Khi được yêu cầu cải thiện một thứ gì đó, con người thường có có xu hướng đề xuất thêm những thứ mới thay vì bỏ bớt những gì đã có, ngay cả khi việc bổ sung dẫn đến kết quả kém hơn - theo một nghiên cứu mới trên Nature.
Người tham gia được yêu cầu thiết kế lại mô hình Lego bị lệch để nó có thể chịu được sức tải của một viên gạch. Người tham gia có thể nhận được một USD nếu khắc phục được sự cố, nhưng tiền thưởng sẽ giảm đi 10 xu với mỗi khối Lego mà họ thêm vào. Ảnh: economist
Colin Chapman, nhà sáng lập của Lotus Cars, từng là một trong những kỹ sư có ảnh hưởng nhất trong giới đua xe. Có thể tóm tắt triết lý của ông bằng câu nói “đơn giản hóa, sau đó làm cho xe nhẹ thêm”. Theo ông, một chiếc xe tối giản, gọn nhẹ có thể chậm hơn một cỗ xe cồng kềnh được trang bị đủ loại thiết bị tối tânnếu cùng chạy trên một đường thẳng. Nhưng nó sẽ thắng ở mọi cung đường khác. Trong khoảng thời gian từ năm 1962 và 1978, hãng xe Lotus đã giành được bảy cúp vô địch đường đua Công thức 1.
Đây có vẻ là một góc nhìn không phổ biến. Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature cho rằng con người thường gặp khó khăn với tư duy loại trừ. Khi được yêu cầu cải thiện một thứ gì đó - chẳng hạn như mô hình Lego, bài luận, sân golf hay trường đại học - chúng ta có xu hướng đề xuất thêm những thứ mới thay vì bỏ bớt những gì đã có, ngay cả khi việc bổ sung dẫn đến kết quả kém hơn.
Gabrielle Adams, tác giả thứ nhất của bài báo, cho biết, nghiên cứu bắt nguồn từ quan sát đời thường chứ không phải lý thuyết tâm lý, và trích dẫn những lẽ thường như “ít tức là nhiều” (less is more) và “giữ cho mọi thứ thật đơn giản” (keep it simple). Phải chăng sự xuất hiện của những châm ngôn như vậy là bằng chứng về một điểm mù trong suy nghĩ của chúng ta?
Cùng với cộng sự tại Đại học Virginia, Tiến sĩ Adams thực hiện một loạt các nghiên cứu quan sát. Một nghiên cứu yêu cầu người tham gia thay đổi một lưới ô vuông có màu để làm cho nó đối xứng. Mặc dù thêm hay bớt đều dẫn đến kết quả tốt như nhau, 78% chọn thêm ô vuông mới. Các nhiệm vụ khác cho ra những kết quả tương tự. Trong ba nghiên cứu khác nhau liên quan đến việc sửa đổi các cấu trúc khối hộp, chỉ 2 đến 12% số người tham gia lựa chọn bỏ đi các khối. Khi được yêu cầu chỉnh sửa một bài luận mà họ đã viết, 16% cắt bớt từ trong khi 80% bổ sung.
Thí nghiệm về ô vuông có màu của nhóm nghiên cứu. Ảnh: Nature
Xu hướng này không chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm. Trong số 827 đề xuất cải thiện trường học mà chủ tịch mới của một trường đại học Mỹ nhận được, có đến 581 đề nghị thêm những thứ mới, chẳng hạn như thêm trợ cấp du học. Chỉ có 70 đề nghị loại bỏ một thứ gì đó, chẳng hạn như chính sách tuyển sinh ưu đãi cho con cái của cựu sinh viên.
"Thiên kiến nhận thức"
Sau khi thiết lập giả thuyết rằng thêm thắt dường như phổ biến hơn loại trừ, bước kế tiếp là lý giải tại sao. Một khả năng là ban đầu chúng ta cân nhắc các lựa chọn bỏ bớt, nhưng rồi không theo những lựa chọn ấy. Cũng có thể là ngay từ đầu chúng ta vốn không hề nghĩ đến việc bỏ bớt. Dưới đây là một chuỗi thí nghiệm mới, với một vài thay đổi.
Nếu chúng ta khiến hành động loại trừ trở nên hấp dẫn hơn, thì mọi người sẽ sẵn sàng thử nó hơn, nhưng chỉ ở mức độ nào đó. Một thí nghiệm yêu cầu người tham gia thiết kế lại một mô hình Lego bị lệch để nó có thể chịu được sức tải của một viên gạch. Người tham gia có thể nhận được một USD nếu khắc phục được sự cố, nhưng tiền thưởng sẽ giảm đi 10 xu với mỗi khối Lego mà họ thêm vào. Ngay cả như vậy, chỉ có 41% nhận ra rằng đơn giản hóa mô hình bằng cách bỏ bớt một khối Lego, thay vì thêm vào nó những khối mới, là cách tốt nhất để tối đa hóa phần thưởng.
Ngay cả khi nhóm nghiên cứu thử yêu cầu người tham gia thiết kế lại sân golf sao cho tệ hơn thay vì tốt hơn cũng không làm thay đổi xu hướng thích thêm mới của mọi người. Điều này củng cố ý tưởng rằng con người xem việc bổ sung là một biện pháp tối ưu trong hầu hết mọi việc. Trong quá trình tiến cách các biện pháp giúp con người suy nghĩ nhiều hơn đến phương án loại trừ, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều người đơn giản là không nghĩ đến lựa chọn này - ít nhất là ban đầu. Kết luận đó được củng cố bởi các kết quả cho thấy con người ít có xu hướng thử loại trừ khi họ đang phải thực hiện một nhiệm vụ thứ hai không liên quan tại cùng thời điểm.
Theo Benjamin Converse, một tác giả khác của nghiên cứu, tất cả những điều này là bằng chứng cho một “thiên kiến nhận thức” làm sai lệch suy nghĩ của con người. Giải Nobel Kinh tế năm 2002được trao cho nghiên cứu chứng minh rằng con người không “lý trí” theo cách các nhà kinh tế học mô tả. Thay vì suy nghĩ thấu đáo vấn đề và đưa ra giải pháp lý tưởng, chúng ta có xu hướng sử dụng “đường tắt” nhận thức nhanh và - hầu hết là - “đủ tốt”.
Nghiên cứu này đã gợi mở một lĩnh vực nhằm xác định khi nào thì những “đường tắt” như vậy khiến con người lạc lối. Trong khi đó, Tiến sĩ Adams và đồng nghiệp mong muốn tiến hành những nghiên cứu sâu hơn. Một câu hỏi mà họ đặt ra, đó là xu hướng thích thêm mới mang tính bẩm sinh hay học được? Kết quả sơ bộ từ Nhật Bản và Đức gợi ý rằng, ít nhất, hiện tượng này không chỉ giới hạn ở Mỹ.
Nguồn: