“Otto-Motor” là động lực của phần lớn ô tô hiện đại. Tuy nhiên người phát minh ra động cơ bốn thì không phải Nicolaus Otto, mà là một anh thợ chữa đồng hồ. Anh thợ này là con trai một gia đình nghèo sinh sống và lập nghiệp tại thành phố München.
Christian Reithmann sinh ra tại vùng Tirol. Cha mẹ nghèo tuy nhiên cậu con trai Reithmann lại nổi bật ở sự thông minh và khéo léo. Christian Reithmann có năng khiếu kỹ thuật và giàu óc sáng tạo đến mức anh được triệu vào cung đình thời vua Ludwig đệ nhị chuyên trách về đồng hồ. Reithmann là người phát minh ra động cơ bốn thì sau này đi vào lịch sử với cái tên “Otto-Motor”. Tuy nhiên vinh quang lại thuộc về một kẻ khác.
Christian Reithmann. Ảnh wikimedia
Reithmann là một người hiện đại. Ông tin rằng một cái máy làm việc chính xác hơn bàn tay con người và ông tự phát triển các động cơ để vận hành trong xưởng đồng hồ của mình”, bà Jutta Siorpaes, một tiến sỹ về nghiên cứu lịch sử và là tác giả cuốn sách “Als die Welt in Bewegung geriet (khi thế giới vận động)”. Năm 1860 Reithmann nhận được bằng sáng chế đầu tiên về động cơ đốt trong, năm 1872 ông giới thiệu động cơ-piston-bay trước giới chuyên môn ở München. “Là con trai của một gia đình nghèo Reithmann đã tạo dựng được một cơ nghiệp thực sự”, bà Siorpaes giải thích. Bà tin tưởng chắc chắn Reithmann đích thực là nhà sáng chế động cơ bốn thì. “Chỉ khi nào người ta biết, Reithmann đến từ đâu, thì người ta mới biết điều đó là đúng”. Bà có nhiều bằng chứng về vấn đề này.
Khi bắt đầu cuộc trò chuyện, bà đưa phóng viên tới phòng làm việc của mình, lấy ra những cuốn sách và những cái thùng với những tờ giấy đã úa vàng: Những bằng khen của Reithmann, hóa đơn mua nhà và giấy tờ mua quyền công dân ở München và những bằng sáng chế của ông. Với bà, sự chính xác là rất quan trọng. Bà là người phụ nữ đầu tiên điều tra nghiên cứu về lịch sử phát minh động cơ đốt trong, bà trình bày về nghiên cứu của mình trong Bảo tàng Đức và qua các cuộc trả lời phỏng vấn. “Reithmann là một tài năng toàn diện, điều đó hấp dẫn tôi. Ông thật sự can đảm khi chỉ là một người tự học dám đương đầu và khẳng định mình trước những nhân vật học thuật đình đám, điều đó làm cho ông trở thành một nhân vật quan trọng bậc nhất trong lịch sử ngành ô tô”, nhà nghiên cứu lịch sử và viết sách đã nói, bà sống tại Tirol không xa quê hương Christian Reithmann.
Reithmann đã thành công phát minh ra động cơ đốt trong đúng thời điểm, khi mà cả châu Âu lao vào cuộc chạy đua tìm một loại động cơ chạy nhanh hơn, công suất lớn hơn nhưng phải nhỏ gọn hơn so với động cơ hơi nước. Biết bao tay thợ lành nghề, nhiều nhà kỹ thuật giàu kinh nghiệm đã dày công nghiên cứu về vấn đề này trong thế kỷ 19, trong đó có Nicolaus Otto và Eugen Langen.
Nicolaus Otto học về thương mại, nhưng ông lại rất đam mê những vấn đề về kỹ thuật. Năm 1864 ông cùng doanh nhân Eugen Langen thành lập một nhà máy chế tạo động cơ. Khoảng mười năm sau hai ông đã biến nhà máy này thành nhà máy chế tạo động cơ khí Deutz niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tháng giêng 1876 Otto đã cho ra đời động cơ bay piston (Flugkolbenmotor), động cơ này được bảo hộ bằng sáng chế phát minh số DRP 532 – nay là “Otto-Motor”. Mặc dù chức năng hoạt động của nó tương tự như động cơ do Reithmann phát triển trước đó bốn năm nhưng điều này không cản trở việc cấp bằng sáng chế. Kurt Möser, giáo sư sử học tại Viện Công nghệ Karlsruhe giải thích “Vẫn thường có bằng sáng chế kép chỉ cần thay đổi chút ít về từ ngữ trong văn bản của sáng chế. Có thể được cấp một bằng sáng chế mặc dù các sự kiện và đối tượng giống nhau”.
Nhiều doanh nghiệp có lợi ích kinh tế từ sáng chế mang tính cách mạng và tìm cách đánh đổ bằng sáng chế của Otto. Họ đã nhanh chóng phát hiện Reithmann là người đã phát minh trước. Ông cần tuyên thệ mình là người đầu tiên phát triển loại động cơ bốn thì. Reithmann đã chấp nhận yêu cầu này. Nhà nghiên cứu lịch sử Siorpaes nói “Với công ty Deutz AG thì điều này là một thảm họa”. Đáp lại, Deutz kiện Reithmann về vi phạm luật bản quyền và bị thua ở tòa sơ thẩm. Trong khi vấn đề tài chính hầu như không có ý nghĩa bao nhiêu đối với Otto, song ông ta lại rất quan tâm đến thanh danh của mình với tư cách nhà sáng chế, phát minh. Nhà doanh nghiệp Lange coi đây là cơ hội để chống trả.
“Langen vốn là đối tác của Otto và hoạt động với tư cách là nhà quản lý của Otto, ông này rất khao khát danh vọng đồng thời có tài về thương thuyết. Trong khi đó Otto đơn thuần chỉ là một người thích tìm tòi, cặm cụi ngày đêm với những ý tưởng mới mẻ trong đầu của mình. Ông thậm chí bị coi là mềm yếu, nếu như chỉ có một mình thì có lẽ ông không thể đấu tranh nổi”. Nhà sử học Siorpaes nhận định. Để có thể tiếp tục sản xuất loại động cơ bốn thì hãng Deutz đã mua bản quyền đối với giải pháp bốn thì, đáp lại Reithmann nhận được một khoản trợ cấp suốt đời. Muốn vậy Reithmann phải rút lại lời tuyên bố của mình và chính thức công nhận Otto là nhà sáng chế động cơ bốn thì. Langen, người từng tuyên bố các cuộc thương lượng với Reithmann là “ghê tởm, không xứng tầm”, đã giành được thắng lợi. Möser cho rằng “Đây là một cuộc chiến không cân sức. Một bên là công ty Deutz AG hùng mạnh về tài chính với Otto và Langen, và phía bên kia chỉ là một người thợ bình thường với tinh thần ít nhiều đã bị đánh quỵ”.
Ngày nay tập đoàn Deutz vào loại đứng đầu thế giới về chế tạo các loại động cơ Diesel. Doanh nghiệp này có trụ sở tại Köln doanh thu hằng năm đạt trên 1,8 tỷ Euro, với trên 5000 công nhân viên và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong mười năm gần đây tập đoàn Volvo là một trong số các đại cổ đông. “Deutz không thích nghe chuyện người thành lập doanh nghiệp này không phải là người đầu tiên phát triển động cơ đốt trong bốn thì” nhà nghiên cứu lịch sử Siorpaes nói.
“Sự dối trá-Otto” cũng chẳng thay đổi thực tế được bao nhiêu. Mãi đến năm 1948 các nhà nghiên cứu lịch sử mới phát hiện bản thỏa thuận giữa Otto và Reithmann. Möser giải thích “Hậu sinh đã quyết định chấp nhận Otto là nhà sáng chế”. Nói một cách hình tượng, sự dối trá là đại diện cho cuộc đấu tranh giữa các đối thủ cạnh tranh không cân sức, uy tín và tác động của dư luận. “ Lịch sử công nghệ cũng được viết bởi những người chiến thắng. Người Đức đã chọn Nicolaus Otto”.
Lịch sử công nghệ cũng được viết bởi những người chiến thắng. Người Đức đã chọn Nicolaus Otto là người chế tạo động lực ô tô. |
Nguồn: wiwo.de