Theo TS Hồ Thị Thanh Nga - cán bộ Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, người Việt Nam thường có xu hướng riêng tư hóa không gian công cộng và xu hướng đó thể hiện rõ trong việc sử dụng vỉa hè.

Dưới đây là chia sẻ của TS Hồ Thị Thanh Nga về vấn đề vỉa hè và không gian công cộng trong văn hóa Việt Nam.

Khái niệm “không gian công cộng” là khái niệm khá phổ biến trong xã hội phương Tây. Không gian công cộng là nơi có tính chất mở rộng đối với tất cả mọi người, không kể giới tính, chủng tộc, dân tộc, độ tuổi hay mức sống.

Ngay từ thời cổ đại Hy Lạp, không gian công cộng đã được coi như là một biểu trưng của xã hội dân chủ cổ đại, là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, các cuộc diễn thuyết và là nơi tập trung sinh hoạt chung của cả cộng đồng. Xã hội phương Tây đặc biệt nhấn mạnh tới sự tự do và bình đẳng trong không gian công cộng - điều cần thiết cho mọi tình huống phát biểu lý tưởng trong xã hội dân chủ.

TS Hồ Thị Thanh Nga.
TS Hồ Thị Thanh Nga.

Ở Việt Nam, khái niệm không gian chung/không gian công cộng ít được sử dụng.Mãi cho đến trước khi thực dân Pháp đô hộ, không gian chung của người Việt vẫn tập trung chủ yếu ở những sân đình, những ngôi chùa, hoặc những nơi buôn bán, kẻ chợ. Thực dân Pháp sau khi xâm lược đã quy hoạch lại đô thị, tái cấu trúc những không gian chung thành không gian công cộng. Không gian đường phố, vỉa hè, quảng trường… là những không gian công cộng mới mang màu sắc phương Tây.

Tuy nhiên, người Việt không có thói quen thực hành không gian công cộng theo cách của người phương Tây. Ở Việt Nam, nếu quan sát kĩ chúng ta sẽ thấy, người Việt Nam thường có xu hướng riêng tư hóa không gian công cộng, lấn chiếm không gian chung thành không gian cá nhân, biến không gian công cộng thành không gian của nhà mình. Người Việt thường có thói quen mang cái bên trong trình diện ra bên ngoài, mang những công việc riêng tư thực hành trong không gian công cộng.

Rất dễ nhìn thấy trên hè phố những công việc cá nhân trong gia đình như: Nấu cơm, rửa bát, nhặt rau, gội đầu, nhổ tóc sâu, cho trẻ ăn, thậm chí cho trẻ em đi tè… Có người sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán cá nhân, nhiều chỗ sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe cho gia đình, những quán cơm bình dân vẫn thường diễn ra trên vỉa hè, những quán ăn vặt, những gánh hàng rong vẫn sử dụng vỉa hè là không gian hoạt động chính.

Rõ ràng, cách thực hành không gian công cộng của người Việt và của phương Tây là tương đối khác biệt. Khái niệm không gian công cộng là khái niệm của xã hội phương Tây nhưng khi thực hành trong văn hóa Việt Nam, nó lại mang màu sắc và ý nghĩa riêng biệt. Vì vậy, khi xem xét vấn đề vỉa hè tại Việt Nam hiện nay, chúng ta không đơn thuần nhìn nó theo góc độ thực thi chính sách, hay chỉ nhìn nó đơn thuần như vấn đề quy hoạch đô thị mà còn phải nhìn nhận nó dưới góc độ thực hành văn hóa.