Kinji Imanishi (1902-1992), nhà tự nhiên học và nhân loại học người Nhật Bản, đã có những đóng góp quan trọng cho tư tưởng sinh thái với vai trò tiên phong trong nghiên cứu “văn hóa động vật”.

Kinji Imanishi (1902 - 1992). Nguồn: INT
Kinji Imanishi (1902 - 1992). Nguồn: INT

Từ thời kỳ Khai sáng, các mô hình kinh tế, ngôn từ và khái niệm của phương Tây đã vô tình tước đi sự sống động vốn có của tự nhiên. Chủ nghĩa nhị nguyên tạo ra sự đối lập giả tạo giữa "tự nhiên" và "văn hóa", biện minh cho việc khai thác, hủy hoại môi trường (Sibatani, 1983). Ngay cả lúc này, chúng ta vẫn còn vướng phải những định kiến coi các khái niệm trừu tượng như "đa dạng sinh học" chỉ là một quá trình cần kiểm soát.

Trong bối cảnh Trái đất đang đối mặt với khủng hoảng sinh thái, chúng ta cần tìm đến những góc nhìn khác biệt như triết lý của Imanishi. Ngay từ những năm 1940, Imanishi đã đưa ra những quan điểm tiên phong, nhấn mạnh sự liên kết mật thiết giữa sinh vật và môi trường sống, thay vì coi thiên nhiên như một cỗ máy cần chinh phục theo quan niệm phổ biến khi đó (Imanishi, 1941).

Những phát hiện của Imanishi về hành vi và tổ chức xã hội của loài khỉ Nhật Bản đã đặt nền móng cho ngành linh trưởng học. Ông cũng là người đầu tiên đề cập khái niệm "văn hóa động vật" khi quan sát thấy hiện tượng rửa khoai lang ở đảo Koshima - một hành vi được truyền bá và duy trì qua nhiều thế hệ khỉ (Kawai, 1965). Bên cạnh đó, triết lý tiến hóa độc đáo của Imanishi, với việc nhấn mạnh vai trò của loài và "xã hội loài" thay vì cạnh tranh cá thể, cũng thách thức các quan niệm cuả Darwin vốn thống trị trong khoa học phương Tây (Sibatani, 1983).

Những tư tưởng tiên phong của Imanishi mở ra hướng mới để nhìn nhận lại mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Di sản của ông còn truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trong hành trình khám phá những bí ẩn của sự sống và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề sinh thái đương đại.

Triết lý về một thiên nhiên hài hòa, hợp tác

Trái ngược với quan điểm tiến hóa thịnh hành ở phương Tây cho rằng sự sống chỉ bị chi phối bởi cạnh tranh và chọn lọc tự nhiên, Imanishi tin rằng thiên nhiên là nguồn gốc của sự hài hòa và hợp tác. Ông phản đối tư tưởng tách biệt con người khỏi thế giới tự nhiên, và chủ trương rằng tất cả sinh vật, môi trường sống đều có mối liên hệ mật thiết, tạo nên một "đại gia đình" gắn kết (Imanishi, 1941, trích dẫn từ Sibatani, 1983).

Mặc dù quan điểm của Imanishi chưa có nhiều bằng chứng khoa học cụ thể lúc bấy giờ, triết lý tự nhiên độc đáo của ông đã mở ra một hướng suy nghĩ mới về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Những tư tưởng này có thể coi là tiên phong, xuất hiện trước các trào lưu nhân văn - sinh thái tương tự ở phương Tây tới gần 70 năm.

Vào thời điểm ra đời, tư tưởng của Imanishi vẫn còn khá xa lạ ở phương Tây. Theo nhà nghiên cứu linh trưởng học Frans de Waal (1948-2024), điều này một phần là do "tư duy thực dân" vẫn còn ăn sâu. Ông từng nhận xét: "Người phương Tây khó có thể tưởng tượng nổi một hệ phương pháp khoa học tiên tiến lại đến từ một châu lục khác" (de Waal, 2002). Những rào cản tư duy như vậy đã khiến cho các giá trị trong triết lý của Imanishi mất rất nhiều thời gian mới có thể tiếp cận công chúng quốc tế.

Sự độc đáo trong tư tưởng của Imanishi bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Đông-Tây. Sinh năm 1902 thời kỳ Minh Trị, ông đã chứng kiến Nhật Bản trải qua quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ. Imanishi tiếp thu cả tri thức khoa học phương Tây và quan niệm vạn vật hữu linh truyền thống, và tìm cách dung hòa cả hai (Asquith, 1997).

Khác với các đồng nghiệp phương Tây thường nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Imanishi lại xây dựng các giả thuyết của mình giữa thiên nhiên. Là một nhà leo núi lừng danh, ông đã chinh phục hơn 1.500 đỉnh núi tại Nhật Bản và khai phá nhiều tuyến đường mới ở dãy Himalaya. Chính trên những đỉnh núi ấy, Imanishi thấm nhuần niềm tin rằng nghiên cứu về đời sống tự nhiên là vô cùng quan trọng, ngay cả khi các nhà khoa học đương thời chủ yếu ưu tiên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Imanishi sớm định nghĩa "khoa học tự nhiên" theo cách riêng, phản đối quan niệm của phương Tây về tự nhiên như một đối tượng cơ học tách rời khỏi người quan sát. Nói cách khác, quan điểm của ông phủ nhận chủ nghĩa nhị nguyên thời hiện đại. Theo Imanishi, "khoa học tự nhiên" là khoa học về môi trường, chú trọng đến sức sáng tạo, tính xã hội, tình cảm chung của sinh giới. Ông từng viết: "Dù có giải phẫu tự nhiên đến đâu, chúng ta cũng chỉ làm nó bé nhỏ đi thôi" (Imanishi, 1941).

Đi ngược lại thái độ tự cho mình đứng trên tự nhiên của khoa học phương Tây, Imanishi chọn cách khiêm tốn. "Chúng ta có trách nhiệm dạy công chúng rằng thiên nhiên không chỉ đơn thuần là vật chất", ông nói. "Nó là một thực thể sống, là cơ thể người mẹ, người khổng lồ, sinh vật huyền bí luôn dưỡng nuôi chúng ta cùng vô vàn loài khác" (Imanishi, 1941).

Ý tưởng về khả năng học hỏi và truyền đạt kiến thức ở động vật

Kinji Imanishi sinh ra tại Kyoto, là giáo sư danh dự của Đại học Kyoto và Đại học Gifu. Năm 1939, ông nhận bằng Tiến sĩ Khoa học từ Đại học Hoàng gia Kyoto với luận án "Nghiên cứu về bộ côn trùng cánh dày (Plecoptera) ở các dòng suối Nhật Bản". Ông được biết đến như người sáng lập ngành nghiên cứu linh trưởng học ở Nhật Bản. Nguồn: www.animalsasia.org
Kinji Imanishi sinh ra tại Kyoto, là giáo sư danh dự của Đại học Kyoto và Đại học Gifu. Năm 1939, ông nhận bằng Tiến sĩ Khoa học từ Đại học Hoàng gia Kyoto với luận án "Nghiên cứu về bộ côn trùng cánh dày (Plecoptera) ở các dòng suối Nhật Bản". Ông được biết đến như người sáng lập ngành nghiên cứu linh trưởng học ở Nhật Bản. Nguồn: www.animalsasia.org

Imanishi là người đầu tiên đề cập khái niệm "văn hóa động vật" (Kaluchua trong tiếng Nhật). Từ những năm 1950, ông đã chỉ ra rằng sự tiến hóa không chỉ dựa trên yếu tố di truyền, mà còn cả trên sự sáng tạo và học hỏi của từng nhóm động vật, được truyền qua các thế hệ (Kawamura, 1959).

Nghiên cứu nổi tiếng của Imanishi về loài khỉ macaque ở đảo Koshima là một minh chứng điển hình. Ông phát hiện những con khỉ học cách rửa khoai lang và truyền đạt kiến thức này cho nhau, dần hình thành nên một thói quen ăn uống mới trong quần thể (Kawai, 1965). Phát hiện này cho thấy động vật có khả năng sáng tạo và học hỏi lẫn nhau, tạo nên những nét "văn hóa" riêng.

Cách tiếp cận của Imanishi về văn hóa động vật hoàn toàn khác biệt so với khoa học phương Tây đương thời. Trong khi các nhà động vật học châu Âu mải mê với lý thuyết bản năng, Imanishi đã vượt lên trước với ý tưởng về khả năng học hỏi và truyền đạt kiến thức ở động vật (Sibatani, 1983).

Ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính đúng đắn trong quan điểm của Imanishi. Học hỏi văn hóa là một hiện tượng phổ biến trong tự nhiên, từ tiếng hót của loài chim, việc sử dụng công cụ của tinh tinh, cho đến các kỹ năng săn mồi của cá voi (Rendell & Whitehead, 2001). Những phát hiện này đã thay đổi nhận thức của chúng ta về năng lực nhận thức và khả năng truyền đạt tri thức xã hội của động vật.

Theo nhà linh trưởng học Frans de Waal, lý do Imanishi có thể vượt qua các định kiến của giới khoa học phương Tây là vì "ông không bị ảnh hưởng bởi quan niệm cho rằng con người và động vật hoàn toàn tách biệt" (de Waal, 2002). Imanishi cho rằng nghiên cứu động vật phải dựa trên sự "đồng cảm", thậm chí ủng hộ việc nhân cách hóa chúng khi cần thiết.

Về cơ bản, Imanishi tin vào một "bản sắc nguyên sơ" kết nối con người với mọi sinh vật. Ông đã đảo ngược câu nói nổi tiếng của Descartes "Tôi tư duy, vậy nên tôi tồn tại" thành "Tôi cảm nhận, vậy nên tôi tồn tại", và chúng ta có thể mở rộng suy nghĩ này tới cả động vật. Khi nói rằng "Tôi tư duy, vậy nên tôi tồn tại", người ta sẽ cảm thấy cô độc do tách mình khỏi xã hội. Ngược lại, "Tôi cảm nhận, vậy nên tôi tồn tại" mở ra một thế giới bao la, bao gồm mọi sự sống (Imanishi, 1941, dẫn theo Sibatani, 1983).



Nguồn tham khảo:

1. Asquith, P. (1997). Japanese science and Western hegemonies: Primatology and the limits set to questions. In M. Ugro & M. Willaume (Eds.), Japanese Studies: Communities, cultures, critiques. Vol. 3. Deakin University, Australia.

2. Berque, A. (2011). Reclaiming the Earth: At the crossroads of history. European Journal of East Asian Studies, 10(1), 101-114.

3. de Waal, F. (2002). Silent invasion: Imanishi's primatology and cultural bias in science. Animal Cognition, 6(4), 293-299.

4. Imanishi, K. (1941). The world of living things (Seibutsu no sekai). Tokyo: Kobundo.

5. Kawai, M. (1965). Newly-acquired pre-cultural behavior of the natural troop of Japanese monkeys on Koshima Islet. Primates, 6(1), 1-30.

6. Kawamura, S. (1959). The process of sub-culture propagation among Japanese macaques. Primates, 2(1), 43-60.

7. Matsuzawa, T., & McGrew, W. C. (2008). Kinji Imanishi and 60 years of Japanese primatology. Current Biology, 18(14), R587-R591.

8. Rendell, L., & Whitehead, H. (2001). Culture in whales and dolphins. Behavioral and Brain Sciences, 24(2), 309-324.

9. Sibatani, A. (1983). The anti-selectionism of Kinji Imanishi and social anti-Darwinism in Japan. Journal of Social and Biological Structures, 6(4), 335-343.

Bài đăng số 1290 (số 18/2024) KH&PT