Vị trí bạn đứng khi nói chuyện với ai là phản xạ bản năng và thay đổi tùy thuộc vào văn hóa.
Khi giao tiếp, mọi người duy trì một khoảng cách với nhau tự nhiên đến nỗi họ không bao giờ nghĩ về nó. Nhưng khoảng cách đó không phải ngẫu nhiên. Nó phụ thuộc phần lớn vào nơi bạn ở và người mà bạn đang nói chuyện là ai. Hơn nữa, nó cũng phụ thuộc vào các nền văn hóa.
Nếu bạn tình cờ gặp một người quen trên đường và dừng lại để hỏi cô ấy về công việc mới của cô ấy thế nào, bạn sẽ vô thức chọn đứng cách cô ấy một khoảng cách văn hóa vừa đủ. Sẽ khá bối rối khi bạn đứng cách cô ấy chỉ 5-10cm, hoặc ngược lại, cách tới tận 2-3m để nói chuyện. Hai người sẽ tự nhiên tách xa hơn hoặc tiến lại gần hơn để đạt đến một khoảng cách xã hội phù hợp.
Việc chúng ta đứng cách nhau bao xa có một cái tên - proxemics - và nó có thể được định nghĩa là cách duy trì không gian cá nhân khi giao tiếp. Thuật ngữ được đặt ra bởi Edward Hall vào năm 1966 và là một khía cạnh của giao tiếp phi ngôn ngữ.
Hall đã phỏng vấn nhiều người từ khắp nơi trên thế giới để xem liệu có bất kỳ quy tắc nào về không gian cá nhân (personal space) hay không. Liệu nó chỉ đơn giản là một đặc điểm cá nhân, một sự khác biệt giữa người với người?
Tuy nhiên, Hall đã phát hiện ra rất nhiều sự nhất quán về không gian cá nhân, thậm chí còn đưa ra các đo đạc chính xác cho kích thước của các vùng không gian bao quanh mỗi người.
Không gian cá nhân
Theo phân loại của Hall, có bốn vùng không gian cá nhân. Khu vực gần nhất được gọi là khoảng cách thân mật, bao gồm khoảng cách khi tiếp xúc cơ thể như ôm, hôn v.v (<15cm) đến khoảng cách cần thiết để thì thầm với một người bạn (15-46cm). Rất ít khi tương tác công cộng diễn ra trong khoảng cách này. Phần lớn, nó chỉ dành nó cho những gì thân mật cá nhân, ví dụ cho bạn thân, người yêu, con cái và những người ruột thịt. Ngay cả việc bắt tay, vốn liên quan đến chạm vào người khác, cũng thường không diễn ra ở đây. Thay vào đó, hai bên sẽ đứng cách xa nhau một chút và duỗi tay khỏi người để nắm lấy tay nhau.
Vùng thứ hai bên ngoài vùng thân mật là khoảng cách cá nhân. Đây là khu vực mà mọi người tương tác với người nhà, bạn thân, hoặc cho những cuộc thảo luận nhóm nhỏ. Nó thường rơi vào khoảng cách từ 46 cm đến 1,2m. Tất nhiên, có những lúc khoảng cách cá nhân hay thậm chí là khoảng cách thân mật bị người lạ xâm phạm, ví dụ như trong một thang máy đông đúc. Nhưng sự khó chịu mà mọi người cảm thấy có thể chỉ là tạm thời, vì hầu hết các chuyến đi thang máy chỉ kéo dài một hoặc hai phút.
Tuy nhiên cũng có trường hợp dài hơn, ví dụ như đứng trong một toa tàu điện ngầm chật cứng. Lúc này, sự gần gũi không mong muốn có thể kéo dài hàng giờ, kèm theo những chen lấn khó chịu khi tàu di chuyển hoặc mọi người lên xuống. Chúng ta thường đối phó với sự xâm phạm khoảng cách này bằng cách tách mình khỏi tình huống về mặt tâm lý, ví dụ như nhắm mắt, lướt điện thoại hoặc đeo tai nghe. Ở Tokyo, Seoul, Rio de Janeiro và các thành phố khác, tàu điện ngầm có những toa tàu đặc biệt chỉ dành cho phụ nữ để tránh nam giới phạm vào khoảng cách cá nhân hoặc khoảng cách thân mật của họ.
Vùng thứ ba là
khoảng cách xã hội, đó là khi chúng ta giao tiếp với người quen biết, người lạ, những nhóm mới và những người mới quen. Nó thường rơi vào khoảng 1,2 - 3,7m. Nếu bạn đang trò chuyện với đồng nghiệp tại nơi làm việc, có khả năng bạn đang duy trì khoảng cách xã hội với họ. Trên thực tế, nếu hai đồng nghiệp tại nơi làm việc có mối quan hệ tình cảm bí mật, họ có thể vô thức điều chỉnh khoảng cách cá nhân của họ từ khoảng cách xã hội sang một khoảng cách thân mật hơn. Họ có thể không nhận ra rằng họ đang phát tín hiệu cho người khác biết.
Cuối cùng là
khoảng cách công cộng, tức khoảng cách được sử dụng khi nói trước công chúng, diễn thuyết, giảng dạy, biểu diễn kịch v.v Nó thường rơi vào khoảng từ 3,7 - 7,6 m hoặc rộng hơn. Các cá nhân thường thực hiện một số thay đổi hành vi vô thức khi trình bày ở khoảng cách công cộng, ví dụ nói to hơn hoặc thay đổi tư thế đế giọng truyền đi xa hơn. Và như thường lệ, chúng ta chỉ thực sự ý thức được những thay đổi này có đủ hay không khi chúng tạo ra vấn đề - ví dụ như ai đó nói quá to và tỏ ra hung hăng, hoặc tư thế của ai đó không đủ mạnh để cất tiếng nói giữa đám đông.
Ảnh hưởng của văn hóaKhông có gì đáng ngạc nhiên khi không gian cá nhân thay đổi theo các nền văn hóa. Ở châu Á, khoảng cách xã hội có vẻ gần hơn so với ở châu Âu. Vì vậy, nếu bạn là người châu Á, bạn có thể cố gắng thu hẹp khoảng cách khi nói chuyện với một người châu Âu, trong khi họ lại cố lùi xa hơn một chút. Thật dễ dàng tưởng tượng đến một điệu nhảy lúng túng khi một bên tiến và một bên lùi lúc cuộc trò chuyện diễn ra.
Vấn đề là nơi bạn đứng khi nói chuyện với ai đó là một phản xạ bản năng. Mặc dù chúng ta chắc chắn không cố tình cầm thước đo khoảng cách vật lý giữa mình với họ, tiềm thức của chúng ta vẫn đang tính toán điều này. Khi khoảng cách thực tế không khớp với khoảng cách mà ta cho là phù hợp, ta sẽ bắt đầu suy đoán lý do. Tại sao người này lại đứng gần đến vậy?
Lý thuyết về khoảng cách cá nhân của Hall có thể giúp giải đáp câu hỏi này. Đôi khi, người ta đứng gần vì đó là thói quen trong văn hóa của họ. Đôi khi, một người đứng quá gần cũng có thể vì họ thực sự hung hăng hoặc xấc xược. Nếu bạn đưa ra phán đoán sai khi giao tiếp xuyên văn hóa thì có thể dẫn đến hiểu lầm. Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng ai đó là kẻ xấc xược (quy kết cá nhân) thay vì nhận ra rằng quan niệm về khoảng cách xã hội của họ khác biệt với bạn (quy kết tình huống).
Nhưng bản thân bạn cũng phải tự phán đoán tùy môi trường xung quanh. Chẳng hạn như ở Mông Cổ, khi hai người vô tình va vào nhau trong quán ăn, họ sẽ lập tức bắt tay, theo một nghĩa nào đó để nói “xin lỗi” và thiết lập lại khoảng cách cá nhân chính xác. Nhưng khi ai đó va vào bạn trên vỉa hè thủ đô Ulaanbaatar, bạn sẽ nên bắt tay người đó hay giữ chặt túi xách của mình hơn? Thật không may, lý thuyết của Hall không giúp trả lời vấn đề này, chỉ có kinh nghiệm cá nhân mới phần nào giải quyết được việc đó.
Nói chung, những người sống ở nơi có mật độ dân số cao thường có yêu cầu thấp về không gian cá nhân. Công dân của Ấn Độ hay Nhật Bản thường có không gian cá nhân nhỏ hơn những người ở thảo nguyênMông Cổ, đối với cả nhà ở và không gian riêng. Không gian cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi địa vị xã hội của một người, cá nhân càng giàu có thì càng kỳ vọng về một không gian cá nhân lớn hơn.
Trong việc giao tiếp giữa các nền văn hóa, điều quan trọng là không được đánh giá quá thấp cũng như đánh giá quá cao ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa. Việc nhận thức về khoảng cách giao tiếp và thái độ khác nhau về không gian cá nhân giữa các nền văn hóa có thể giúp bạn tránh những tình huống lúng túng khi ai đó lại gần hơn mức bạn cảm thấy thoải mái, hoặc có được sự thấu hiểu giao lưu văn hóa tốt hơn.
| Nhà nhân chủng học Edward T. Hall đã đặt ra thuật ngữ “Proxemics” vào năm 1966, ý chỉ “không gian cá nhân” khi trò chuyện, phát biểu hoặc tương tác xã hội. Nó là một trong nhiều kiểu giao tiếp phi ngôn ngữ khác nhau của con người,bao gồm sự động chạm (haptics), chuyển động cơ thể (kinesics), tín hiệu ngôn thanh (vocalics), và nhận thức về thời gian (chronemics). |
_____________________
Tài liệu:
[1] Kreuz, R., & Roberts, R. (2019), Proxemics 101: Understanding Personal Space Across Cultures, The MIT Press.
[2] Kreuz, R., & Roberts, R. (2017), Getting Through: The Pleasures and Perils of Cross-Cultural Communication, The MIT Press
[3] Hall, Edward T. (1966).The Hidden Dimension. Anchor Books.
Bài đăng số 1293 (số 21/2024) KH&PT