Cách đây 5 năm, siêu đô thị São Paulo bắt đầu phát triển mạng lưới cơ sở ủ phân compost để xử lý rác hữu cơ từ sinh hoạt hàng ngày. Nhờ đó, thành phố giảm được đáng kể lượng khí CH4 nếu số rác này đi vào bãi chôn lấp thông thường.
Lựa chọn khôn ngoan
Năm 2015, São Paulo, Brazil, khởi động cơ sở ủ phân compost đầu tiên, mở ra sự phát triển của cả một mạng lưới phức tạp về tái chế rác thải. Dự án được thí điểm tại quận Lapa ở phía Tây Bắc thành phố.
Mục đích của nó là tách riêng dòng thực phẩm thải hữu cơ ra khỏi hàng triệu tấn chất thải rắn đô thị hỗn hợp thành phố tạo ra mỗi năm. Thêm vào đó, ủ phân hữu cơ có thể giúp ngăn chặn phát thải khí mê-tan (CH4) – loại khí quan trọng gây hiệu ứng nhà kính - có khả năng tích tụ trong điều kiện yếm khí nếu chôn lấp rác hữu cơ tại các bãi thải truyền thống.
“Một siêu đô thị với 12 triệu dân như São Paulo có thể viện nhiều lý do để không phân loại rác thải, và ở một số thành phố khác, các chính sách cũng chưa được áp dụng. Vì vậy, đối với São Paulo, nhà máy này là một dự án đột phá”, ông Sandra Mazo-Nix, điều phối viên của Sáng kiến Rác thải do Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) tài trợ kĩ thuật, chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày, tổng lượng rác thải của cả thành phố ước chừng 12.000 tấn, trong đó 51% là rác hữu cơ. Trước đây, gần như toàn bộ rác hỗn hợp các loại được thu gom và đưa đến hai bãi chôn lấp chính. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực thu gom riêng các loại rác khô có thể tái chế từ rác hỗn hợp, nhưng hoạt động này vấp phải nhiều rào cản điển hình của dân cư đô thị như vật liệu thu được có chất lượng kém và tỷ lệ tái chế thấp.
Vì đặc thù mật độ nhà ở trong thành phố cao nên khả năng phân loại rác thải thực phẩm với các loại khác khá hạn chế. Ngay cả khi các giải pháp phân loại được triển khai với toàn bộ khu dân cư thì việc thu gom cũng có thể bị tắc nghẽn vì cần nhiều xe tải riêng biệt hơn đi thu gom ở những nơi thậm chí rất nhỏ hẹp. Chính quyền địa phương đã phải bố trí hơn 20.000 công nhân thu gom rác làm việc hàng ngày trên đường phố để vừa thu gom, vừa phân loại rác.
Đối mặt với bài toán này, các nhà thiết kế dự án nhà máy ủ phân hữu cơ đã không lựa chọn hộ gia đình để thu gom, thay vào đó tập trung vào các khu thương mại, khu bán lẻ và chợ đường phố. Những nơi này có nguồn rác thải thực phẩm dồi dào và dễ thấy.
Thành phố đã thu gom rác hữu cơ và thực phẩm thừa từ hơn 50 khu chợ nội thành, cùng với rác thực vật (cỏ cây, cành lá khô…) từ nhiều công viên, khu vườn rồi chở đến nhà máy ủ phân có diện tích khoảng 0,3 hecta ở Lapa. Nhà máy xử lý tối đa 60 tấn rác hữu cơ mỗi tuần và sản xuất được khoảng 900 tấn phân hữu cơ mỗi năm.
Tham vọng tiên phong trong xử lý rác hỗn hợp
Khuất sau hàng trăm tòa nhà chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng và phố xá nhộn nhịp, nhà máy ủ phân ở Lapa chỉ sử dụng có bốn nhân công. Đây là một biểu tượng bước ngoặt cho việc xử lý tái chế rác của São Paulo.
Sau khi CCAC đánh giá tính khả thi của nhà máy vào năm 2016, thành phố đã xây dựng thêm 4 nhà máy ủ phân tương tự với tổng công suất xử lý là 1.250 tấn/tháng. Chính quyền cho biết sẽ xây dựng thêm mười nhà máy nữa vào năm 2020.
Theo đánh giá, 5 nhà máy đầu tiên của São Paolo đã giúp loại bỏ hơn 495 tấn phát thải khí CH4 mỗi năm, góp phần không nhỏ trong cuộc chiến môi trường và chống biến đổi khí hậu của thành phố.
Cùng với sáng kiến nhà máy ủ phân hữu cơ, một phong trào mang tên Composta São Paulo cũng được phát động trong các hộ gia đình để ủ rác thải thực phẩm tại gia. Các sáng kiến về giáo dục cũng được tiến hành, bao gồm một nền tảng giáo dục trực tuyến cho trường học và sổ tay về rác thải hữu cơ. Lĩnh vực môi trường này cũng dần thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp thấy được cơ hội làm ăn từ chất thải.
Hiện Brazil đang phát triển một dự án tiên phong khác về một khu sinh thái giải quyết vấn đề rác hỗn hợp vào năm 2020 ở São Paolo. "Đây sẽ là khu sinh thái đầu tiên ở châu Mỹ Latinh có khả năng xử lý 1.500 tấn rác thải hỗn hợp mỗi ngày”, ông Sandra Mazo-Nix cho biết. Khu sinh thái được thiết kế bởi Hiệp hội Các công ty quản lý rác thải và vệ sinh công cộng Brazil (ABRELPE), cùng với sự phối hợp của khu vực tư nhân và Cục Quản lý chất thải Thành phố São Paolo. CCAC tiếp tục là đơn vị hỗ trợ kĩ thuật và tài trợ cho các nghiên cứu khả thi.
Ở khu sinh thái này, rác hữu cơ sẽ vẫn là thành tố chính. Một dây chuyền đặc biệt dùng công nghệ sinh - cơ học (MBT) sẽ chịu trách nhiệm xử lý rác thải hữu cơ đã được phân loại tại các nguồn thải lớn. Sản phẩm đầu ra không chỉ gồm phân hữu cơ, mà còn có thêm các loại nhiên liệu có nguồn gốc từ chất thải chứa hàm lượng calo cao và khí biogas để sản xuất điện.
Có thể nói, thành phố São Paulo là một minh chứng cho những nỗ lực biến rác thải thành sản phẩm có ích, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và giảm tác động của biến đổi khí hậu.