Khi dịch COVID-19 bùng nổ ở Việt Nam vào năm 2021, số ca mắc một ngày vượt quá 10.000 ca, nhiều nghiên cứu thời điểm đó gợi ý rằng, dựa vào tình trạng sốt và mất mùi có thể dự đoán khả năng mắc COVID-19 trong điều kiện xét nghiệm thiếu thốn. Tiếc thay, thời điểm năm 2021, nước ta vẫn chưa có bài kiểm tra nhận biết mùi dành riêng cho người Việt.

Gói 12 mùi trong bài kiểm tra nhận biết mùi. Nguồn: Ảnh từ bài nghiên cứu được công bố
Gói 12 mùi trong bài kiểm tra nhận biết mùi. Nguồn: Ảnh từ bài nghiên cứu được công bố

Sáng chế nhỏ

Không chỉ COVID-19, các bệnh viêm tai mũi họng, mất mùi còn là một trong những triệu chứng sớm của những bệnh liên quan đến thần kinh như Parkinson, Alzheimer. Bởi vậy, một bài kiểm tra mùi có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán nhiều bệnh, bao gồm cả việc phát hiện sớm có thể đem lại kết quả điều trị tốt hơn.

Trên thế giới hiện đã có nhiều bài kiểm tra nhận biết mùi như bài kiểm tra của Đại học Pennsylvania, Mỹ (UPSIT) hay bài kiểm tra nhận dạng mùi rút gọn (BSIT), cũng do các nhà khoa học thuộc đại học này phát triển, đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới; bài kiểm tra Sniffin’ Sticks của Đức, bài kiểm tra nhận biết mùi của các quốc gia Bắc Âu và gần đây là bài kiểm tra nhận biết mùi của Trung Quốc. Nhưng “Việt hóa” các bài kiểm tra này cũng không dùng cho người Việt Nam được do có sự khác biệt về đời sống, văn hóa, TS, bác sĩ Trần Ngọc Tài, Khoa Thần kinh, trường Đại học Y Dược TP HCM cho biết.

Xuất phát từ thực trạng đó, TS, bác sĩ Trần Ngọc Tài đã cùng với các cộng sự xây dựng một bài kiểm tra nhận biết mùi dành riêng cho người Việt (VSIT). Bài kiểm tra mà nhóm nghiên cứu của bác sĩ Ngọc Tài xây dựng có cấu trúc đơn giản, tương tự với bài kiểm tra mùi đã có ở Mỹ, với 12 mùi phù hợp với khả năng nhận biết của người Việt.

Theo đó, bệnh nhân chỉ cần ngửi những đầu tăm bông đã được tẩm mùi, sau đó lựa chọn tên những mùi mình ngửi được trên một danh sách đáp án cho trước. Mỗi mùi nhận biết được sẽ tương ứng với một điểm. Thời gian ngửi và nhận biết mỗi mùi chỉ khoảng 20 giây, tổng thời gian hoàn thành kiểm tra chỉ từ 5-7 phút. Nhận xét về bộ thử mùi, bác sĩ Ngọc Tài nói: “Người dùng chỉ cần đọc hướng dẫn là có thể tự mình làm được mà không cần thiết phải có sự hỗ trợ của nhân viên y tế”.

Những kết quả phân tích cũng cho thấy bài kiểm tra đã đảm bảo giá trị điểm mốc cho chẩn đoán là 8. Nghĩa là, nếu người tham gia nhận biết được 8 mùi trở lên thì tình trạng của họ được xem là bình thường, nếu dưới 8 mùi, họ đang đối mặt với tình trạng mất mùi, số mùi nhận biết được càng ít, tình trạng mất mùi càng nặng.

Mười hai mùi trong VSIT bao gồm mùi chanh, nước mắm, tỏi, chuối, cà phê, cam, cá, xoài, nước tương, ổi và dưa hấu. Bài kiểm tra do nhóm nghiên cứu xây dựng có 6-7 mùi hương giống với bài kiểm tra ở Mỹ và châu Âu và 8-9 mùi giống với các nước châu Á như Hàn Quốc và Trung Quốc. Những nước càng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, những mùi khác biệt sẽ càng ít.

Dẫu có sự tương đồng, nhưng những người đứng sau VSIT không đơn giản là chỉ cần “nhặt” vài mùi trong các bài kiểm tra đã phổ biến trên thế giới theo “ý thích” của mình. Danh sách mùi đưa ra để kiểm tra bệnh nhân này chính là “trái tim” của bất kì bài kiểm tra nào.

Theo chia sẻ từ bác sĩ Ngọc Tài, một bộ kiểm tra nhận biết mùi cần phải đảm bảo được ba tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên là tìm ra bộ mùi quen thuộc với cộng đồng. Tiêu chí thứ hai là giá trị chẩn đoán, tức là có khả năng định lượng được tình trạng mất mùi nặng hay nhẹ của bệnh nhân. Cuối cùng là tính ổn định của bộ mùi, nói cách khác, bộ mùi phải cho ra kết quả giống nhau ở các tình trạng bệnh tương tự nhau.

Chẳng hạn, cùng là một người khỏe mạnh thực hiện kiểm tra bộ mùi ở hai thời điểm khác nhau, đều phải đưa ra được những câu trả lời giống nhau.Trong đó, tiêu chí đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định với hai yếu tố còn lại. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Tài gần như phải “bắt đầu từ con số 0” để tìm ra những mùi đặc trưng nhất với sinh hoạt, lối sống của số đông người Việt, bất kể vùng miền.

Để đi đến một danh sách mùi đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ. Ban đầu, nhóm tổng hợp những mùi được cho là có thể nhận biết với người Việt, kết hợp tham khảo những mùi đã được đưa vào các bài kiểm tra mùi chính thức của các nước khác.

Sau đó, nhóm thực hiện một một khảo sát online quy mô lớn trải dài từ Bắc tới Nam và từ nông thôn tới thành thị với khoảng 1500 người tham gia để thu được câu trả lời chỉ ra 68 mùi quen thuộc.

Tiếp theo, từ 68 mùi này chọn lọc ra 29 mùi quen thuộc với hơn 70% người Việt Nam. Để chắc chắn về lựa chọn này, nhóm tiếp tục mời một nhóm người bình thường tới ngửi trực tiếp để xem họ có thể nhận biết được chúng hay không.

Một người tham gia thử ngửi mùi trong bộ mùi của bài kiểm tra. Nguồn: Ảnh từ bài nghiên cứu được công bố.
Một người tham gia thử ngửi mùi trong bộ mùi của bài kiểm tra. Nguồn: Ảnh từ bài nghiên cứu được công bố.

Nhưng đó chưa phải là điều thách thức nhất trong việc tạo ra được VSIT. Để sản xuất được bộ thử mùi đòi hỏi phải tổng hợp được các mùi đã chọn dưới dạng hương liệu.

“Trong 29 mùi đó phải tìm được chúng trên thị trường. Mình sẽ phải liên hệ với những công ty phân phối mùi hương như công ty làm bánh kẹo, thức ăn.. Thì tôi chỉ tìm được 18 nhà phân phối cho 18 mùi. Việc này rất mất thời gian.” – Bác sĩ Ngọc Tài kể lại.

Dù cuối cùng chỉ cần 12 mùi, nhưng thực tế, càng tìm được ít nhà cung cấp thì nhóm nghiên cứu càng có ít lựa chọn. Từ 18 mùi, họ lại tiếp tục mời những người khứu giác khỏe mạnh tới ngửi trực tiếp và chọn ra 12 mùi quen thuộc nhất.

Danh sách 12 mùi này cũng phải trải qua đợt “thẩm định” cuối bởi một nhóm người tình nguyện. Những người tham gia sẽ được làm kiểm tra hai lần, mỗi lần cách nhau khoảng một tháng, nhằm theo dõi sự ổn định của kết quả từ bài kiểm tra 12 mùi này.

Chưa hết, ai sẽ sản xuất bộ thử mùi cũng là một câu hỏi đau đầu. Công ty sản xuất phải được cấp phép sản xuất thiết bị y tế, có đủ điều kiện để giúp nhóm sản xuất bộ thử mùi dùng trong nghiên cứu chứ không nhằm mục đích khác. Tưởng chừng đơn giản nhưng toàn bộ quá trình từ ý tưởng đến khi VSIT thành hình hài một bộ xét nghiệm là hơn hai năm với vài trăm triệu đồng.

Ảnh hưởng lớn

Mất mùi và giảm mùi là một trong những dấu hiệu để xác định bệnh Parkinson ở giai đoạn sớm, và thậm chí là có thể phân biệt Parkinson với nhiều bệnh có biểu hiện vận động tương tự. Tuy nhiên, nếu không có bài kiểm tra mùi mà chỉ dựa vào mô tả của bệnh nhân, việc xác định dấu hiệu này…gần như vô nghĩa.

Để chẩn đoán được Parkinson, cần thực hiện những phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng. Với phương pháp lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi trực tiếp bệnh nhân về tình trạng sức khỏe, thăm khám và đôi khi thực hiện các xét nghiệm và phương pháp chụp, chiếu để đưa ra kết luận. Với cận lâm sàng, chưa có phương pháp nào được áp dụng tại Việt Nam hiện nay.

Bác sĩ Ngọc Tài nhận định bài kiểm tra mùi có thể trở thành một phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán trong tương lai vì theo bác sĩ Ngọc Tài, “khi gặp một bệnh nhân mà tôi nghi ngờ đây là người mắc bệnh Parkinson và cần làm một xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, giữa phim cộng hưởng từ và thử mùi VSIT thì lựa chọn VSIT khả thi hơn nhiều vì nó đơn giản và chi phí thấp hơn”.

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Tài cũng cho thấy VSIT hiện chính xác hơn cả bài kiểm tra phổ biến nhất thế giới BSIT trong việc đánh giá khả năng nhận biết mùi của người Việt mắc Parkinson.

Bác sĩ Tài cho rằng vai trò của VSIT còn hơn thế: “Nó có ý nghĩa để xác định mùi cho cả cộng đồng chứ không riêng bệnh Parkinson. Liên quan đến mùi thì có hai chuyên khoa quan trọng nhất có thể sử dụng bộ test là chuyên khoa tai mũi họng và chuyên khoa thần kinh.” Đây là bài kiểm tra mất mùi đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam.

Từ trước tới nay, để kiểm tra tình trạng mất mùi của bệnh nhân, bác sĩ hoàn toàn chỉ dựa vào câu trả lời chủ quan và cảm tính của họ. Các câu trả lời, thường là không chính xác “có rất nhiều người cho rằng mình có thể ngửi mùi bình thường nhưng sau khi làm test thì nhận ra mình là người mất mùi.” – Bác sĩ Ngọc Tài nói.

Bên cạnh đó, bài kiểm tra nhận biết mùi có thể giúp theo dõi khả năng hồi phục của chứng mất mùi một cách chính xác hơn – điều trước đây hầu như không thể thực hiện được. - Bác sĩ Ngọc Tài nói thêm. “Chẳng hạn, nếu tôi bị mất mùi do Covid, ban đầu tôi không ngửi ra mùi nào trong 12 mùi, sau một thời gian điều trị, tôi ngửi ra được 5-6 mùi, khi đó tôi biết chức năng của mình đã hồi phục được gần 50%”

Tiềm năng phát triển

Hiện nay, VSIT mới chỉ đang sử dụng cho mục đích nghiên cứu mà chưa đưa vào các cơ sở y tế để sử dụng. Tuy vậy, bác sĩ Trần Ngọc Tài cho biết bộ thử mùi này có tiềm năng rất lớn để đưa ra thị trường.

“Khi nghiên cứu này được báo cáo trên hội thần kinh toàn quốc, các thầy về môn thần kinh ở cả miền Nam và miền Bắc đều mong muốn bộ thử mùi này được ra thị trường để ứng dụng tại các cơ sở y tế khám về thần kinh.”, ông nói.

Hiện nhóm của bác sĩ Ngọc Tài đang thực hiện đăng ký sáng chế sở hữu trí tuệ cho kết quả nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu cũng rất hy vọng có doanh nghiệp có thể nhìn ra tiềm năng của bộ thử mùi sau đó tiếp tục khâu đăng ký ISO cho sản phẩm và đầu tư để đưa bộ thử mùi vào thị trường thương mại.

Cũng theo chia sẻ từ bác sĩ Trần Ngọc Tài, một bộ kiểm tra 12 mùi tương tự ở Mỹ có giá dao động từ 17-18 USD, tương đương 500 đến 600 000 VND. Tuy nhiên, với mức độ đơn giản khi thực hiện và không yêu cầu nhiều dụng cụ, hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào một mức giá rẻ hơn nữa của VSIT nếu bộ thử mùi được sản xuất và phân phối rộng rãi.


Một bộ kiểm tra 12 mùi tương tự ở Mỹ có giá dao động từ 17-18 USD, tương đương 500 đến 600.000 VND. Tuy nhiên, với mức độ đơn giản khi thực hiện và không yêu cầu nhiều dụng cụ, hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào một mức giá rẻ hơn nữa của VSIT nếu bộ thử mùi được sản xuất và phân phối rộng rãi.
Bác sĩ Trần Ngọc Tài



Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT