Liên minh phần mềm doanh nghiệp quốc tế (BSA) vào năm 2018, tỉ lệ phần mềm không bản quyền được cài đặt trong máy tính cá nhân của Việt Nam là 74%, thuộc hàng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tổng giá trị thương mại của phần mềm trái phép là 492 triệu USD. Vài năm gần đây, BSA không làm khảo sát về tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam, song có lẽ, tình trạng vẫn chưa mấy cải thiện. Dù ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp tăng mạnh, đại diện BSA cho biết, chi phí sử dụng các phần mềm phổ biến lại đang giảm.
Nhiều người thấy bất ngờ không chỉ vì tình trạng vi phạm, mà còn vì hình thức bảo hộ của chương trình máy tính là quyền tác giả. Theo quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Đi tìm “chiếc áo” phù hợpĐặt cạnh những “người anh em” khác trong lĩnh vực quyền tác giả, chương trình máy tính có vẻ hơi lạc loài. Điều kiện tiên quyết để bảo hộ quyền tác giả là tác phẩm phải đáp ứng được tính nguyên gốc - tác phẩm phải được sáng tạo độc lập, không sao chép từ bất kỳ tác phẩm nào khác. Nếu chiếu theo một cách nghiêm ngặt, chương trình máy tính khó có thể đảm bảo điều kiện này. Thực tế, rất nhiều chương trình máy tính được phát triển dựa trên các chương trình phần mềm nguồn mở - cho phép người khác quyền tự do sử dụng, nghiên cứu và sửa đổi chương trình, sao chép và tái phát hành phần mềm gốc hoặc phần mềm đã sửa đổi mà không phải trả tiền bản quyền cho người người lập trình trước.
Do vậy, “không có mã nguồn nào là nguyên gốc 100%, có thể có mã nguyên gốc cách đây gần trăm năm lúc chưa có nhiều tài liệu và các khóa học, các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm nên thời đó các lập trình viên không có nhiều lựa chọn”, theo một bài viết của TS. Nguyễn Đình Huy (trường ĐHQG - TPHCM) và TS. Trương Thị Tường Vi (trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM) trên Tạp chí Pháp luật và thực tiễn vào năm 2021. “Hiện nay, với sự chia sẻ thông tin qua môi trường internet mọi người được học hỏi lẫn nhau, kế thừa và phát triển nên cần hiểu tính nguyên gốc trong trường hợp áp dụng cho chương trình máy tính là tương đối”.
Trước hạn chế của quyền tác giả, người ta nghĩ đến các hình thức bảo hộ khác: sáng chế, bí mật kinh doanh, hoặc đề xuất một cơ chế bảo hộ riêng. Song những “chiếc áo” này cũng chưa thực sự “vừa vặn” với một đối tượng đặc biệt như chương trình máy tính. Để bảo hộ sáng chế, chủ sở hữu chương trình máy tính phải trải qua quy trình đăng ký với nhiều thủ tục phức tạp, không được bảo hộ tự động như quyền tác giả. Hơn nữa, trong bản mô tả sáng chế đòi hỏi bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật được yêu cầu bảo hộ. Một bất cập khác là xác định tính mới - một trong những điều kiện bắt buộc để bảo hộ sáng chế. “Việc xác định tính mới của chương trình máy tính trong thời đại công nghệ thông tin là một điều khó khăn”, PGS.TS Trần Văn Hải (trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) nhận xét trong một bài viết trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật vào năm 2012. “Mỗi ngày trên thế giới có thể cho ra đời nhiều chương trình máy tính, bởi vậy có thể kéo dài thời gian hơn so với luật định để xét cấp bằng sáng chế cho một chương trình máy tính”.
Việc bảo hộ chương trình máy tính dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh sẽ tránh được quá trình đăng ký tốn kém. Bù lại, chủ sở hữu sẽ phải đầu tư nhiều chi phí để bảo mật tài sản trí tuệ của mình. Khi thấy các hình thức bảo hộ đã có đều chưa thực sự phù hợp, một số chuyên gia cho rằng nên xây dựng cơ chế bảo hộ riêng cho chương trình máy tính. Từ những năm 1970, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã đề cập đến vấn đề này, theo đó, các quốc gia nên ban hành các quy định riêng với các cơ chế khác để bảo hộ chương trình máy tính. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên WIPO không ủng hộ đề xuất này.
Khi cuộc tranh luận về bảo hộ chương trình máy tính ở Việt Nam cũng như thế giới vẫn chưa ngã ngũ, mỗi quốc gia chỉ có thể lựa chọn hướng đi tối ưu nhất có thể. Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam bảo hộ chương trình máy tính dưới hình thức quyền tác giả, tuy nhiên vẫn không loại trừ khả năng bảo hộ dưới các hình thức khác. “Bảo hộ chương trình máy tính bằng quyền tác giả vẫn có nhiều ưu điểm nhất vì đơn giản về thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí bảo hộ”, theo TS. Trương Thị Tường Vi. “Hầu hết các quốc gia vẫn chọn quyền tác giả để bảo hộ cho chương trình máy tính. Để bổ sung cho những hạn chế của quyền tác giả thì sáng chế và bí mật kinh doanh sẽ được lựa chọn để bảo hộ những gì mà quyền tác giả không thể chạm tới: sáng chế bảo hộ những ý tưởng của chương trình máy tính và bí mật kinh doanh bảo hộ những thông tin trong chương trình máy tính, kể cả thông tin mà quyền tác giả và sáng chế không thực hiện được”.
Thỏa thuận với người lao độngNếu bảo hộ theo quyền tác giả, những người sáng tạo ra chương trình máy tính sẽ có những quyền nhân thân vĩnh viễn, bao gồm “quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của tác giả, song cũng dẫn đến vướng mắc lớn trong việc cải tiến, chỉnh sửa tác phẩm, đặc biệt là đối với chương trình máy tính - vốn thường xuyên phải cập nhật, nâng cấp. Các công ty thường thuê kỹ sư viết phần mềm, nếu không có thỏa thuận trước về quyền nhân thân, công ty sẽ khó có thể nâng cấp hay chỉnh sửa phần mềm nếu không có sự đồng ý của tác giả (các kỹ sư phần mềm).
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã chú ý đến vấn đề này. Theo đó, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính có quyền thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính. Nội dung này đã có trong các nghị định trước đây. Việc nâng quy định trên thành luật là “điều rất hợp lý và đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, nhận xét.
Việc thỏa thuận rõ ràng giữa các bên trong quá trình phát triển chương trình phần mềm ngày càng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thông thường,kỹ sư phần mềm/lập trình viên sẽ là tác giả của các chương trình máy tính, còn các công ty, tổ chức giao công việc, đầu tư tài chính sẽ trở thành chủ sở hữu chương trình máy tính đó. Tuy nhiên, sự thay đổi các phương thức làm việc, chẳng hạn như làm việc từ xa, làm việc tự do (freelancer) khiến việc xác định quyền tác giả của các đối tượng này càng thêm phức tạp. “Môi trường làm việc từ xa làm gia tăng thêm sự phức tạp trong các hoạt động liên quan đến sáng tạo, thiết kế, sáng chế hoặc phát triển các tài sản trí tuệ bằng chính tài nguyên cá nhân của nhân viên đó như mạng wifi, máy móc, vật liệu và các cơ sở vật chất khác mà không phải từ người sử dụng lao động. Ranh giới giữa nơi làm việc và nhà đã mờ đi dẫn đến nhiều tranh chấp xung quanh liệu việc một nhân viên tạo ra chương trình máy tính có được xét là trong quá trình làm việc hay không”, ThS. Đặng Nguyễn Phương Uyên (trường Đại học Luật TP.HCM), nhận xét trong một bài viết trên Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn vào năm 2022. “Nhìn chung, chương trình máy tính được người lao động tạo ra trong quá trình làm việc sẽ thuộc sở hữu của người sử dụng lao động nếu giữa hai bên không có thỏa thuận gì khác nhưng cần phải cẩn thận đối với những nội dung liên quan đến soạn thảo hợp đồng lao động, các điều khoản cần được mở rộng hơn, liên quan đến tài sản trí tuệ tạo ra có hay không sử dụng tài nguyên của người sử dụng lao động cũng như những vấn đề liên quan đến từ bỏ quyền nhân thân hay các điều khoản đảm bảo khác”.