Phát hiện mới có thể giúp phòng chống các bệnh do ruồi lan truyền và làm cho việc bẫy ruồi hiệu quả hơn.

Nghiên cứu mới cho thấy các loài ruồi đốt bị thu hút bởi các vật thể màu xanh dương vì chúng lầm tưởng màu này là con vật chúng muốn thưởng thức.

Các nghiên cứu thực địa về côn trùng từ lâu đã cho thấy ruồi bị màu xanh dương thu hút, và đây là điều khiến cho các loại bẫy khắp thế giới được làm bằng màu này. Nhưng vì sao các loài ruồi đốt đặc biệt bị hấp dẫn bởi các bẫy màu xanh dương thực sự là một điều khó hiểu đối với các nhà khoa học.

Ruồi xê xê là một vật chủ trung gian gây bệnh ngủ, một loại bệnh đặc hữu khắp khu vực châu Phi hạ Sahara. Ảnh: Nigel Cattlin
Ruồi xê xê là một vật chủ trung gian gây bệnh ngủ, một loại bệnh đặc hữu khắp khu vực châu Phi hạ Sahara. Ảnh: Nigel Cattlin

Có giả thuyết cho rằng ruồi nhầm màu xanh dương là nơi có bóng râm để nghỉ, vì bóng râm có thể nhuốm màu xanh dương. Hiện tượng này có thể quan sát thấy ở bóng râm trên tuyết chẳng hạn. Ngoài ra, còn có giả thuyết cho rằng các bẫy màu xanh dương trông giống động vật trong mắt ruồi, nhưng điều này chưa từng được chứng minh.

Để tìm câu trả lời, các nhà nghiên cứu ở Đại học Aberystwyth, Anh đã xây dựng các mạng nơ ron nhân tạo bắt chước quá trình xử lý hình ảnh trong não các loài ruồi như ruồi xê xê (tsetse), ruồi chuồng trại và ruồi ngựa.

Các mạng nơ ron được đào tạo để phân biệt động vật với các nền lá cây, các bề mặt có bóng râm và không có bóng râm, chỉ bằng cách sử dụng các phản ứng của 5 loại tế bào cảm quang có trong mắt ruồi. Sau đó, các mạng này được kiểm tra để phân loại các bẫy màu xanh.

Kết quả thu được không ủng hộ giả thuyết ruồi thấy các vật thể màu xanh trông giống bóng râm. Các mạng nơ ron phát hiện bóng râm qua việc thiếu sáng và đã không phân loại nhầm các vật thể màu xanh dương với bóng râm.

Còn để nhận biết động vật, các mạng này so sánh phản ứng tương đối của các tế bào cảm quang nhạy cảm với màu xanh lam và xanh lục, và chúng thường phân loại nhầm vật thể màu xanh dương là động vật.

Điều này khiến nhóm nghiên cứu kết luận rằng đối với ruồi thì các vật thể màu xanh dương, chẳng hạn như chiếc bẫy, trông giống vật chủ. Kết luận của nhóm nghiên cứu được các thí nghiệm thực địa ủng hộ. Các thí nghiệm này cho thấy những con ruồi xê xê bị bắt trong bẫy màu xanh dương thường chưa ăn, chứng tỏ chúng đang tìm vật chủ.

Bẫy ruồi. Ảnh: International Barcode of Life
Bẫy ruồi. Ảnh: International Barcode of Life

Theo các nhà nghiên cứu, việc hiểu được cơ chế khiến ruồi bị thu hút bởi các loại bẫy màu có thể giúp cải thiện màu sắc của bẫy để bắt ruồi hiệu quả hơn. Vì các loài ruồi đốt thường truyền bệnh cho người và động vật, cho nên kiểm soát ruồi là một phần quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh. Trong đó phải kể đến bệnh trypanosomiasis châu Phi (hay bệnh ngủ) ở người, một căn bệnh đặc hữu ở châu Phi hạ Sahara và thường gây tử vong nếu không được chữa trị. Ngoài ra, ta còn có thể dùng chúng để kiểm soát ruồi chuồng trại rất phổ biến và thường gây bệnh cho gia súc, dẫn đến nhiều thiệt hại trên toàn cầu.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of Royal Society B.

Nguồn: