Lần đầu tiên đã có một báo cáo phác thảo toàn diện những thách thức mà giới trẻ Việt Nam phải đối mặt trong việc thực hiện các nhóm hành động khác nhau về biến đổi khí hậu.
Từ giữa năm 2018, đội thanh niên tình nguyện sông Mã bắt đầu mang cỏ Vetiver từ Hà Nội đến xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải trồng để giải quyết tình hình sạt lở vô cùng nghiêm trọng ở đây. Không chỉ mang theo 33.000 tép cỏ Vetiver, trong vài năm qua, các bạn trẻ còn hàng chục lần trèo đèo lội suối lên chia sẻ kinh nghiệm trồng cỏ cho người dân và xây một vườn ươm cỏ ở đây, với hi vọng sẽ giúp ích lâu dài cho bà con.
Tuy nhiên, khoảng cách địa lý là một trở ngại. Họ chỉ có thể lên đây vài chục ngày mỗi năm để theo dõi và hỗ trợ người dân chăm sóc cỏ, dẫn đến nhiều điểm trồng không phát triển được do không có ai chăm sóc.
Họ cũng gặp nhiều khó khăn khi làm việc với chính quyền địa phương, vốn không quen tiếp đón các dự án thanh niên có yếu tố phi chính phủ. Chưa kể, mỗi khi đầu mối hay nhân sự địa phương thay đổi, họ lại phải trình bày kế hoạch lại từ đầu.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện được ghi lại trong
Báo cáo đầu tiên về thanh niên hành động vì khí hậu tại Việt Nam do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xây dựng. Trong đó, những bạn trẻ từ 15-29 tuổi từ mọi miền đất nước kể về các dự án hành động vì khí hậu của mình.
Báo cáo phác thảo toàn diện những thách thức mà giới trẻ Việt Nam phải đối mặt trong việc thực hiện các nhóm hành động khác nhau về biến đổi khí hậu – từ giảm khí thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đến các giải pháp dựa vào thiên nhiên, thảo luận chính sách và lộ trình hành động có sự tham gia của thanh niên.
Cụ thể, họ cho biết những trở ngại chính bao gồm thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính, gây quỹ, nghiên cứu và viết đề xuất tài trợ. Bên cạnh đó, không ít người còn hạn chế về kỹ năng công nghệ. Giới trẻ cũng ít nhận được hậu thuẫn từ chính quyền địa phương, các nhà khoa học và ban giám hiệu nhà trường khi thực hiện các hoạt động do thanh niên lãnh đạo.
Các phát hiện trong báo cáo khá tương đồng với một nghiên cứu thuộc chương trình quốc tế "Kết nối vì Khí hậu" do Hội đồng Anh thực hiện. Nghiên cứu này chỉ ra, giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới vẫn còn gặp khó khăn trong việc tham gia hành động và nói lên quan điểm của mình về vấn đề môi trường.
Nghiên cứu khảo sát hơn 8.000 thanh niên ở độ tuổi 18–35 từ 23 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Kenya và Vương quốc Anh và phát hiện, 75% số người được hỏi có kỹ năng đối phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng của họ, nhưng 69% cho biết chưa bao giờ tham gia hành động vì khí hậu.
Phần lớn thanh niên cảm thấy các lãnh đạo ở đất nước họ không thể tự mình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và lo ngại rằng tiếng nói của phụ nữ và các nhóm thiểu số không được phản ánh trong chính sách về biến đổi khí hậu hiện nay. Họ cũng cảm thấy mình có thể phát triển được các ý tưởng sáng tạo hơn, có phạm vi tiếp cận rộng hơn, hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiều người không có cơ hội để làm điều đó. Rào cản đến từ việc có nhiều bạn trẻ vẫn gặp khó khăn trong việc truy cập Internet và tiếp cận đầy đủ với kỹ thuật số; thiếu cơ hội được đào tạo, phát triển kỹ năng; và sự phân cấp trong văn hóa xã hội khiến họ khó có thể tham gia vào các quyết sách.
Đối thoại quốc tế hướng tới COP26
Không giới hạn ở các hoạt vì khí hậutrong nước, thanh niên Việt Nam đang bắt tham gia sâu hơn vào những hoạt động ở quy mô quốc tế.
Năm ngoái, khi Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) bị trì hoãn, giới trẻ thế giới đã không bỏ cuộc mà tự tổ chức một hội nghị riêng mang tên “MOCK COP26” để duy trì áp lực về các hành động chống biến đổi khí hậu.
Cuối tháng 4 năm nay, ở Hà Nội cũng tổ chức một hội nghị “Mock COP26” tương tự để thảo luận và đàm phán các chính sách giảm nhẹ và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Sự kiện do Youth for Climate Network (YNET) tổ chức, thu hút được 43 đại biểu đại diện cho các 3 nhóm quốc gia và 4 bên liên quan tham gia đàm phán.
Lê Nguyễn Ngọc Duyên - đại biểu Mock COP26 - chia sẻ với ban tổ chức, rằng: “Người trẻ đến đây không phải để “chơi trò đóng vai”, họ đến vì họ thật sự quan tâm, thật sự chuẩn bị kỹ, thật sự sẵn sàng để nói lên mối quan ngại về môi trường dưới góc nhìn của mỗi quốc gia mình đại diện. Những màn tranh luận căng thẳng để tìm được tiếng nói thống nhất, củng cố chính sách chung đã nói lên điều đó. Và nếu thật sự coi đây là một buổi diễn, thì các đại biểu đã diễn một cách rất tròn vai và hơn thế nữa là đã nhập tâm cực kỳ trọn vẹn.”
Tháng 9 này, hàng chục bạn trẻ Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khí hậu và môi trường đã tham gia đối thoại trực tuyến với các nhà hoạch định chính sách (
10/9), các nhà khoa học (
16/9) và với cộng đồng (23/9) về các hành động vì khí hậu.
Các buổi đối thoại này được phát trực tiếp, sử dụng tiếng Anh và nằm trong chiến dịch quốc tế "Kết nối vì Khí hậu" của Hội đồng Anh. Giới trẻ Việt Nam cũng được kêu gọi ký tên và đóng góp vào Bản Tuyên bố chung thanh niên toàn cầu hành động vì khí hậu (Global Youth Letter) phát động từ ngày 9/9. Chữ ký và 8.000 ý kiến đóng góp của thanh niên toàn cầu sẽ được Hội đồng Anh gửi lên đơn vị bầu cử đại diện cho thanh niên và trẻ em chính thức của Liên Hợp Quốc để trình bày tại Hội nghị Thanh niên lần thứ 16 của Liên Hợp Quốc (COY16). Các kết quả của COY16 sau đó sẽ được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.