Xà phòng, acid bơ thực vật, quy luật tương phản màu sắc và lão khoa. Những điều tưởng như chẳng liên quan tới nhau lại xuất phát từ cùng một nhà khoa học sống thọ.

Michel-Eugène Chevreul ra đời vào 31/8/1786 tại Angers, Pháp, trong một gia đình có truyền thống làm bác sĩ phẫu thuật. Cha ông, một bác sĩ ưu tú, đã truyền cho con trai niềm yêu thích khoa học.

Chevreul trưởng thành trong cảnh bạo động của cuộc Cách mạng Pháp và Thời kỳ khủng bố. Năm 1793, ông chứng kiến cảnh hai cô gái bị xử tử trên đoạn đầu đài. Những hồi ức đẫm máu thời thơ ấu đã ám ảnh ông, dẫn đến thái độ bài xích chính trị trong suốt cuộc đời.

Sau khi theo học ở trường tư thục, Chevreul gia nhập trường khoa học mới thành lập ở Angers vào năm 1799. Tại đây, ông học tiếng Hy Lạp, Ý, thực vật học, khoáng vật học, toán học, vật lý và hóa học.

Michel Eugène Chevreul (1786-1889).

Vào năm 1803, lúc này đã 17 tuổi, Chevreul đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp. Không hứng thú với việc học y để nối nghiệp gia đình, ông chọn đi theo hóa học. Nhờ lá thư giới thiệu của Proust J., một dược sĩ ở Angers và là anh trai của nhà hóa học lừng danh Proust J.L., ông rời quê hương để tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris. Được thành lập vào năm 1626, Bảo tàng ban đầu mang tên Vườn thuốc Hoàng gia, cho tới năm 1793 thì được Hội đồng đổi tên.

Tại đây, Chevreul được giáo sư hóa học Louis – Nicolas Vauquelin nhận làm trợ lý trong phòng thí nghiệm. Vauquelin là nhà hóa học đầu tiên có thể tách các vật liệu sinh học thành chất béo, protein, tinh bột và đường. Ông đã dẫn dắt Chevreul nghiên cứu các hợp chất hữu cơ, chính xác là các nguyên tắc chiết màu từ vật liệu động vật và thực vật. Từ năm 1807 tới 1811, Chevreul đã tách được một số chất màu từ thực vật, ba chất trong số đó (brazilin, hematoxylin, và quercetin) trở thành nguyên liệu nhuộm thương mại. Ông là người đầu tiên tách ra được chất creatine và chứng minh bệnh nhân tiểu đường bài tiết glucose.

A Sunday on La Grande Jatte – Georges Seurat.

Năm hai mươi tuổi, ông cho ra đời tác phẩm đầu tiên có tiêu đề Kiểm tra hóa học xương hóa thạch được khai quật ở tỉnh Eure-et-Loir. Năm 1809 tác phẩm này được in trong Biên niên sử Hóa học. Năm 1810, ở độ tuổi hai mươi tư, Chevreul được bổ nhiệm làm nhà tự nhiên học phụ tá tại Bảo tàng.

Dưới Chế độ tổng tài, tiếng tăm khoa học của ông khiến Hoàng đế Napoléon Bonaparte chú ý tới. Năm 1813, Hoàng đế bổ nhiệm ông làm giáo sư hóa học tại Lycée Charlemagne, một trong những trường hàng đầu ở Pháp, và giữ chức vụ này cho đến năm 1828. Vào thời điểm Napoléon tiến hành Hệ thống phong tỏa lục địa (một lệnh cấm vận thương mại với Anh, không cho phép tàu của nước này vào các bến cảng của lục địa châu Âu), Chevreul đã làm quen với nhà hóa học, vật lý Michel Faraday và nhà hóa học Humphry Davy. Do Napoléon luôn ưu ái các nhà khoa học nên hai người Anh này được phép đi qua nước Pháp để tới Ý. Hai con người vĩ đại ấy đã chứng kiến những thí nghiệm sơ khai của Chevreul và dự đoán ông sẽ còn tiến xa.

Nghiên cứu về các chất béo có nguồn gốc động vật khiến nhà hóa học khám phá ra những điều chưa ai biết trong hóa hữu cơ và hóa sinh. Phân tích một loạt xà phòng làm từ mỡ lợn trong năm 1811 đã dẫn ông tới một nghiên cứu kéo dài mười hai năm về các loại mỡ động vật khác. Các nhà hóa học tin rằng xà phòng là sản phẩm khi toàn bộ chất béo phản ứng với chất kiềm. Thế nhưng, Chevreul chứng minh được chất kiềm tách chất béo thành rượu (mà ông đặt tên là glycerin), và xà phòng (là muối của một acid hữu cơ). Ông tách được rất nhiều acid như vậy, với một loạt các chất hữu cơ mới được đưa vào tài liệu hóa học: acid béo. Năm 1823, ông xuất bản một tác phẩm kinh điển của ngành hóa học có tên Nghiên cứu hóa học về chất béo động vật, trong đó ông làm sáng tỏ bản chất của hợp chất hữu cơ có tầm quan trọng về mặt sinh học này như thế nào. Công trình này đã khởi xướng cho việc các nhà hóa học trên toàn châu Âu và Mỹ nghiên cứu rộng khắp về thành phần hợp chất hữu cơ.

Trong quá trình này, ông hình thành nên một hệ thống phương pháp chiết xuất và tinh chế nhằm thu được các loại hóa chất tinh khiết từ những hỗn hợp phức tạp trong tự nhiên. Thành tựu đưa ông vào Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trong năm 1826 (ông là chủ tịch của viện này vào năm 1839 và 1867). Bốn năm sau, ông kế nhiệm người thầy Vauquelin, đảm nhiệm chức vụ giáo sư hóa học tại Bảo tàng.

Bên cạnh phát hiện về xà phòng, ông chiết xuất được acid stearic từ acid béo của động vật. Chất này được dùng để sản xuất nến stearic, có độ cứng tốt, không mùi, và cháy sáng hơn các loại nến từ mỡ động vật được sử dụng phổ biến vào thời kỳ đó. Vào năm 1825, Chevreul cùng J.L. Gay-Lussac được cấp bằng sáng chế để sản xuất nến stearic. Loại nến này bán rất chạy và nhanh chóng trở thành sản phẩm được dùng nhiều nhất trên toàn nước Pháp. Chevreul còn được Hiệp hội vì sự tiến bộ của ngành công nghiệp trao một giải thưởng trị giá 12.000 franc vàng.

Năm 1824, sự nghiệp của ông có một hướng đi mới. Vua Louis XVIII chỉ định Chevreul làm giám đốc bộ phận nhuộm tại Hãng sản xuất thảm Gobelin Hoàng gia. Tại đây, ông nhận được những lời phàn nàn về màu sắc của các tấm thảm thiếu sống động, xám xịt xỉn màu. Đi tìm nguyên nhân, ông phát hiện vấn đề không nằm ở hóa chất mà là quang học. Tỉ mỉ tìm hiểu, ông phát hiện ra một số loại tương phản màu, tông màu và công thức của quy luật tương phản đồng thời: các màu gây ảnh hưởng lẫn nhau khi được đặt cạnh, bổ sung màu của mình cho màu khác.


Bánh xe màu sắc.
Bánh xe màu sắc.

Nghiên cứu này kết tụ thành cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn nhất của ông: Quy luật tương phản của màu sắc, ra mắt năm 1839. Trong đó, ông đưa ra nhiều ví dụ về cách các màu đặt cạnh nhau có thể tăng cường hay làm giảm cường độ của nhau, đồng thời mô tả nhiều cách để tạo ra hiệu ứng màu mong muốn. Để thể hiện màu sắc theo các tiêu chuẩn xác định, ông tập hợp tất cả những màu nhìn thấy được trong quang phổ và xếp chúng thành một hệ thống hình tròn, đồng thời tạo ra các thang đo gồm hàng nghìn sắc độ. Ông áp dụng phát hiện này cho thảm và hàng dệt của Gobelin, giấy dán tường, nghề làm vườn, vẽ bản đồ, in màu, tranh ghép mảnh và hội họa. Quả thực, đây như tác phẩm dành riêng cho các nhà nghệ sĩ, nhà thiết kế và nhà trang trí. Cuốn sách này của ông, với bản dịch tiếng Anh và tiếng Đức, trở thành cuốn cẩm nang về màu sắc được sử dụng rộng rãi nhất thế kỷ 19.

Tác phẩm Quy luật tương phản của màu sắc.
Tác phẩm Quy luật tương phản của màu sắc.

Cùng với họa sĩ người Pháp Eugène Delacroix, Chevreul có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trường phái Ấn tượng. Cuốn cẩm nang của ông là sách gối đầu giường cho các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng trong quá trình tìm kiếm cách làm cho ánh sáng và màu sắc trở nên rực rỡ hơn. Trong những năm 1880, các họa sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng người Pháp Georges Seurat và Paul Signac đã hợp nhất cách phối màu của Chevreul cùng cách sử dụng thực tế của các họa sĩ để phát triển kỹ thuật điểm họa. Như tên gọi, các họa sĩ sẽ chấm nhiều tông màu, sắc thái lên bức vẽ và tạo ra một bố cục chặt chẽ nhờ hiệu ứng quang học. Năm 1884, hai người đến thăm Chevreul để bày tỏ lòng kính trọng đối với người đàn ông mà họ coi là sáng lập ra chủ nghĩa màu sắc của Pháp.

Le Port au soleil couchant, Opus 236 (Saint-Tropez) – Paul Signac.

Vào cái tuổi gần đất xa trời, Chevreul vẫn không ngừng miệt mài nghiên cứu. Ông viết một chuyên luận vạch trần những hiện tượng tâm linh vào năm 1854 và một nghiên cứu tâm lý về những thay đổi do tuổi già vào năm 1875, tác phẩm này trở thành tiên phong cho lĩnh vực lão khoa. Các ấn bản về lịch sử và triết lý khoa học ra mắt vào năm 1860, 1866 và 1878. Ấn phẩm cuối cùng ra mắt vào năm 1888. Trong suốt cuộc đời mình, Chevreul đã xuất bản hơn 650 cuốn hồi ký, bài báo, sách, tập sách nhỏ.

Năm 1886, lễ kỷ niệm ông tròn 100 tuổi là một sự kiện quốc gia. Hơn 2.000 đại biểu quốc tế từ các hiệp hội, trường học và viện bảo tàng đã tới tham dự buổi lễ. Nhân dịp này, chính phủ Pháp đã xuất bản một ấn bản tuyệt đẹp cho cuốn sách về màu sắc và dựng tượng của ông trong khu vườn Bảo tàng.

Những thành tựu rực rỡ trong suốt cuộc đời đưa Michel-Eugène Chevreul vào hàng ngũ 72 nhà khoa học và kỹ sư được khắc tên trên tháp Eiffel, ông là một trong hai người duy nhất còn sống khi ngọn tháp này hoàn công vào 31/3/1889. Vài ngày sau, 3/4/1889, nhà khoa học lỗi lạc qua đời, thọ 102 tuổi.

Nguồn: peoplepill.com, newadvent.org, britannica.com, cyberlipid.gerli.com