Nhiều nhà máy chế biến phân vi sinh từ rác sinh hoạt không bán được sản phẩm do chất lượng phân chưa đạt yêu cầu, lẫn tạp chất bởi rác thải chưa được phân loại tại nguồn.
Thông tin trên được GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện môi trường đô thị và công nghệ Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Quản lý chất thải sinh hoạt đô thị và công nghiệp – Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty UBM Việt Nam tổ chức mới đây tại TPHCM.
GS.TS Dũng cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 800 đô thị với tổng lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 14 triệu tấn. Lượng rác thải đô thị khoảng gần 40 nghìn tấn/ngày, trong đó 15% là rác thải nhựa. Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại một số đô thị do chưa làm tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt. Đặc biệt là các thành phố lớn, đang đứng trước nhiều thách thức. Tại nhiều đô thị, hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải vẫn theo phương thức truyền thống thủ công, bán cơ giới. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt bình quân cả nước đạt 80%.
Theo GS.TS Dũng, chôn lấp là giải pháp xử lý rác thải chủ yếu ở Việt Nam hiện nay (hơn 70%). Tuy nhiên, trong 660 bãi chôn lấp trên cả nước, mới chỉ có 128 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 18%). Đối với công nghệ xử lý rác sinh hoạt bằng hình thức đốt, đa số các lò có công suất nhỏ, từ 5 – 10 tấn/ngày. Ngoài ra, cả nước có khoảng 40 cơ sở xử lý rác sinh hoạt có tổng công suất khoảng 8.500 tấn/ngày, chủ yếu chế biến phân vi sinh và các hình thức xử lý tái chế khác.
“Tuy nhiên, nhiều nhà máy chế biến phân vi sinh hiện nay không bán được sản phẩm do chất lượng phân chưa đạt yêu cầu trong trồng trọt vì lẫn tạp chất do rác thải chưa được phân loại tại nguồn” – GS Dũng nói và cho rằng phân loại và kiểm soát tại nguồn là vấn đề quan trọng nhất trong việc xử lý chất thải. Vì vậy, các địa phương cần chú trọng, thực hiện các biện pháp phân loại rác tại nguồn có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nước – môi trường Bình Dương (BIWASE), cũng cho rằng, phân loại rác tại nguồn là việc hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay. Đây là hoạt động làm nền tảng để quản lý, tái chế, xử lý các loại rác một cách hiệu quả. Từ năm 2016, BIWAES đã chủ động đề nghị các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phân loại rác chất thải rắn tại nguồn. Ngoài ra, một số các khu vực cư dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng thực hiện việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả.
Ông Thiền chia sẻ, để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, BIWASE đã chủ động đầu tư hai xe thu gom chuyên dụng được sơn màu khác nhau - xe vận chuyển chất thải hữu cơ sơn màu xanh, xe vận chuyển chất thải còn lại sơn màu cam. Tại khu liên hiệp xử lý chất thải, BIWASE cũng bố trí hai khu vực tập kết chất thải sau phân loại tại nguồn. Mặc dù vậy, quá trình thực hiện việc phân loại rác tại nguồn vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đó là chưa giám sát được liên tục quá trình phân lọa rác tại cơ sở, chưa huy động được nguồn lực để tham gia tuyên truyền, vận động trong nhân dân, thiếu trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển sau phân loại,… “Trước tầm trọng của việc phân loại rác tại nguồn, Chính phủ cần có chủ trương triển khai trên toàn quốc để thực hiện một cách đồng bộ ở tất cả các địa phương. Ngoài ra, các đơn vị thu gom, vận chuyển phải bố trí đủ chủng loại xe, không thu gom chung rác sau khi phân loại” – ông Thiền kiến nghị.
Ông Cao Văn Tuấn, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TPHCM cho biết, đã có 20 – 25% phường, xã, thị trấn tại TPHCM thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, đầu năm 2019, TPHCM đã ứng dụng phần mềm Mgreen để hướng dẫn phân loại rác. Các thông tin về hướng dẫn phân loại các nhóm chất thải, quy trình thu gom, cách nhận biết từng nhóm chất thải, ý nghĩa của việc phân loại rác, quy định xử phạt hành vi không phân loại rác,... đều có trên ứng dụng.
Tuy nhiên, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý còn dàn trải, chưa tập trung, chưa chú trọng đến việc tái chế, tái sử dụng. “Hiện nay, chi phí các hoạt động cho việc phân loại rác tại nguồn như thu gom vận chuyển, tuyên truyền…, công ty phải bù lỗ từ nguồn chi phí sản xuất kinh doanh, nên không có đủ khả năng tài chính để mở rộng chương trình” – ông Tuấn nói và mong muốn TPHCM sớm ban hành định mức và hỗ trợ tài chính cho lực lượng thu gom, vận chuyển rác sau khi phân loại. Ngoài ra, Chính phủ, các bộ ngành cũng cần sớmban hành các quy trình, quy chuẩn áp dụng công nghệ do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, chế tạo để thực nghiệm xử lý tái chế chất thải.