Bắt đầu từ năm nay và tiếp tục trong 30 năm tới, Nhật Bản sẽ từ từ xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý, hiện chứa trong các bể chứa tại nhà máy Fukushima, ra biển thông qua một đường ống kéo dài 1 km. Câu hỏi đặt ra là liệu nước này có gây hại cho môi trường biển và con người trên khắp khu vực Thái Bình Dương?
Bất chấp những lo ngại từ một số quốc gia và các nhóm quốc tế, Nhật Bản vẫn sẽ triển khai kế hoạch xả nước thải từ sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 ra Thái Bình Dương.
Nước đã bị ô nhiễm phóng xạ như thế nào?
Sau khi bị trận động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011 làm tê liệt cơ chế tản nhiệt, lõi lò phản ứng, hay nhiên liệu hạt nhân, của nhà máy Fukushima trở nên nóng quá mức và phát nổ. Kể từ đó, Nhật Bản đã phun hơn 1,3 triệu mét khối nước biển vào lõi để tản nhiệt. Do tiếp xúc với nhiên liệu hạt nhân, toàn bộ lượng nước này bị nhiễm các nguyên tố phóng xạ, gây lo ngại nhất là những chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người - bao gồm carbon-14, iodine-131, caesium-137, stronti-90, cobalt-60 và hydrogen-3 (còn được gọi là tritium).
Một số hạt nhân phóng xạ này có chu kỳ bán rã, hay thời gian để một nửa số hạt nhân nguyên tử trong mẫu ban đầu phân rã, tương đối ngắn. Do đó, một số chất đã bị phân rã hoàn toàn sau 12 năm kể từ thảm họa. Nhưng những chất khác mất nhiều thời gian hơn để phân rã, chẳng hạn carbon-14 có chu kỳ bán rã hơn 5.000 năm.
Đại diện TEPCO đo mức độ bức xạ xung quanh các bể chứa nước đã xử lý vào năm 2018.
Nhật Bản đã xử lý nước như thế nào?
Nước bị ô nhiễm đã được thu gom, xử lý để giảm hàm lượng phóng xạ và được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa bằng thép không gỉ tại khu vực nhà máy. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cho biết đã sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) gồm các giai đoạn đóng cặn, hấp phụ hay kết dính các phân tử lên bề mặt, và lọc vật lý để xử lý nước. ALPS đưa 62 trong tổng số 64 hạt nhân phóng xạ có trong nước về nồng độ dưới giới hạn quy định năm 2022 của Nhật Bản đối với nước thải ra môi trường. Các giới hạn này được Nhật bản đưa ra dựa trên các khuyến nghị từ Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ phóng xạ.
Nhưng quy trình lọc này không loại bỏ carbon-14 và tritium, vì vậy nước đã xử lý sẽ được pha loãng thêm với khối lượng nước biển gấp 100 lần. Sau khi pha loãng, TEPCO cho biết nồng độ tritium sẽ vào khoảng 1.500 becquerel (đơn vị đo độ phóng xạ của một chất) trên mỗi lít — bằng khoảng 1/7 hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về tritium trong nước uống.
TEPCO nói rằng nồng độ tritium sẽ giảm xuống mức bức xạ nền vốn có trong đại dương trong vòng vài km tính từ vị trí xả thải. Theo công ty này, carbon-14 trong các bể chứa hiện ở nồng độ khoảng 2%, thuộc ngưỡng trên của quy định Nhật Bản đối với nước thải, và sẽ giảm hơn nữa sau quá trình pha loãng với nước biển, được thực hiện ngay trước khi xả thải.
Rủi ro mà nước thải gây ra cho các quốc gia xung quanh Thái Bình Dương có thể sẽ không đáng kể, Jim Smith, nhà khoa học môi trường tại Đại học Portsmouth, Vương quốc Anh, cho biết. “Tôi luôn ngần ngại khi nói rằng không có rủi ro, nhưng gần bằng không”, Smith nói. “Đảo Thái Bình Dương gần nhất cách đó khoảng 2.000 km.” Chuyên gia này lập luận rằng việc giữ nước đã xử lý tại chỗ sẽ gây ra rủi ro lớn hơn, trong trường hợp xảy ra một trận động đất khác hoặc một cơn bão gây rò rỉ bể chứa.
Phóng xạ có ảnh hưởng đến cá và con người không?
Các quốc gia như Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng nước được xử lý có thể gây ra những tác động chưa rõ ràng đối với môi trường đại dương.
Năm ngoái, Hiệp hội các Phòng thí nghiệm Hàng hải Quốc gia Mỹ ở Herndon, Virginia, cũng lên tiếng phản đối việc xả thải theo kế hoạch của Nhật Bản, vì “thiếu dữ liệu khoa học đầy đủ và chính xác làm bằng chứng cho khẳng định của Nhật Bản về mức độ an toàn”.
Chính phủ Philippines cũng kêu gọi Nhật Bản xem xét lại việc xả nước thải hạt nhân ra Thái Bình Dương.
“Những người đang ủng hộ kế hoạch này - xử lý nước bằng ALPS và sau đó thải ra đại dương - chưa chứng minh một cách toàn diện rằng việc xả thải sẽ an toàn cho sức khỏe đại dương và sức khỏe con người", theo Robert Richmond, nhà sinh học biển tại Đại học Hawaii ở Manoa.
Richmond là một trong năm nhà khoa học trong ban cố vấn cho Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một tổ chức liên chính phủ gồm 18 quốc gia. Ban cố vấn được triệu tập để tư vấn về việc xả nước thải từ Fukushima có an toàn cho cả đại dương và những người phụ thuộc vào đại dương hay không. Richmond cho biết họ đã xem xét tất cả dữ liệu do TEPCO và chính phủ Nhật Bản cung cấp, đồng thời đến thăm địa điểm Fukushima, nhưng vẫn còn một số câu hỏi chưa được trả lời về tritium và carbon-14.
Tritium là chất phát bức xạ β, nghĩa là nó phát ra bức xạ có thể làm hỏng DNA. TEPCO cho biết nồng độ tritium trong nước thải phát ra lượng bức xạ thấp hơn so với liều lượng mà một người bay một chuyến khứ hồi từ New York đến Tokyo trải qua. Đáp lại, Richmond cho biết da người có thể ngăn chặn một phần bức xạ. “Nhưng nếu bạn ăn thứ gì đó bị nhiễm chất phát bức xạ β, các tế bào bên trong sẽ bị phơi nhiễm", chuyên gia này nói.
Theo TEPCO, hoạt động đánh bắt cá ít khi diễn ra trong vòng 3 km tính từ nơi đường ống sẽ xả nước. Nhưng Richmond lo ngại tritium có thể tích tụ trong chuỗi thức ăn khi các sinh vật lớn hơn ăn những sinh vật nhỏ hơn bị phơi nhiễm.
Người phát ngôn của TEPCO cho biết công ty đã tiến hành các thử nghiệm, trong đó các sinh vật biển được nuôi trong nước biển có chứa nước đã qua xử lý ALPS. "Chúng tôi khẳng định nồng độ tritium trong cơ thể các sinh vật biển đạt trạng thái cân bằng sau một thời gian nhất định và không vượt quá nồng độ trong môi trường sống", theo người phát ngôn của TEPCO.
Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục so sánh sức khỏe của các sinh vật được nuôi trong nước đã xử lý và pha loãng với những sinh vật được nuôi trong nước biển thông thường.
Quy trình xả nước thải hạt nhân có tiền lệ không?
Smith chỉ ra rằng việc xả nước nhiễm tritium là quy trình vận hành thông thường của các nhà máy điện hạt nhân. Ông nói rằng cả nhà máy điện hạt nhân Heysham và nhà máy xử lý nhiên liệu hạt nhân Sellafield ở Vương quốc Anh đều thải từ 400-2.000 terabecquerel tritium vào đại dương mỗi năm. “Nhìn chung, vì nó là một chất phát bức xạ β yếu nên không thực sự là chất độc phóng xạ", Smith nói.
Otosaka nói rằng quy trình này cũng thường diễn ra ở Nhật Bản, với mức thải khoảng 50 terabecquerel tritium hằng năm trước khi xảy ra sự cố.
TEPCO cho biết, chưa đến 22 terabecquerel tritium sẽ được giải phóng từ đường ống xả nước thải mỗi năm, và sẽ cùng Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản và IAEA giám sát liên tục sinh vật biển và trầm tích xung quanh khu vực. IAEA, cơ quan đang giám sát việc dọn dẹp và quản lý Fukushima, dự kiến sẽ công bố báo cáo cuối cùng về địa điểm và kế hoạch xả nước thải vào cuối tháng 6.
Nguồn: