Một nghiên cứu của Đại học Massey (New Zealand) chỉ ra những đặc điểm chính của các nghiên cứu về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ở Việt Nam trong 20 năm qua.

Để hội nhập thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải quan tâm hơn đến việc thực hành trách nhiệm xã hội | Ảnh: nhadautu
Để hội nhập thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải quan tâm hơn đến việc thực hành trách nhiệm xã hội | Ảnh: nhadautu

Kết quả nghiên cứu này được công bố trong bài báo "Corporate social responsibility (CSR) in Vietnam: a conceptual framework" đăng trên tạp chí Society and Business Review đầu tháng 8 này.

Bằng cách phân tích tổng cộng 143 bài báo nghiên cứu về CSR ở Việt Nam, nhóm tác giả tại Đại học Massey (với tác giả thứ nhất là một học giả người Việt) đã chỉ ra các đặc điểm nổi bật về những nghiên cứu CSR ở Việt Nam trong giai đoạn 2000-2020.

Ở một mức độ nhất định, các nghiên cứu trong một lĩnh vực sẽ phản ánh phần nào sự phát triển của lĩnh vực đó trên thực tế. Do vậy, các tác giả của Đại học Massey đi sâu vào phân tích cấu trúc hiểu biết về CSR của các nghiên cứu tại Việt Nam phản ánh qua phần tổng thuật tài liệu (literature) của 143 bài báo đã công bố bởi họ cho rằng đây là "nền tảng quan trọng để kiểm tra, đánh giá và lập bản đồ về sự hiểu biết, phát triển và thực hành CSR tại Việt Nam".

Số lượng tăng mạnh

Phân tích xu hướng cho thấy số lượng bài báo về CSR ở Việt Nam đang tăng lên. Theo các tác giả, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì khái niệm CSR mới chỉ được đưa vào Việt Nam trong thời gian ngắn và chưa đạt đến giai đoạn chín muồi, nên vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Năm 2012, có một bước ngoặt về số lượng các công trình nghiên cứu CSR. Trước đó, số nghiên cứu trong lĩnh vực này hằng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên đến giai đoạn gần đây, mỗi năm đã có từ 20-50 nghiên cứu xuất bản liên quan đến CSR.

Các tác giả nhận định rằng đây có thể là “một phản ứng học thuật đối với việc hội nhập sâu rộng của quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu” và dự kiến các nghiên cứu về CSR ở Việt Nam sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Mang nặng tính thực nghiệm nhưng thiếu bối cảnh

Bài báo cũng chỉ ra rằng các nghiên cứu về CSR ở Việt Nam mang nặng tính thực nghiệm và ngày càng được định lượng rõ ràng. Có rất ít các bài báo về lý thuyết (tức các bài báo đưa ra quy chuẩn "nên làm gì", hoặc các bài báo không đưa ra quy chuẩn mà chỉ ra "bằng cách nào" hoặc "tại sao")

Điều này gợi ý rằng các nhà nghiên cứu Việt Nam có thể đang thử nghiệm những khuôn khổ lý thuyết về CSR của phương Tây bằng cách áp dụng các dữ liệu thực nghiệm từ Việt Nam.

Tuy nhiên, khi kiểm tra lấy mẫu, nhóm tác giả thấy rằng hầu hết những nghiên cứu CSR của Việt Nam đều không đề xuất được một thiết kế nghiên cứu trong đó khắc họa được bối cảnh đặc thù của Việt Nam.

Họ coi đây là lỗ hổng lớn nhất về hiểu biết (literature) của các nghiên cứu hiện có ở Việt Nam. “Đây có thể là một điều đáng lo ngại”, các tác giả viết, “bởi việc thực hành CSR thường phục thuộc mạnh vào bối cảnh [địa phương]”

Chưa nhấn mạnh đủ vào khía cạnh môi trường

Trong 143 bài báo về CSR đã xuất bản, số lượng bài báo nhấn mạnh về các vấn đề trách nhiệm xã hội lớn hơn rất nhiều so với các vấn đề môi trường.

Điều này cũng không khó lý giải bởi trong các định nghĩa của phương Tây về CSR, khía cạnh môi trường chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong các chiều kích của nó (bao gồm: môi trường, xã hội, lao động, và các hoạt động tình nguyện mang tính đạo đức). Những định nghĩa ban đầu về CSR từ hơn 20 năm trước thậm chí còn không đề cập đến khía cạnh môi trường.

Các chủ đề CSR chủ yếu được nghiên cứu trong giai đoạn 2000-2020 ở Việt Nam | Nguồn: Báo cáo nghiên cứu, 2021
Các chủ đề CSR chủ yếu được nghiên cứu trong giai đoạn 2000-2020 ở Việt Nam | Nguồn: Báo cáo nghiên cứu, 2021

Tuy nhiên gần đây, Chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt đang đề cập nhiều về tính bền vững sinh thái bởi Việt Nam đang tham gia vào nhiều chương trình đòi hỏi CSR cao như Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA, hay những cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Việc thiếu các nghiên cứu liên quan đến các vấn đề môi trường từ trước đến nay cho thấy nghiên cứu CSR ở Việt Nam có thể không theo kịp các xu hướng toàn cầu mới, các tác giả cảnh báo.

Tuy nhiên, họ cũng thấy rằng việc nhận thức ngày càng tăng của cộng đồng về các vấn đề môi trường trong vài năm qua có thể khiến lĩnh vực nghiên cứu CSR ở Việt Nam chuyển dịch dần từ các mối quan tâm về đạo đức và quan hệ hài hòa giữa người với người sang các mối quan tâm về môi trường.

Không đầy đủ nền tảng lý thuyết

Nhóm tác giả của Đại học Massey cũng lưu ý việc phần lớn các nghiên cứu về CSR của Việt Nam không đề cập đầy đủ về mặt lý thuyết. Ngay cả khi lý thuyết được nhắc đến thì nó cũng hiếm khi được mô tả rõ ràng về mục đích sử dụng của nó.

"Việc không có một mô hình lý thuyết CSR chi phối cho thấy rằng các thực hành CSR ở Việt Nam vẫn tiếp tục ở trạng thái mới nổi giống như tình trạng Trung Quốc hồi năm 2007", các tác giả nhận định.

Tín hiệu khả quan là trong giai đoạn gần đây 2016-2020, một số công bố của Việt Nam đã bắt đầu đề cập nhiều hơn đến lý thuyết và áp dụng nghiên cứu lý thuyết hỗn hợp.

Thiếu vắng các nghiên cứu hành động

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng chỉ ra sự thiếu vắng của các nghiên cứu phục vụ việc hành động, ra quyết định và triển khai trong tương lai. “Điều này gây ra những lo ngại về mục đích hiện tại của CSR ở Việt Nam”, các tác giả viết.

Theo họ, các nhà nghiên cứu CSR không chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu cách thức thực hành CSR đang diễn ra trong bối cảnh địa phương, mà còn phải xác định những cạm bẫy, thách thức có thể xảy đến và đề xuất những thay đổi dù lớn dù nhỏ để việc thực hành CSR được tốt hơn.