Thị trường xe công nghệ tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, ước tính doanh thu đạt 880 triệu USD trong 2024 - theo Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence, và tạo ra nhiều việc làm. Hiện tại, có khoảng 67.000 xe taxi và 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký và được cấp phù hiệu để có thể hoạt động dịch vụ xe công nghệ - theo VN Economy.
Thị trường phát triển với số người lao động tham gia đông hơn đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh đối với người lao động tăng lên. Trong khi đó, những phúc lợi mà tài xế xe công nghệ nhận được lại rất hạn chế.
Một nghiên cứu về tiếp cận an sinh xã hội của tài xế xe công nghệ Grab tại Hà Nội và TPHCM cho thấy một tỷ lệ rất thấp trong số họ hiểu biết về các chương trình an sinh xã hội và có thể tham gia các chương trình này.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với 100 lái xe, gồm cả tài xế xe ô tô và tài xế xe máy đang làm việc cho Grab tại thời điểm thực hiện nghiên cứu.
Kết quả, nghiên cứu chỉ ra, với đặc thù nghề nghiệp, công việc lái xe công nghệ không thuộc khung luật định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các tài xế không được hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bắt buộc dành cho người ký hợp đồng lao động.
Ngoài thu nhập từ công việc chở khách, họ không có chế độ phúc lợi xã hội nào khác. Chỉ một số ít tài xế làm việc toàn thời gian có thể được hưởng bảo hiểm tai nạn nhưng với điều kiện chặt chẽ như phải hoàn thành 20 chuyến xe trong bảy ngày gần nhất, trong thời gian trước và sau khi đóng bảo hiểm cần tuân thủ các quy định và chính sách của Grab, đồng thời hoàn thành số chuyến xe mà Grab đặt ra mỗi tháng để được duy trì gói bảo hiểm.
Tại Hà Nội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc - bảo hiểm dành cho những người đã có hợp đồng lao động chính thức - là 4,8% ở nam và 9,5% ở nữ. Con số này lần lượt là 3% và 6% ở TPHCM. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện dành cho những người không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ở Hà Nội có 6% nam tham gia và 5% nữ tham gia; còn ở TPHCM có 3% nam tham gia, và không có tài xế nữ nào tham gia loại bảo hiểm này.
So với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có tỷ lệ tham gia cao hơn ở cả Hà Nội và TPHCM. Tại Hà Nội, tỷ lệ tài xế nam tham gia chiếm 60%, tỷ lệ tài xế nữ tham gia chiếm 86%. Tại TPHCM, tỷ lệ này lần lượt là 42% và 53%.
Nhiều tài xế không tham gia chương trình ASXH vì mức đóng góp cao và không hiểu biết về các chương trình này. Ảnh: laodongdongnai.vn
Về nguyên nhân không tham gia, các tài xế cho biết, họ cảm thấy thủ tục tham gia phức tạp, mất nhiều thời gian hoàn thành, mức đóng góp nhiều hơn khả năng thu nhập cho phép. Một số khác nói rằng họ không hiểu biết nhiều về những loại bảo hiểm này, không biết hỏi ai nên cũng chưa có nhu cầu.
Khảo sát còn chỉ ra mức độ hiểu biết của các tài xế về các loại bảo hiểm cũng rất hạn chế. Tỷ lệ tài xế biết đến bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện dao động từ 0 đến 3% nếu phân loại câu trả lời theo độ tuổi; dao động từ 3% đến 17,5% nếu phân loại câu trả lời theo thâm niên công tác của người tham gia.
Bảo hiểm y tế là loại bảo hiểm phổ biến nhất với các tài xế, với mức độ biết đến dao động từ 61% đến 69% nếu phân loại câu trả lời theo độ tuổi; và từ 54% đến 84% nếu phân loại câu trả lời theo thâm niên hoạt động của người lao động.
Đặc biệt, bảo hiểm tai nạn là loại bảo hiểm quan trọng với công việc đối mặt nhiều rủi ro về tai nạn như lái xe, nhưng mức độ hiểu biết của các tài xế chỉ dao động từ 0 đến 7% nếu phân loại câu trả lời theo độ tuổi và 2% đến 9% nếu phân loại câu trả lời theo thâm niên hoạt động. Khi phân loại câu trả lời theo loại xe tài xế sử dụng, có 7% tài xế GrabBike biết đến bảo hiểm tai nạn và không có tài xế GrabCar nào trong số người được khảo sát biết đến loại bảo hiểm này.
Sau khi được giới thiệu về các chương trình an sinh xã hội, có 67% tài xế bày tỏ nguyện vọng được tiếp cận các chương trình này và hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và công ty Grab.
Quy mô của nghiên cứu vẫn còn hạn chế để đưa ra kết luận chung cho tất cả những tài xế tham gia vào thị trường xe công nghệ. Tuy nhiên, nghiên cứu đã cho thấy mức độ tham gia và hiểu biết của các tài xế xe công nghệ với các chương trình an sinh xã hội còn khá thấp, dù họ có mong muốn tìm hiểu và tiếp cận các chương trình này.
Nguồn:
http://thuvienlamdong.org.vn:81/bitstream/DL_134679/58186/1/CVv540S52022054.pdf
htps://vneconomy.vn/cuoc-dua-tranh-thi-truong-goi-xe-cong-nghe-se-khoc-liet-hon.htm