Mặc dù có nhiều quốc gia từng tuyên bố chủ quyền đối với các phần lãnh thổ của Nam Cực, nhưng cho đến nay lục địa này vẫn là lãnh thổ chung của toàn nhân loại, theo các điều khoản trong Hiệp ước Nam Cực. Đây cũng là nơi chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình và nghiên cứu khoa học.

Châu Nam Cực. Ảnh: Wikimedia
Châu Nam Cực. Ảnh: Wikimedia

Nam Cực là nơi lạnh nhất, khô nhất và nhiều gió nhất trên Trái đất. Trong vùng nội địa, nhiệt độ có thể đạt mức cao nhất là -30°C vào mùa hè và mức thấp nhất -80°C vào mùa đông. Mặc dù nằm ở vị trí xa xôi, hẻo lánh nhưng Nam Cực là khu vực có sự tranh chấp lãnh thổ của nhiều quốc gia.

Tùy thuộc vào đối tượng, địa điểm hoặc thời điểm bạn hỏi, câu trả lời cho câu hỏi “Nam Cực thuộc về ai?” có thể là “không ai cả” hoặc “hàng chục quốc gia khác nhau”.

“Hiệp ước Nam Cực được ký kết vào năm 1959 chi phối mọi hoạt động ở lục địa này”, Henry Burgess, người đứng đầu Văn phòng Bắc Cực NERC, chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh vào năm 2015.

Tính đến nay, có tổng cộng 56 quốc gia đã tham gia Hiệp ước Nam Cực. Thỏa thuận này đã thiết lập một hệ thống quản trị quốc tế, cũng như xác định lục địa Nam Cực là một khu vực dành riêng cho nghiên cứu khoa học.

Nói cách khác theo luật pháp quốc tế, không có quốc gia nào thực sự sở hữu Nam Cực. Hiệp ước Nam Cực nghiêm cấm việc thiết lập và mở rộng các tuyên bố, hoặc các yêu sách lãnh thổ trên lục địa này. Hiệp ước cũng cấm tất cả các hoạt động quân sự, thử nghiệm vũ khí và khai thác khoáng sản trong khu vực. Toàn bộ hành tinh ở bên dưới vĩ độ 60° Nam theo thỏa thuận chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi xét về góc độ địa chính trị. Mặc dù không ai chính thức sở hữu châu Nam Cực, nhưng khá nhiều quốc gia muốn chúng ta nghĩ rằng họ có chủ quyền lãnh thổ tại đây, và họ dường như quan tâm đến việc thiết lập một chỗ đứng vững chắc trong khu vực.

“Chỉ có bảy quốc gia từng chính thức tuyên bố chủ quyền đối với các phần lãnh thổ của Nam Cực bao gồm: Anh, Argentina, Úc, Chile, Pháp, New Zealand và Na Uy”, Burgess cho biết. “Trong thập niên 1940 và 1950, các yêu sách cạnh tranh giữa Anh, Chile và Argentina ở Bán đảo Nam Cực thậm chí đã gây ra căng thẳng quốc tế”.

“Tôi nghĩ hầu như mọi quốc gia khác trên thế giới đều không công nhận bất kỳ tuyên bố nào trong số này”, Adrian Howkins, phó giáo sư tại Đại học bang Colorado, người viết luận án tiến sĩ về lịch sử tranh chấp lãnh thổ ở Nam Cực, nhận định.

Tại sao các quốc gia muốn sở hữu Nam Cực?

Công bằng mà nói, Mỹ và nhiều quốc gia khác có lợi ích trong việc không công nhận các tuyên bố lãnh thổ ở Nam Cực. Trạm nghiên cứu Amundsen-Scott là nơi Mỹ duy trì sự hiện diện chính thức trên lục địa này kể từ năm 1956. Các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, đã thành lập hơn 75 trạm nghiên cứu trên khắp khu vực trong những năm qua.

Bưu điện trên đảo Goudier vốn được biết đến với tên bưu điện Chim cánh cụt bởi trên hòn đảo này có tới 2.000 chim cánh cụt sinh sống.
Bưu điện trên đảo Goudier vốn được biết đến với tên bưu điện Chim cánh cụt bởi trên hòn đảo này có tới 2.000 chim cánh cụt sinh sống.

Một số quốc gia như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tham vọng phát triển ở Nam Cực trong tương lai. Brazil và Ecuador thậm chí đã đánh dấu các khu vực trên bản đồ mà họ hy vọng sẽ giành được.

Nhưng điều gì ở vùng đất hoang vắng này lại hấp dẫn đến vậy? Câu trả lời là dầu mỏ với trữ lượng lên tới 200 tỷ thùng.

“Chắc hẳn là các quốc gia từng tuyên bố chủ quyền đối với các phần lãnh thổ của Nam Cực đều hướng tới các nguồn tài nguyên có thể khai thác trong tương lai. Điều này là rất quan trọng trong một thế giới mà khoáng sản và nước ngày càng khan hiếm”, Máximo Gowland, người phụ trách chính sách đối ngoại về châu Nam Cực của Argentina, chia sẻ với tờ Financial Times vào năm 2018.

Việc khai thác dầu mỏ ở Nam Cực cực kỳ khó khăn do các tảng băng bao phủ phía trên có độ dày lên tới 4,8km. Nhưng nếu các quy trình khai thác trở nên tiết kiệm chi phí hơn, con người có thể bắt đầu tiếp cận trữ lượng dầu khổng lồ đang nằm ẩn giấu bên dưới lòng đất tại Nam Cực.

Tất nhiên, theo quy định hiện hành thì việc khai thác khoáng sản trong khu vực này bị cấm, nhưng mọi chuyện đều có thể thay đổi trong tương lai. Mặc dù bản thân Hiệp ước Nam Cực không có ngày hết hạn, nhưng nhiều điều khoản trong đó có thể đàm phán lại, và các quy định về môi trường liên quan đến việc nghiêm cấm thăm dò khoáng sản dự kiến sẽ được xem xét lại sau 14 năm kể từ bây giờ, cụ thể là vào năm 2048.

Sự hiện diện của con người

Nhiều quốc gia có lợi ích ở Nam Cực đã thực hiện các biện pháp cụ thể, bao gồm cả những điều nhỏ nhặt, nhằm khẳng định sự hiện diện và nâng cao vị thế của họ tại khu vực này. Ví dụ, một số trạm nghiên cứu – chẳng hạn như trạm Port Lockroy của Vương quốc Anh – sẽ đóng dấu hộ chiếu của khách du lịch để làm bằng chứng cho chuyến đi của họ đến lãnh thổ cực Nam của thế giới.

“Bưu điện chim cánh cụt” trên đảo Goudier là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Nam Cực, mặc dù nơi đây có mùi khá nồng do có nhiều chim cánh cụt Gentoo sinh sống.

Không chỉ có khách du lịch, Nam Cực còn là nơi sinh sống và làm việc của các nhà khoa học. Sức khỏe và sự an toàn của họ là ưu tiên hàng đầu.

“Mọi người đều phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra sức khỏe khác nhau trước khi đến làm việc ở Nam Cực. Mỗi trạm nghiên cứu Nam Cực của Úc đều có sự hiện diện của bác sĩ. Họ có trình độ chuyên môn cao về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả nha khoa”, theo Chương trình Nam Cực của Úc.
Tuy nhiên, bác sĩ làm việc trong mùa đông tại các trạm ở Nam Cực đều phải cắt bỏ ruột thừa. Nguyên nhân là do thường chỉ có một bác sĩ trực trong mùa đông. Việc di chuyển bệnh nhân tới các cơ sở chăm sóc y tế ở Úc để điều trị kịp thời là không khả thi.

Điều tương tự cũng xảy ra với các cư dân của Villas Las Estrellas (Chile), một trong số ít khu định cư tại Nam Cực - nơi người dân sinh sống nhiều năm thay vì vài tuần. Họ cũng trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa trước khi tới đây. Bệnh viện gần với họ nhất cách xa hơn 1.000km. Chỉ có một vài bác sĩ tại khu định cư và không ai trong số họ là bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa.
Nhiều người trong số chúng ta có thể không biết rằng Nam Cực cũng là nơi chào đời của rất nhiều em bé.

Vào năm 1977, với ý định đánh dấu quyền sở hữu một phần lục địa Nam Cực bằng cách tạo ra “cư dân bản địa” trên đó, Chính phủ Argentina đã dùng máy bay quân sự đưa bà Silvia Morello de Palma đang mang thai đến căn cứ Esperanza của quốc gia này ở Nam Cực. Hai tháng sau, con trai bà tên là Emilio đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử sinh ra tại Nam Cực.

“Về mặt địa chính trị, điều này là không phù hợp khi các quốc gia tham gia vào vấn đề chủ quyền ở Nam Cực đang tự đặt ra luật lệ riêng cho mình”, Howkins nhận định. “Argentina đã tạo ra một tiền lệ. Chile cũng thực hiện điều tương tự, và cho đến nay có hàng chục đứa trẻ đã sinh ra ở Nam Cực là công dân của hai quốc gia này”.

Trên thực tế, cách làm này không có khả năng tạo ra sự khác biệt trong bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào, nhưng nó đã mang đến cho Nam Cực một vinh dự đặc biệt. Tất cả các em bé đều sống sót, khiến Nam Cực trở thành lục địa có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bằng 0% – mức thấp nhất trên thế giới.

Bá Lộc dịch
Theo iflscience