Nâng cao Nhận thức về CDĐLTrước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) vào năm 2001, nước mắm Phú Quốc đã nổi tiếng với hương vị thơm ngon có truyền thống từ hàng trăm năm trước. Tưởng rằng có CDĐL sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm này như “hổ mọc thêm cánh”, song thực tế vẫn cách xa kỳ vọng: Theo kết quả khảo sát của Trung tâm phát triển nông thôn vào năm 2017, có 20 cơ sở sản xuất đủ điều kiện sản xuất nước mắm mang CDĐL Phú Quốc, nhưng chỉ có 11 cơ sở đăng ký sử dụng tem CDĐL. Sản lượng sản phẩm mang CDĐL chiếm chưa đầy 5% tổng sản lượng hàng năm của nước mắm Phú Quốc. Rõ ràng, người sản xuất nơi đây chẳng mấy “mặn mà” với CDĐL, dù đã bỏ ra không ít công sức, thời gian và chi phí để xây dựng.
Tình trạng này không phải là hiếm gặp. Một số CDĐL cũng như nhãn hiệu nông sản khác của Việt Nam cũng chung cảnh ngộ. Chẳng hạn như trường hợp của An Giang, một trong những tỉnh thành có nhiều văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản nhất với 1 CDĐL, 1 nhãn hiệu chứng nhận và 59 nhãn hiệu tập thể. Nhưng trong chuyến khảo sát đầu năm 2019 về tình hình phát triển của các nhãn hiệu này, Sở KH&CN An Giang đã phát hiện ra hơn 2/3 các nhãn hiệu này không còn được sử dụng hoặc sử dụng nhưng không hiệu quả. Và đương nhiên, khi không được sử dụng, sự tồn tại của các CDĐL sẽ mờ nhạt trong tâm trí người tiêu dùng.
Tại sao người sản xuất lại thờ ơ với CDĐL - vốn được coi là một công cụ đắc lực để nâng cao giá trị sản phẩm? Không dễ chỉ ra tường tận các lý do, song theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những điểm mấu chốt là do “thiếu nhận thức về chất lượng và tính chất đặc thù của các sản phẩm mang CDĐL”, ông Ryzul Osman ở Cơ quan Sở hữu trí tuệ Malaysia (MyIPO) nhận xét trong buổi hội thảo trực tuyến về bảo hộ CDĐL ở khu vực Đông Nam Á được tổ chức vào cuối tháng 6/2023. “Hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á đều gặp vấn đề này”. Chẳng hạn như theo kết quả khảo sát ở Malaysia, hơn một nửa các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này chưa bao giờ biết về CDĐL.
Mỗi quốc gia có một định nghĩa cụ thể về CDĐL khác nhau, nhưng về cơ bản, đều được hiểu là các dấu hiệu để chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Theo quy định ở Việt Nam, quyền sở hữu CDĐL thuộc về nhà nước. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL do điều kiện địa lý quyết định, bao gồm yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất,...) hoặc yếu tố con người (kỹ năng người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương,...). Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL có hiệu lực vô thời hạn, chỉ bị chấm dứt khi điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm thay đổi.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, lại đẩy mạnh bảo hộ CDĐL trong những năm gần đây. “Giá trị sản phẩm có thể tăng gấp đôi khi có CDĐL”, ông Raimondo Serra ở Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu, nhận xét. “CDĐL đóng góp rất lớn vào nền kinh tế châu Âu, hiện nay, nó mang lại hơn 77 tỉ Euro cho khu vực”. Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, việc phát triển CDĐL có thể là một chiến lược hiệu quả để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Với kinh nghiệm phát triển CDĐL trong hàng trăm năm, có nhiều sản phẩm thành công, nổi tiếng trên toàn thế giới như rượu Champagne (Pháp), bia Bayerisches Bier (Đức), ô liu Kalamata (Hy Lạp)..., song các quốc gia châu Âu - “cái nôi của CDĐL” vẫn coi việc nâng cao nhận thức, giúp người sản xuất và tiêu dùng thấy rõ lợi ích của CDĐL là hoạt động cần làm thường xuyên. Khi nhắc đến những chính sách nổi bật về CDĐL ở châu Âu gần đây, bên cạnh những điểm mới như xây dựng hệ thống CDĐL cho các sản phẩm phi nông nghiệp, bà Katarina Barathova ở Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ủy ban châu Âu) nhiều lần nhấn mạnh về các giải pháp nâng cao nhận thức: “Chúng tôi sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của người tiêu dùng về CDĐL, đồng thời khuyến khích người sản xuất áp dụng CDĐL, đặc biệt là theo hướng sản xuất bền vững”.
Bài toán chất lượng sản phẩmViệc tập huấn đào tạo sẽ giúp người sản xuất hiểu rõ hơn về CDĐL, trong khi các hoạt động quảng bá sẽ đưa danh tiếng sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt để giữ chân khách hàng vẫn nằm ở chất lượng. Chẳng hạn như sản phẩm đầu tiên được bảo hộ CDĐL ở Việt Nam - nước mắm Phú Quốc từ lâu đã nổi tiếng với hương vị thơm ngon, có mùi thơm nhẹ, màu cánh gián đậm, trong tinh khiết, không có mùi tanh và amoniac. Hoặc sản phẩm nhãn sấy khô cơm vàng Lamphun - CDĐL thứ ba của Thái Lan được bảo hộ tại Việt Nam, cũng nổi tiếng có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng, cơm nhãn dày và khô ráo hoàn toàn, không dính tay, khi giữ lâu mùi vị không thay đổi.
Đây cũng là những tính chất đặc trưng, có liên hệ với vùng địa lý (có được nhờ điều kiện tự nhiên hoặc phương pháp sản xuất…) và được mô tả trong hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đơn cử, nước mắm Phú Quốc có được những đặc tính trên là nhờ kỹ thuật khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu, ủ chượp cá cơm trong những thùng gỗ được làm từ cây hộ phát, bời lời... và kéo rút được người dân đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Còn nhãn Lamphun xuất phát từ tỉnh Lamphun vốn được mệnh danh là “xứ sở của nhãn” ở Thái Lan, có đất đai màu mỡ, khí hậu ấm áp quanh năm thuận lợi cho cây nhãn phát triển. Khi sản lượng nhãn quá nhiều, người trồng đã chuyển sang làm nhãn sấy khô, phương pháp chế biến được cải tiến liên tục từ sấy khô cả vỏ bằng bếp than thông thường chuyển sang lò sấy hiện đại có thể kiểm soát nhiệt độ tốt hơn.
Việc tuân thủ các yêu cầu sản xuất là điều cần thiết để duy trì chất lượng và phát triển bền vững sản phẩm mang CDĐL, nhưng đứng giữa một quy trình nghiêm ngặt với nhiều ràng buộc, không ít người đã chọn “đường tắt”. Chẳng hạn như trường hợp của bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), do không kiểm soát tốt việc mở rộng vùng sản xuất, nhiều giống bưởi lạ tràn vào, khiến chất lượng và uy tín của vùng sản phẩm suy giảm. Thậm chí, một chuyên gia về sở hữu trí tuệ từng thừa nhận, khi đến tận vùng trồng bưởi Đoan Hùng, họ vẫn khó có thể tìm mua đúng loại bưởi mang CDĐL này.
Một số quốc gia được coi là tấm gương thành công về CDĐL (trong khu vực Đông Nam Á) như Thái Lan cũng gặp vấn đề tương tự. “Ở Thái Lan, một số sản phẩm sau khi có CDĐL và nổi tiếng, một số nhà sản xuất ở các vùng địa lý tìm cách hạ thấp chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận. Hành động trên là trái với đạo đức và gây tổn hại đến uy tín của CDĐL, ảnh hưởng đến những người sản xuất chân chính trong khu vực”, nhà nghiên cứu Tanatthep Tianprasi ở Viện Nghiên cứu quốc gia về Quản lý phát triển (NIDA), Thái Lan, nhận xét trong bài viết trên NIDA Development Journal vào năm 2016. “Một số sản phẩm có CDĐL cũng bị các nhà sản xuất ở khu vực khác bắt chước và sử dụng, gắn vào sản phẩm của họ, chẳng hạn khi sản phẩm trứng muối Chaiya được bảo hộ CDĐL, rất nhiều cơ sở sản xuất trứng muối ở khu vực khác (ngoài vùng bảo hộ) đã xuất hiện. Hành động này có thể gây tổn hại đến uy tín của sản phẩm mang CDĐL thực sự và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng và nguồn gốc địa lý của sản phẩm”.
Tăng cường cơ chế kiểm soátThực chất, làm thế nào để kiểm soát chất lượng sản phẩm luôn là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận về phát triển CDĐL. Theo các chuyên gia, vấn đề mà chúng ta đang gặp phải là thiếu cơ chế kiểm soát chất lượng chặt chẽ, rõ ràng. “Chưa có căn cứ pháp lý để các chủ thể có nhu cầu sử dụng CDĐL xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, mà nếu không có hệ thống này thì các chủ thể không thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL, vì thế họ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai”, TS. Bùi Thị Hằng Nga và cộng sự, nhận xét trong một bài báo trên tạp chí Lập pháp vào năm 2021. “Cơ chế sử dụng địa lý do các địa phương quản lý tự quyết định, ban hành tùy thuộc vào từng địa phương, dẫn đến sự thiếu thống nhất, hiệu quả thấp. Việc kiểm soát các sản phẩm gắn CDĐL không được quy định cụ thể trong luật nên hầu hết các chủ thể có nhu cầu sử dụng CDĐL chỉ tập trung vào việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ mà không xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm bên ngoài, kể cả công cụ truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, khi sản phẩm gắn CDĐL ra khỏi nơi sản xuất thì việc kiểm soát gần như đã chấm dứt. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng”.
Như vậy, các chuyên gia khuyến nghị, một trong những điểm mấu chốt là phải tăng cường cơ chế kiểm soát nội bộ kết hợp với bên ngoài. Chẳng hạn như ở Thái Lan, ngoài quy trình quản lý chất lượng nội bộ của các hiệp hội, các cơ quan quản lý cũng hỗ trợ kiểm soát thông qua việc thuê các đơn vị chứng nhận và tăng cường cán bộ thanh kiểm tra. Tương tự, ở châu Âu, “chúng tôi thực hiện kiểm soát chất lượng GI liên tục thông qua các cơ quan của các quốc gia thành viên, từ đó phát hiện ra những sai phạm, chẳng hạn như sản xuất phomat không tuân thủ các tiêu chuẩn thông số của khu vực địa lý, và nhanh chóng xử lý, phòng chống gian lận. Những nỗ lực như vậy nhằm đảm bảo chất lượng của các sản phẩm mang CDĐL”, bà Katarina Barathova nói.