Báo cáo mới cho thấy hơn 90% ngành đánh bắt lẫn nuôi trồng thủy hải sản phải đối mặt với các nguy cơ lớn do biến đổi môi trường gây ra.
Báo cáo có tên là “Vulnerability of Blue Foods to Human-induced Environmental Change” (Tình trạng cận nguy cấp của thủy hải sản trước biến đổi môi trường do con người gây ra).
Đây là một trong 7 bài báo khoa học do dự án Blue Food Assessment (BFA) công bố, là phân tích toàn cầu đầu tiên từ trước tới nay về những tác nhân gây căng thẳng môi trường ảnh hưởng sản lượng và độ an toàn của thủy hải sản trên khắp thế giới.
Có 17 tác nhân được khảo sát, bao gồm tình trạng tảo nở hoa, mực nước biển dâng, nhiệt độ thay đổi và việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Theo các nhà nghiên cứu, những tác nhân gây căng thẳng môi trường có ảnh hưởng xuyên quốc gia. Chúng lưu chuyển từ hệ sinh thái này tới hệ sinh thái khác, kết nối đất liền với đại dương qua nước, không khí, các loài sinh vật và con người.
Báo cáo chỉ ra, nhìn chung, ngành đánh bắt hải sản dễ bị ảnh hưởng bởi những tác nhân liên quan đến khí hậu, nhất là nhiệt độ tăng và sự axit hóa. Còn ngành nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng nhiều hơn từ tác động của bệnh tật và hiện tượng thiếu oxy.
Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, các hệ thống sản xuất thủy hải sản dễ bị ảnh hưởng xuất hiện trên khắp các châu lục, trong đó có những nước sản xuất thủy hải sản lớn nhất như Na Uy, Trung Quốc và Mỹ.
Những mối đe dọa chính cho ngành sản xuất thủy hải sản ở Mỹ bao gồm các loài xâm lấn, hiện tượng phú dưỡng nội địa hay tảo nở hoa, đại dương ấm lên và mực nước biển dâng.
Ngành thủy sản nước ngọt của Trung Quốc có sản lượng lớn nhất thế giới cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh từ hiện tượng phú dưỡng nội địa và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cần chú ý đặc biệt tới những nước chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi môi trường, nhưng không có đủ năng lực thích nghi như Bangladesh, Eswatini, Guatemala, Honduras và Uganda.
Báo cáo kêu gọi hợp tác xuyên biên giới để đưa ra những chiến lược thích ứng và đa dạng hóa sản xuất thủy hải sản ở những nước có nguy cơ cao.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability.
Ở Việt Nam, sản xuất và chế biến thủy sản cũng là một ngành quan trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh như năm vừa qua, ngành này đã đạt 11 tỷ USD - mức tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển của ngành,cao nhất sau 20 năm Việt Nam gia nhập thị trường quốc tế. Việt Nam hiện là nước sản xuất hải sản đứng thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ, theo công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group.
Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng và phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia và đề án. Trong đó, một số chiến lược được sử dụng gồm:phát triển việc nuôi giống thủy sản, nuôi trồng các loài thích hợp với từng địa phương; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; quản lý sản lượng khai thác lẫn tàu bè ra khơi; kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản.
Nguồn tham khảo: