Từ chỗ chỉ tham gia các hoạt động truyền thông hoặc giáo dục nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí, nhiều bạn trẻ nảy sinh nhu cầu dấn sâu vào nghiên cứu vấn đề này.
Bảo Nghi là một sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng, Hà Nội, từng tham gia một số hoạt động truyền thông về môi trường. "Em rất nhớ cái cảm giác khi thực hiện hoạt động truyền thông chia sẻ cho người dân khu phố hay cho các bạn học sinh về vấn đề ô nhiễm không khí nhưng không ai hưởng ứng chúng em cả", Nghi kể.
Thực tế này không xa lạ với những người hoạt động xã hội liên quan đến môi trường. Từ trước tới nay, nhiều sáng kiến thanh niên về môi trường thường tập trung vào mảng truyền thông - giáo dục, và đôi khi thử nghiệm những sáng kiến kỹ thuật đã được chứng minh hiệu quả ở nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên, những người trẻ sớm nhận ra rằng không ít câu hỏi căn bản liên quan đến cộng đồng chưa có lời giải thỏa đáng do thiếu vắng các nghiên cứu khoa học tương ứng. Bởi vậy, họ đã quyết định dấn sâu hơn vào hành trình tìm câu trả lời thuyết phục cho bản thân và dự án của mình bằng cách làm nghiên cứu.
Năm ngoái, trong một dự án đánh giá mối quan hệ giữa chất lượng sống và phơi nhiễm bụi PM2.5 trong nhà của người cao tuổi tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhóm nghiên cứu khoa học của trường Đại học Y tế Công cộng đã kết nối với 6 trạm y tế, cán bộ địa phương tại 6 phường để thu thập số liệu phỏng vấn.
Các nghiên cứu viên trẻ trong nhóm đã trò chuyện với 170 người cao tuổi trên địa bàn, hỏi thăm tình hình sức khỏe cũng như thói quen sử dụng hương muỗi và nhiên liệu đốt (củi, rơm rạ, vỏ trấu, than) của các hộ gia đình khi đun nấu.
Trí Đức, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ, ban đầu họ muốn làm với tất cả người dân, nhưng sau khi thảo luận và tham vấn đã quyết định hướng đến người cao tuổi do nhận thấy đó là đối tượng nhạy cảm, và cũng chịu nhiều ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
"Em thấy nếu truyền thông mãi mà không đánh giá được vấn đề thực chất họ gặp phải, điều họ mong muốn thì hoạt động [giảm ô nhiễm] cũng không thể sát sao, hiệu quả được", Đức chia sẻ.
Đức cho biết trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã khéo léo lồng ghép các hoạt động truyền thông về sức khỏe tim mạch và xương khớp dưới ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, để những người cao tuổi có thể có biện pháp bảo vệ và cải thiện sức khỏe bản thân tốt hơn.
Điều này tỏ ra hiệu quả hơn so với cách tuyên truyền trước đây, bởi nó nhắm đến đối tượng cụ thể và những mối quan tâm sát sườn của họ.
"Thậm chí, các bác tổ trưởng tổ dân phố, các anh chị tại trạm y tế xã rất hỗ trợ chúng em, động viên người dân tham gia khảo sát, thay thế bếp than tại mỗi gia đình,” Đức nói thêm.
Tương tự, đầu năm nay, nhóm sinh viên nghiên cứu của Bảo Nghi cũng đang bắt tay vào một dự án lượng hóa ảnh hưởng của hút thuốc và hoạt động trong nhà đến nồng độ bụi mịn PM2.5 tại gia đình Việt Nam. Nhóm đã đến giai đoạn giữa của quá trình khảo sát, với hơn 80 hộ gia đình sẵn sàng chia sẻ thông tin. Trong số đó, có 20 hộ đã cam kết "đồng hành sâu cùng các hoạt động của nhóm".
Các thanh thiếu niên như Nghi và Đức (16-30 tuổi), chiếm tới gần 1/4 dân số, dường như ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề ô nhiễm không khí.
Chị Trần Thị Hồng Hiền, một trong những người đã gắn bó từ đầu với
Cuộc thi Thiết kế kỹ thuậtdành cho học sinh, sinh viên, cho biết, trước kia, các sản phẩm kỹ thuật về lĩnh vực môi trường hầu như rất ít được quan tâm nghiên cứu. Nhưng trong cuộc thi mới đây, Ban tổ chức đã nhận được gần 200 ý tưởng đăng ký từ khắp nơi trên cả nước, từ máy đo chất ô nhiễm không khí sử dụng năng lượng mặt trời đến những thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt bằng tảo dùng công nghệ điều khiển và giám sát bằng IoT. Một vài sản phẩm tỏ ra thực sự tiềm năng và có cơ hội được giới thiệu tới những đối tác cao hơn cho các quá trình R&D tiếp theo. Đáng chú ý, đội thi nhỏ nhất gồm các bạn học sinh chỉ mới 12-13 tuổi.
Live & Learn, một tổ chức phi chính phủ chuyên kết nối các nguồn lực để giải quyết câu chuyện ô nhiễm không khí tại Việt Nam, đồng thời là đơn vị tài trợ cho Cuộc thi Thiết kế kỹ thuật cùng nhiều dự án khác liên quan đến môi trường thông qua
Quỹ sáng kiến của mình cho biết, trong vài năm qua, các dự án liên quan đến ô nhiễm khí của các bạn trẻ mà họ xem xét đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Hàng năm, Tổ chức này nhận được hàng trăm đơn đăng ký gọi vốn và kết nối hỗ trợ. Mặc dù các khoản đầu tư cho mỗi dự án từ Quỹ chỉ khoảng vài chục triệu đồng, nhưng theo đại diện của Live&Learn, chất lượng và hình thức của các dự án đã trở nên đa dạng và nâng cao hơn: có cả các dự án giáo dục - truyền thông, can thiệp kỹ thuật đến nghiên cứu khoa học.
Những nỗ lực thu hút mối quan tâm của thế hệ trẻ đối với khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường đã dần kết trái. Nếu như cách đây vài năm, cụm từ “ô nhiễm không khí”, "chỉ số AQI" hay “bụi mịn PM 2.5” còn xa lạ và vô hình với công chúng, thì giờ đây những người trẻ tham gia vào các chiến dịch nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí đã bắt đầu sử dụng thông tin từ mạng lưới cảm biến đo chất lượng không khí để cập nhật tình hình. Họ cũng lồng ghép nhiều kết quả nghiên cứu quốc tế và trong nước nổi bật để tăng sức thuyết phục trong các thông điệp truyền đi.
"Nếu nhìn vào một bản đồ so sánh, chúng ta sẽ nói được rất rõ chỗ nào đang bị ô nhiễm và chỗ nào không. Và chúng ta sẽ bắt đầu đặt ra các câu hỏi, tại sao nơi này lại ô nhiễm hơn nơi kia?" - Linh Phạm, thành viên trong câu lạc bộ Sống xanh tại Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ bài học của mình khi sử dụng công cụ trực quan về ô nhiễm không khí để trao đổi với người dân trong phường.
Một vài câu lạc bộ STEM của các trường cấp 2, cấp 3 đã đưa việc lắp đặt, lập trình máy đo ô nhiễm không khí thành một chủ đề thực hành. Các giáo viên nhận thấy, những cách tiếp cận đo đạc "để môi trường lên tiếng" sẽ khơi gợi được sự quan tâm lớn hơn của học sinh trong việc tìm hiểu tri thức và suy nghĩ về các giải pháp tương lai.
Đầu năm nay, một nhóm cựu sinh viên Bách khoa kể họ đang xin phép chính quyền địa phương để lắp đặt các máy đo không khí tại nhiều địa điểm giao thông công cộng ở Hà Nội nhằm xem xét tác động của giao thông tới không khí.
Trong khi đó, những sinh viên như Nghi và Đức nói rằng họ cảm thấy tự tin hơn với những nghiên cứu có tính 'độc lập' của mình.
"Trước đây, chúng em tham gia vào các nghiên cứu về sức khỏe nói chung, giờ đây bọn em đã bắt đầu làm các nghiên cứu về tác động của môi trường đến sức khỏe cộng đồng," Nghi hào hứng nói. "Em nghĩ đây là một hướng thú vị - vừa giúp bổ sung kiến thức học, vừa có thêm cơ sở thực tế để triển khai các hoạt động xã hội.”