Chúng ta có thể nhìn thấy những chiếc vương miện của các Pharaoh trong nhiều tác phẩm nghệ thuật và tượng của người Ai Cập cổ đại. Mỗi loại vương miện có hình dạng và ý nghĩa riêng biệt, thể hiện quyền lực của các Pharaoh hoặc bối cảnh đời sống xã hội của vương quốc mà Pharaoh đang cai trị.

Tại Ai Cập cổ đại, các vị thần và vua (Pharaoh) thường được miêu tả đội một chiếc vương miện trên đầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa bao giờ tìm thấy những chiếc vương miện này ngoài đời thực, cả ở bên trong lẫn bên ngoài ngôi mộ chôn cất các vị Pharaoh. Vậy những chiếc vương miện này có thực sự tồn tại hay kẻ trộm mộ đã lấy đi tất cả?

Bức phù điêu được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập cho thấy Pharaoh Sesostris III đội vương miện đỏ (trái) và vương miện trắng (phải). Ảnh: Hirmer Fotoarchiv.

Không phải tất cả các ngôi mộ đều bị cướp phá trước khi giới khảo cổ học phát hiện ra chúng, và điều này củng cố ý tưởng cho rằng những chiếc vương miện chỉ được sử dụng trong các bức vẽ và tượng để biểu thị một giai đoạn quan trọng nhất định trong cuộc đời của một Pharaoh.

Do đó, không có gì lạ khi chúng ta không tìm thấy bất kỳ chiếc vương miện nào, cũng như bất kỳ đồ tạo tác nào đi cùng với các Pharaoh, chẳng hạn như vương trượng, cái gậy có móc ở phần đầu, chữ thập hình chìa khóa (tượng trưng cho sự sống lâu và sinh lực ở Ai Cập).

Bím tóc trên mặt nạ của Pharaoh Tutankhamun.
Ảnh: Ancient Origins.

Vương miện của các Pharaoh có nhiều loại khác nhau bao gồm: vương miện đỏ hoặc Deshret là biểu tượng của Hạ Ai Cập, vương miện trắng hoặc Hedjet là biểu tượng của Thượng Ai Cập, vương miện kép hoặc Pschent là sự kết hợp của vương miện trắng và đỏ, vương miện chiến tranh Chepresj ít được biết đến, vương miện Atef của thần Osiris, và chiếc mũ đội đầu của Nemes – một nhân vật huyền thoại hợp nhất vùng đất Thượng và Hạ Ai Cập để trở thành vị vua đầu tiên của Vương triều thứ nhất.

Các nữ thần và nữ hoàng Ai Cập thường được miêu tả cùng với chiếc mũ trùm đầu hình con kền kền. Một Pharaoh trong thời kỳ đất nước xảy ra chiến tranh sẽ đội vương miện chiến tranh Chepresj, và chiếc vương miện này một phần nào đó đã thể hiện bối cảnh đời sống xã hội của vị Pharaoh và vương quốc của ông ấy. Vì vậy, một vương miện cụ thể có mối liên hệ chặt chẽ với một thời đại riêng biệt.

Người dân Ai Cập cổ đại cũng miêu tả các vị thần đội vương miện, bởi vì họ là những vị vua thần thoại đầu tiên trước khi triều đại Ai Cập thứ nhất được thành lập cách đây khoảng 5.000 năm. Pharaoh là những người được chọn, và họ là hậu duệ của những vị thần này trong thần thoại Ai Cập. Do đó, họ đội một chiếc vương miện để thể hiện dòng dõi thần thánh của mình.
Deshret, hay vương miện đỏ, là chiếc vương miện đội đầu của các Pharaoh cai trị Hạ Ai Cập – khu vực xung quanh vùng đồng bằng sông Nile ở phía Bắc đất nước. Màu đỏ của vương miện tượng trưng cho “vùng đất đỏ”, hay vùng sa mạc khô cằn bao quanh “vùng đất đen” Kemet màu mỡ. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của vương miện đỏ là một sợi dây kim loại xoắn ở phía trên trông giống vòi hút của ong mật. Người ta đan vương miện đỏ bằng sợi thực vật, có thể là lá cọ hoặc sậy. Có giả thuyết cho rằng vương miện được truyền từ người cai trị này sang người cai trị khác thay vì chôn cùng với từng Pharaoh. Điều này có thể giải thích tại sao không có chiếc vương miện nào được tìm thấy trong các lăng mộ.

Hedjet, hay vương miện trắng, là vương miện đội đầu của các Pharaoh cai trị Thượng Ai Cập – khu vực thung lũng sông Nile ở phía Nam thành phố Memphis. Nó có hình dạng thon dài và hơi thu nhỏ về phía sau [giống như một cái chai]. Nhiều người suy đoán Hedjet được đan từ lá cọ, lau sậy hoặc vải lanh.

Vương miện kép Pschent là sự kết hợp của cả hai vương miện Deshret và Hedjet, tượng trưng cho sự thống nhất của hai vùng đất Hạ và Thượng Ai Cập với một người cai trị duy nhất. Các Pharaoh đội vương miện kép để thể hiện quyền kiểm soát của họ đối với toàn bộ Ai Cập.

Mũ đội đầu Nemes – về bản chất không phải là một chiếc vương miện thực sự – đánh dấu sự kết thúc của đời sống trần thế và sự khởi đầu cuộc sống sau khi chết. Nó có sọc màu xanh và giống như một chiếc mặt nạ thần chết. Ví dụ điển hình nhất là chiếc mặt nạ tử thần của Pharaoh Tutankhamun. Mặt nạ bao gồm một tấm vải phủ lên một khung kim loại, trong đó hai phần của mảnh vải buông thõng xuống dọc theo tai ở mặt trước của vai. Ở sau lưng, tấm vải được thắt bím lại với nhau tạo thành nhiều vòng. Phía trước mặt nạ có hình ảnh cách điệu của một con rắn hổ mang đang ngẩng cao đầu, tượng trưng cho quyền lực và sự thống trị của Pharaoh.

Mặt nạ thần chết của Pharaoh Tutankhamun được làm bằng vàng và đá quý lapis lazuli màu xanh lam. Người dân Ai Cập tin rằng, lapis lazuli là những viên đá linh thiêng, có sức mạnh kỳ diệu, và chúng còn được gọi là đá thiên đường vì có mối liên hệ với cuộc sống sau khi chết. Đó là lý do khiến người Ai Cập cổ đại thường đặt những viên đá lapis lazuli vào bên trong các ngôi mộ để đi cùng với người đã khuất sang thế giới bên kia.

Thông qua sự kết hợp của vàng và đá lapis lazuli, chúng ta có thể thấy rõ mũ đội đầu Nemes thể hiện sự tương phản và thống nhất giữa sự sống (vàng-Mặt trời) và cái chết (đá lapis lazuli). Điều thú vị là mũ đội đầu Nemes cũng phản ánh tuổi thọ của người đã khuất tính theo năm dương lịch [lịch Mặt trời].

Một năm của người Ai Cập cổ đại thường bắt đầu với mùa lũ lụt sông Nile và có tổng cộng 365 ngày giống như cách tính lịch ở thời điểm hiện tại. Tuổi thọ của Pharaoh quá cố được thể hiện thông qua số lượng vòng tròn trên bím tóc phía sau mũ đội đầu Nemes. Trong trường hợp chiếc mặt nạ thần chết của Pharaoh Tutankhamun, bím tóc có 19 vòng tròn và đây là tuổi thọ trên dương thế của Pharaoh Tutankhamun.

Điều này cũng tương tự đối với các bức tượng Pharaoh đội mũ Nemes có bím tóc chia thành các vòng. Ví dụ như bức tượng đá granit của Pharaoh Thutmosis IV được tìm thấy ở Louvre (Paris). Bím tóc có 32 vòng tròn, tương ứng với tuổi thọ của Pharaoh Thutmosis IV là 32 tuổi.

(Theo Ancient Origins)