Vòng xoáy cơm áo gạo tiền thường khiến ta khó rút chân khỏi công việc để dành thời gian đi chơi xa. Hay nhiều người chỉ đơn giản cho rằng “đi làm thì ấm vào thân”, vui chơi chỉ tốn kém chứ báu bở gì. Thế nhưng, chỉ cắm cúi làm việc mà không nghỉ ngơi thực ra lại lợi bất cập hại.

Nghiên cứu trên toàn cầu từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy 745.000 người tử vong trong năm 2016 vì bệnh tim và đột quỵ do làm việc trong thời gian quá dài. Theo nghiên cứu, làm việc 55 tiếng trở lên trong một tuần liên quan tới tỷ lệ đột quỵ cao hơn 35% và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim cao hơn 17% so với tuần làm việc từ 35-40 tiếng. Như vậy, dành thời gian nghỉ phép là điều thiết yếu để chúng ta có thể sống vui, khỏe, có ích. Không chỉ vậy, sau đây các chuyên gia sẽ bổ sung thêm lý do vì sao bạn nên sắp xếp kỳ nghỉ cho mình.

Tăng khả năng chú tâm

“Khi đi du lịch, chúng ta thường phá vỡ lịch trình thường ngày”, Richard Davidson, giáo sư tâm lý học và tâm thần học tại Đại học Wisconsin–Madison và người sáng lập Trung tâm Tâm trí Khỏe mạnh cho biết. Như vậy, chúng ta sẽ không thể hoạt động theo chế độ tự động nữa. “Khi điều quen thuộc giảm đi, đây là cơ hội cho hầu hết mọi người sống trọn vẹn hơn, thực sự tỉnh thức”. Theo một nghiên cứu khác đăng trên The Journal of Positive Psychology, thiền định và các kỳ nghỉ dường như có ảnh hưởng trùng lặp. Nó cho biết cả hai hoạt động này đều liên quan tới mức độ hạnh phúc cao hơn và tăng cường khả năng chú tâm.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Đi nghỉ phép thường xuyên còn giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa - một loạt các vấn đề sức khỏe bao gồm huyết áp cao, đường huyết cao, dư thừa mỡ bụng và mức cholesterol bất thường. Tất cả những triệu chứng này tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường tuýp 2. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện những ai đi nghỉ thường xuyên hơn ít có khả năng gặp phải hội chứng chuyển hóa. Đáng chú ý, nguy cơ này giảm xuống ¼ sau mỗi kỳ nghỉ thêm. Một nghiên cứu kéo dài chín năm khác theo dõi hơn 12.000 đàn ông trung niên có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Kết quả cho thấy những ai năng đi nghỉ hằng năm giảm bớt nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào, bao gồm đau tim và các vấn đề tim mạch khác.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng gia tăng nồng độ của một số loại hormone, chẳng hạn như cortisol và adrenaline. Trong thời gian ngắn, điều này sẽ kích hoạt phản ứng “chiến hay chuồn”, giúp bạn giải quyết các mối nguy hiểm tức thời. Nhưng theo thời gian, căng thẳng mãn tính có thể khiến bạn tăng nguy mắc các vấn đề về sức khỏe, trong đó có bệnh tim. Một nghiên cứu từ Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ kết luận rằng thời gian nghỉ ngơi giúp giảm căng thẳng khi đưa con người ta thoát khỏi các hoạt động và môi trường gây lo âu. Một báo cáo khoa học khác nhấn mạnh mỗi tuần bạn chỉ cần dành 120 phút trong môi trường tự nhiên (chẳng hạn như công viên, rừng cây và bãi biển) là đã có thể nâng cao sức khỏe và thêm niềm vui sống.

Tăng cường trí lực

Dành thời gian nghỉ ngơi sẽ cải thiện khả năng học tập. Khi não bộ hoàn toàn thư giãn, nó củng cố kiến thức và trí lực. “Thông qua chụp PET và MRI, khoa học thần kinh thấy rõ rằng khoảnh khắc giác ngộ tới khi bạn trong trạng thái tâm trí thả lỏng”, theo Brigid Schulte, tác giả cuốn sách Quá tải: Làm việc, yêu thương và vui chơi khi không ai có thời gian. Chính vì thế, chúng ta thường nảy ra những ý tưởng hay nhất khi đi dạo, lúc tắm hay trong kỳ nghỉ. Adam Galinsky, giáo sư và trưởng bộ phận quản lý tại Trường Kinh doanh Columbia, đã thực hiện vô số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa du lịch và óc sáng tạo. “Các trải nghiệm ở nước ngoài gia tăng cả tính linh hoạt nhận thức, cũng như chiều sâu và tích hợp suy nghĩ, khả năng kết nối sâu sắc các suy nghĩ khác biệt”, Galinsky nói. Trong một nghiên cứu, ông phát hiện giám đốc sáng tạo của các công tythời trang cao cấp sống ở nước ngoài tạo ra những dòng thời trang duy trì được tính sáng tạo hơn, theo đánh giá từ một nhóm các nhà báo thương mại và người mua độc lập. Điều chính yếu ở đây là tính gắn bó, hòa nhập và thích nghi đa văn hóa. Người nào sống ở nước ngoài mà không gắn kết với văn hóa địa phương sẽ khó tăng cường sáng tạo hơn người đi du lịch thôi nhưng thực sự hòa mình với môi trường bản địa.

Ngoài niềm vui, du lịch còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe chúng ta. Nguồn: Phương Anh
Ngoài niềm vui, du lịch còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe chúng ta. Nguồn: Phương Anh

Cải thiện giấc ngủ

Hẳn hiếm ai không trải qua những đêm trằn trọc khó ngủ, thao thức không yên. Lý do thường là vì trong tâm trí chúng ta có quá nhiều chuyện cần nghĩ. Các nhà nghiên cứu cho biết thời gian rời xa công việc sẽ giúp ngắt những thói quen khiến mọi người ngủ không ngon giấc, như thức khuya làm việc hay xem điện thoại trước khi ngủ. Một lý do nữa khiến giấc ngủ cải thiện khi bạn đi nghỉ ngơi và kéo dài sau khi trở về là vì chiếc giường mới giúp bạn tách khỏi thói quen ngủ tiêu cực ở nhà. Một nghiên cứu do hãng hàng không New Zealand thực hiện yêu cầu người tham gia đeo một thiết bị trên cổ tay trong thời gian nghỉ phép, thiết bị này sẽ giám sát chất lượng giấc ngủ của họ từ ba ngày trước khi đi chơi cho tới ba ngày sau khi trở về. Họ cũng ghi nhật ký giấc ngủ và được đo thời gian phản xạ vào lúc trước, trong và sau chuyến đi. Các nhà nghiên cứu phát hiện sau hai tới ba ngày nghỉ ngơi, người tham gia trung bình ngủ ngon thêm được một tiếng và thời gian phản xạ cải thiện 80%. Khi về nhà, họ vẫn ngủ ngon thêm gần một tiếng, và thời gian phản xạ cao hơn 30% - 40% so với trước lúc đi chơi.

Vậy, làm sao để có kỳ nghỉ chất lượng?

Trong những năm gầy đây, các nhà nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng và hạnh phúc đã xem xét điều gì tạo nên những kỳ nghỉ đem lại hiệu quả cho mọi người. Và kết quả là:

- Tần suất nghỉ phép và độ dài: Thời gian nghỉ dài hơi không nhất định sẽ có nhiều lợi ích hơn các kỳ nghỉ ngắn ngày, điều quan trọng là tần suất. Như vậy, chúng ta nên đi nghỉ rải rác trong cả năm, thay vì dồn tất cả ngày phép để làm một chuyến đi hoành tráng. Ngoài ra, độ dài của kỳ nghỉ cũng là điều cần cân nhắc. Các nhà nghiên cứu cho biết chỉ hai ngày đi chơi cũng đã giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, và một nghiên cứu năm 2012 cho thấy sức khỏe và tinh thần người tham gia đạt đỉnh điểm vào ngày thứ tám của kỳ nghỉ.

- Lên kế hoạch từ sớm: Không chỉ lúc đi chơi mới đem lại niềm vui, mà ngay từ lúc mường tượng và lên kế hoạch cho chuyến đi chúng ta đã thấy phấn khởi. Ngoài ra, việc trông ngóng chuyến đi sẽ đem lại hạnh phúc và giải tỏa căng thẳng trong khoảng thời gian mệt mỏi.

- Lên kế hoạch cho hoạt động thú vị nhất vào khúc giữa và kết thúc kỳ nghỉ: Nghiên cứu cho thấy quy tắc đỉnh-kết sẽ quyết định cảm nhận của ta về trải nghiệm. Nói dễ hiểu, chúng ta thường nhớ điểm cao trào và đoạn kết của sự kiện. Chính vì thế, bạn hãy lên kế hoạch sao cho những hoạt động thú vị nhất rơi vào khoảng giữa và kết thúc chuyến đi.

- Khi về nhà, hãy kể về chuyến đi hòng lưu lại ký ức: Nghiên cứu về hạnh phúc cho biết mọi người có thể lưu giữ cảm nhận về trải nghiệm bằng cách nói chuyện về nó. Thậm chí, một nghiên cứu năm 2015 còn phát hiện mọi người có mức hạnh phúc cao hơn khi nói về trải nghiệm, hơn là mua sắm vật chất.

Nguồn: forbes, vox, businessinsider

Bài đăng số 1291 (số 19/2024) KH&PT