Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy nhiều loài động vật biểu hiện những hành vi chứng tỏ chúng có ý thức, kể cả khi bộ não và hệ thần kinh của chúng hoàn toàn khác biệt so với con người.

Ảnh: Live Science.
Ảnh: Live Science.

Năm 2022, các nhà khoa học tại Đại học Queen Mary ở Vương quốc Anh đã quan sát những con ong nghệ và phát hiện chúng thực hiện một số hành vi đáng chú ý. Những sinh vật nhỏ bé này tham gia vào một hoạt động giống như đang vui chơi. Cụ thể, khi nhóm nghiên cứu cung cấp cho ong những quả bóng nhỏ bằng gỗ, chúng đẩy bóng đi vòng quanh và xoay tròn. Hành vi này rõ ràng không liên quan đến việc giao phối hay sinh tồn của chúng, và ong cũng không được các nhà khoa học thưởng cho bất kỳ thứ gì. Chúng dường như chỉ đơn giản là đang chơi đùa với quả bóng.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã có sự đồng thuận với nhau rằng tinh tinh, voi, quạ cũng như nhiều loài chim và động vật có vú khác biểu hiện những hành vi cho thấy chúng có thể có ý thức, mặc dù ý thức của chúng khác với ý thức của chúng ta.Danh sách này không chỉ dừng lại ở động vật có xương sống.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đang mở rộng phạm vi nghiên cứu về ý thức của nhiều loài động vật, bao gồm cả những động vật không xương sống (động vật thân mềm, động vật giáp xác, côn trùng,...) có hệ thần kinh đơn giản hơn, ví dụ như bạch tuộc, ong và thậm chí cả ruồi.

Dựa trên những nghiên cứu như vậy, một nhóm các nhà khoa học đã kêu gọi xem xét lại mối quan hệ giữa động vật và con người.

“Nếu một con vật có khả năng trải nghiệm thực tế về ý thức, thì việc con người bỏ qua khả năng đó trong các quyết định ảnh hưởng đến con vật là vô trách nhiệm”, một nhóm các nhà sinh học và triết học viết trong một tài liệu gọi là “Tuyên bố New York về Ý thức của Động vật” được công bố trong một hội nghị khoa học diễn ra ở thành phố New York (Mỹ) vào ngày 19/4/2024.

Tuyên bố này nêu rõ: “Có những bằng chứng khoa học rõ ràng về sự biểu hiện của ý thức ở chim và động vật có vú. Ngoài ra, trải nghiệm có ý thức nhiều khả năng cũng xuất hiện ở động vật bò sát, cá, côn trùng và một số động vật khác trước đây không phải lúc nào cũng được coi là có đời sống nội tâm”.

“Khi bằng chứng ngày càng nhiều hơn, các nhà khoa học đang xem xét chủ đề này một cách nghiêm túc, không bác bỏ nó ngay lập tức như một ý tưởng điên rồ, giống như cách họ đã làm trong quá khứ”, Jonathan Birch, nhà triết học tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, một trong những tác giả của bản tuyên bố, cho biết.

Tinh tinh nhận ra hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương, thậm chí phát hiện ra những đặc điểm bất thường trên cơ thể.
Tinh tinh nhận ra hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương, thậm chí phát hiện ra những đặc điểm bất thường trên cơ thể.

Tuyên bố New York về Ý thức của Động vật, với khoảng 40 người ký tên, không đưa ra câu trả lời dứt khoát về việc loài nào có ý thức. “Điều mà văn bản đề cập là có đủ bằng chứng cho thấy tồn tại một số dạng trải nghiệm có ý thức ở các loài thậm chí khác biệt hoàn toàn so với con người”, Anil Seth, Giám đốc Trung tâm Khoa học Ý thức tại Đại học Sussex, Vương quốc Anh, một trong những người ký vào bản tuyên bố, cho biết.

Các nhà khoa học hy vọng bản tuyên bố mới sẽ thúc đẩy các nghiên cứu về ý thức động vật và thu hút thêm nguồn tài trợ cho lĩnh vực này. Nó cũng ảnh hưởng tích cực đến việc định hình các chính sách liên quan đến đạo đức và phúc lợi động vật.

Định nghĩa về ý thức rất phức tạp, nhưng nhóm tác giả tập trung vào một khía cạnh của ý thức gọi là “khả năng tri giác”, hoặc khả năng có những trải nghiệm chủ quan. Đối với một loài động vật, những trải nghiệm như vậy bao gồm việc ngửi, nếm, nghe, chạm vào thế giới xung quanh, cũng như cảm thấy sợ hãi, thích thú hoặc đau đớn. Về bản chất, đó chính là cảm giác tồn tại của loài động vật đó.

Động vật không phải con người không thể sử dụng ngôn từ để truyền đạt trạng thái bên trong của chúng. “Để đánh giá nhận thức ở những loài động vật này, các nhà khoa học thường dựa vào bằng chứng gián tiếp, tìm kiếm những hành vi cụ thể của chúng liên quan đến trải nghiệm có ý thức”, Birch nhận định.

Một thí nghiệm cổ điển là “bài kiểm tra trước gương”, nhằm nghiên cứu khả năng tự nhận biết bản thân trong gương của động vật. Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học gắn một miếng dán hoặc tạo ra một dấu vết khác thường trên cơ thể con vật và để chúng đứng trước gương.

Một số loài động vật – bao gồm tinh tinh (Pan troglodytes), voi châu Á (Elephas maximus) và cá dọn bể (Labroides dimidiatus) – thể hiện sự tò mò về miếng dán và thậm chí cố gắng loại bỏ nó. Điều này cho thấy con vật nhận ra hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương, thậm chí phát hiện ra những đặc điểm bất thường trên cơ thể. Đây là bằng chứng cho thấy khả năng tự nhận thức của con vật, một trong những dấu hiệu của ý thức.

Trong một thí nghiệm với quạ (Corvus corone), các nhà nghiên cứu đã huấn luyện chúng thực hiện một cử chỉ đầu cụ thể bất cứ khi nào chúng nhìn thấy một hình vuông màu xuất hiện trên màn hình. Những con quạ đã thực hiện nhiệm vụ này với độ chính xác cao. Trong lúc thí nghiệm diễn ra, các nhà khoa học phát hiện vùng não của quạ liên quan đến nhận thức cấp cao hoạt động mạnh mẽ khi con vật thực hiện cử chỉ đầu để “báo cáo” về những gì chúng nhìn thấy.

Điều này chỉ ra rằng những con quạ nhận thức được những gì chúng đang nhìn thấy, thay vì chỉ đơn giản là phản ứng theo bản năng.

Một thí nghiệm khác cho thấy khi bạch tuộc (Octopus bocki) lựa chọn bơi giữa hai ngăn trong bể, chúng đã tránh một ngăn trước đó từng phải nhận kích thích đau đớn. Đây là bằng chứng thể hiện chúng đã hình thành kinh nghiệm từ các sự kiện trong quá khứ và chủ động tránh nỗi đau – một dấu hiệu của trải nghiệm có ý thức.

Các nghiên cứu về ruồi giấm (Drosophila melanogaster) tiết lộ chúng trải qua cả “giấc ngủ sâu” và “giấc ngủ hoạt động tích cực” – trạng thái mà não của chúng hoạt động giống như khi đang thức, tương tự như giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) ở người.

“Giấc ngủ REM là giai đoạn chúng ta có những giấc mơ sống động nhất, giống như đang trải nghiệm có ý thức”, Bruno van Swinderen, nhà sinh vật học tại Đại học Queensland (Australia), người đã ký vào bản Tuyên bố New York về Ý thức của Động vật, cho biết. “Nếu ruồi và các động vật không xương sống khác có giấc ngủ hoạt động tích cực, thì đây là bằng chứng cho thấy chúng có ý thức”.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tỏ ra hoài nghi về các bằng chứng hiện có liên quan đến ý thức của động vật. Hakwan Lau, chuyên gia tại Trung tâm Khoa học Não Riken ở Wako, Nhật Bản, thừa nhận ngày càng có nhiều nghiên cứu thể hiện hành vi nhận thức phức tạp ở động vật, nhưng ông cho rằng đó không nhất thiết là biểu hiện của ý thức. Ví dụ, con người có cả nhận thức có ý thức và nhận thức vô thức.

Thách thức hiện nay là phát triển các phương pháp có thể phân biệt chính xác giữa hai dạng nhận thức này ở các loài không phải người.

Theo Nature, Quantamagazine

Bài đăng số 1290 (số 18/2024) KH&PT