Số liệu mới cho thấy, diện tích rừng nhiệt đới bằng cả nước Thụy Sĩ đã bị xóa khỏi Trái đất vào năm 2022, bất chấp lời hứa của các nhà lãnh đạo thế giới về việc ngăn chặn nạn phá rừng.

Từ vùng Amazon của Bolivia đến Ghana, năm ngoái, mỗi phút có diện tích rừng nhiệt đới tương đương 11 sân bóng đá bị phá hủy. Các hệ sinh thái đa dạng sinh học và chứa nhiều carbon nhất hành tinh bị dọn sạch để chăn nuôi gia súc, nông nghiệp và khai thác mỏ. Ở một số quốc gia, các cộng đồng rừng bản địa buộc phải rời bỏ đất đai của họ bởi các ngành công nghiệp khai khoáng.

Trái đất đã mất 4,1 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh vào năm 2022, tăng khoảng 10% so với năm 2021, theo số liệu do Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Đại học Maryland tổng hợp. Các tác giả của báo cáo cảnh báo rằng con người đang phá hủy một trong những công cụ quan trọng nhất giúp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu và giúp ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Thay đổi sử dụng đất là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai sau đốt nhiên liệu hóa thạch và là nguyên nhân chính dẫn đến mất đa dạng sinh học. Theo các nhà khoa học, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp là mục tiêu khó thực hiện nếu không ngăn chặn được nạn phá hủy các khu rừng mưa nhiệt đới.

Tại Cop26 năm 2021, hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Joe Biden, Tập Cận Bình và Jair Bolsonaro, đã ký kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng trước năm 2030. Dữ liệu mới cho thấy rằng các nhà lãnh đạo không thực hiện được lời hứa của họ.

Brazil, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Bolivia là các nước đứng đầu bảng về diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới bị mất trong năm ngoái. Indonesia và Malaysia đã giữ mức độ mất rừng ở gần mức thấp kỷ lục, sau những hành động quan trọng của chính phủ và doanh nghiệp những năm gần đây. Bolivia là một trong số ít quốc gia có diện tích rừng lớn không ký cam kết Cop26 về việc chấm dứt tình trạng mất rừng.

Ghana, một nhà sản xuất ca cao lớn, đã bị mất rừng nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong những năm gần đây, xét về tỷ lệ giữa rừng và tổng diện tích, mặc dù con số tuyệt đối là nhỏ.

Trước tình hình này, Inger Andersen, Giám đốc môi trường của Liên Hợp Quốc, đã kêu gọi tăng giá carbon rừng để loại bỏ động cơ kinh tế ngắn hạn của việc phát quang rừng nhiệt đới. Thông qua thị trường carbon, các quốc gia có những hệ sinh thái rừng quan trọng đối với khí hậu – chẳng hạn như Gabon, Brazil và Peru – có thể nhận được các khoản thanh toán để duy trì rừng, vì chúng giúp lưu trữ carbon. Nếu khoản thanh toán này đủ lớn, phá rừng sẽ không còn mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn. Vào tháng 4, một báo cáo đã tính toán rằng cần ít nhất 130 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ các khu vực rừng có nguy cơ cao nhất.

“Rừng rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của chúng ta và Trái đất. Chấm dứt nạn phá rừng và ngăn chặn mất độ che phủ rừng là những công việc thiết yếu đối với khí hậu, khả năng phục hồi và giảm tổn thất và thiệt hại. Chúng ta cần định giá carbon rừng cao hơn, một mức giá phản ánh giá trị thực của rừng, phản ánh chi phí phát thải thực tế và đủ để khuyến khích người bán hạn mức phát thải carbon bảo vệ rừng”, Andersen nói.

“Bảo vệ rừng và phục hồi rừng không chỉ là vấn đề carbon. Đó còn là bảo vệ đa dạng sinh học; bảo vệ sinh kế của người dân bản địa và cộng đồng địa phương, đồng thời duy trì chu trình thủy văn để bảo vệ chúng ta khỏi sạt lở đất, xói mòn đất và lũ lụt. Chúng ta không thể để mất thêm độ che phủ rừng”, bag nói thêm.

Năm 2022 là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, cũng là năm nhiều khu vực rộng lớn của Amazon bị dọn sạch. Luiz Inácio Lula da Silva, người kế nhiệm Jair Bolsonaro, đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng và sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn Amazon vào cuối năm nay để thảo luận về vấn nạn phá hủy rừng nhiệt đới.

Brazil, Indonesia và DRC, những nước sở hữu khoảng một nửa diện tích rừng nhiệt đới còn lại của thế giới, đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với nhau tại các cuộc đàm phán về môi trường của Liên Hợp Quốc để đòi chi phí bảo vệ rừng trong một liên minh có tên là “Opec của rừng nhiệt đới”.

Các số liệu mới mô tả tình trạng mất độ che phủ của cây, do đó không nhất thiết là phá rừng. Phá rừng luôn do con người thực hiện trong khi độ che phủ của cây có thể bị mất do cháy rừng và các sự kiện khác.

Nguồn: