Năm 1950, một chiếc máy bay mang theo bom nguyên tử của Mỹ gặp tai nạn. Trong nhiều thập kỷ, không ít người hoài nghi liệu quả bom có thực sự được kích nổ phía trên đại dương, hay nó bị mất tích ở đâu đó trong khu vực hẻo lánh của Canada.
Máy bay ném bom B-36 của Mỹ trong lúc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thời bình đã gặp sự cố động cơ và rơi xuống khu vực British Columbia (Canada) vào năm 1950. Điều đặc biệt là chiếc máy bay mang theo quả bom nguyên tử Mark IV – thứ vũ khí có kích thước tương đương quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Theo lời khai từ các thành viên phi hành đoàn sống sót, họ đã ném quả bom ra khỏi máy bay một cách an toàn và kích nổ nó giữa không trung trước khi máy bay rơi.
Vụ tai nạn này trở nên nổi tiếng khi nó là “mũi tên gãy” đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Mũi tên gãy là thuật ngữ quân đội Mỹ dùng để nói về một tai nạn liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Cuộc thử nghiệm máy bay thất bại
Khoảng 5 năm sau khi dùng bom nguyên tử buộc Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II, quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho tình huống xảy ra chiến tranh hạt nhân với kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô. B-36 là máy bay ném bom liên lục địa đầu tiên của Mỹ có khả năng mang vũ khí hạt nhân đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, và Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ (SAC) rất háo hức muốn thử nghiệm loại máy bay mới với trọng tải thực.
Sau nhiều tháng vận động hành lang, các nhà lãnh đạo SAC thuyết phục thành công Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ (AEC) cho mượn một quả bom nguyên tử Mark IV không chứa lõi plutonium. Quả bom vẫn chứa một lượng lớn uranium và chất nổ thông thường, nhưng nó không thể tạo ra một vụ nổ hạt nhân hủy diệt.
Vào ngày 13/2/1950, chiếc B-36 cất cánh từ Căn cứ Không quân Eielson gần Fairbanks, tiểu bang Alaska (Mỹ) với phi hành đoàn gồm 17 người. SAC dùng chuyến bay thử nghiệm này để mô phỏng vụ đánh bom nguyên tử vào một thành phố lớn ở Liên Xô. B-36 dự kiến bay trên một tuyến đường dài 8.850 km từ Alaska đến Montana, sau đó hạ thấp độ cao ở San Francisco – mục tiêu ném bom giả định – và cuối cùng hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Carswell, bang Texas.
Đáng tiếc là mọi thứ diễn ra không như kế hoạch. Không lâu sau khi cất cánh, băng bắt đầu tích tụ trên thân máy bay ném bom và trọng lượng vượt quá quy định gây áp lực lớn lên động cơ. Ba trong số các động cơ bốc cháy, sau đó ngừng hoạt động. Chỉ với ba động cơ còn lại, chiếc B-36 mất dần độ cao với tốc độ 152 mét/phút.
Chỉ huy Harold Barry cùng các phi hành đoàn đã hành động nhanh chóng. Ưu tiên hàng đầu của họ là phá hủy quả bom nguyên tử để nó không rơi vào tay kẻ thù. Tuy nhiên, khi phi công phụ của Barry nhấn nút thả bom, không có điều gì xảy ra. Anh ta cố gắng nhấn nút thêm một lần nữa để mở khoang chứa bom và thả Mark IV trên Thái Bình Dương. Lần này, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Theo báo cáo của phi hành đoàn, chất nổ thông thường bên trong quả bom đã được kích nổ và quả bom hoàn toàn bị phá hủy.
Sau đó, Barry thiết lập chế độ lái tự động cho chiếc máy bay đang rơi, hướng nó tiếp tục bay về phía vùng biển xa đất liền, trong khi ông và phi hành đoàn nhảy dù trong bóng tối xuống hòn đảo Princess Royal ở ngoài khơi British Columbia (Canada). Đáng tiếc là chiếc B-36 bay lệch đường bay định sẵn. Nó bay thêm khoảng 322 km, sau đó đâm vào sườn núi Mount Kologet phủ đầy tuyết nằm sâu bên trong vùng đất liền hoang vu của Canada.
Ngay lập tức, lực lượng phối hợp giữa quân đội Mỹ và Canada tiến hành một nhiệm vụ cứu hộ quy mô lớn. Họ huy động 40 máy bay tìm kiếm khắp nơi trên đường bờ biển đóng băng của Canada. Sau nhiều nỗ lực, nhóm cứu hộ phát hiện 12 trong số 17 thành viên phi hành đoàn vẫn sống sót, trong đó có một người bị treo ngược cùng chiếc dù trên cây. Tuy nhiên, 5 thành viên còn lại – bao gồm chuyên gia phụ trách vũ khí Theodore Schreier – không bao giờ được tìm thấy.
Những tin đồn xung quanh vụ tai nạn
Quân đội Mỹ tiến hành thẩm vấn các thành viên trong phi hành đoàn. Mọi người đều khai nhận rằng quả bom Mark IV đã được kích nổ an toàn trước khi máy bay lao xuống đất. Tuy nhiên, lực lượng quân đội vẫn tiếp tục tìm kiếm các mảnh vỡ của chiếc máy bay B-36 nhằm xác minh lời khai của phi công. Tuy nhiên, nhóm tìm kiếm của Không quân Mỹ không thể tìm thấy dấu vết của chiếc máy bay gặp nạn và họ cho rằng nó đã rơi xuống Thái Bình Dương. Ba năm sau, trong lúc một nhóm cứu hộ Canada giải cứu một nhà thăm dò dầu mỏ, họ vô tình phát hiện mảnh vỡ của chiếc máy bay B-36 trên đỉnh núi Mount Kologet.
Không quân Mỹ từng ba lần cử đoàn thám hiểm đến địa điểm trên, nhưng họ đều phải quay lại do thời tiết xấu và điều kiện khắc nghiệt. Năm 1954, một nhóm điều tra cuối cùng cũng tiếp cận được chiếc B-36. Họ nhanh chóng tháo dỡ mọi thiết bị quan trọng của chiếc máy bay rồi phá hủy nó.
Vì báo cáo của nhóm tháo dỡ là tối mật nên chúng ta không thể biết chính xác quả bom nguyên tử có rơi cùng chiếc máy bay hay không. Liệu có manh mối nào trong đống mảnh vỡ máy bay cho thấy quả bom thực sự đã được thả trước khi xảy ra va chạm? Do thiếu các bằng chứng rõ ràng nên tin đồn liên quan đến số phận của quả bom nguyên tử bắt đầu xuất hiện. Tâm điểm của những tin đồn liên quan đến Schreier, chuyên gia phụ trách vũ khí mất tích.
Đầu tiên là lời đồn về một thi thể được tìm thấy cùng các mảnh vỡ máy bay trên núi Kologet. Liệu đó có phải Schreier hay không? Schreier là một cựu phi công và anh ta có thể đã cố gắng lái máy bay trở về Alaska (Mỹ) trong khi những người khác nhảy dù ra ngoài.
Theo một số tin đồn khác, chỉ huy Barry nhìn thấy Schreier quay lại máy bay ngay sau khi ông nhảy dù vào bầu trời đêm. Thêm vào đó, quả bom Mark IV chưa từng rời khỏi máy bay và Schreier đã chết khi cố đưa nó trở lại căn cứ của lực lượng không quân một cách an toàn. Tuy nhiên, quân đội Mỹ không xác nhận bất kỳ tin đồn nào.
Hơn nửa thế kỷ sau, các nhà thám hiểm và điều tra viên nghiệp dư vẫn tìm cách đến địa điểm máy bay rơi để tự đánh giá, tìm hiểu sự thật.