Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản vừa công bố 1 loài thuộc họ Bông được phát hiện ở tỉnh Đắk Nông và 2 loài thuộc họ Cà phê được phát hiện ở tỉnh Gia Lai.

Theo TS Đặng Văn Sơn – Viện Sinh học nhiệt đới thuộc (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam), 3 loài mới này có tên khoa học đầy đủ là: Helicteres daknongensis V.S.Dang & D.T.Bui – Tổ kén đắk nông; Psydrax gialaiensis B.H.Quang, T.B.Tran & V.S.Dang – Căng gia lai; Lasianthus konchurangensis V.S.Dang, T.B.Tran & T.D.Ha – Xú hương kon chư răng.

Trong đó, Tổ kén đắk nông thuộc họ Bông (Malvaceae) được phát hiện ở độ cao 750m ở xã Nghĩa Đức, Gia Nghĩa, Đắk Nông. Tên loài “daknongensis” được đặt theo tên của tỉnh Đắk Nông kết hợp với tên của 2 nhà khoa học đã phát hiện ra.

c
Loài Helicteres daknongensis V.S.Dang & D.T.Bui – Tổ kén đắk nông. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Tổ kén đắk nông có hình thái tương tự như loài H. viscida Blume và H. hirsuta Lộ, nhưng cánh hoa và quả có kích thước nhỏ hơn. Cánh hoa có màu tím nhạt so với màu trắng của Helicteres viscida Blume và đỏ sậm của Helicteres hirsuta Lour.

Đề tài được thực hiện với sự tài trợ của Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Nông và được công bố trên tạp chí chuyên ngành Taiwania, tập 65, số 3, trang 321–325, tháng 6/2020.

Trong khi đó, Căng gia lai thuộc họ Cà phê (Rubiaceae) được phát hiện ở độ cao 989 m trong sinh cảnh rừng thường xanh thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai. Tên loài “gialaiensis” được đặt theo tên của tỉnh Gia Lai.

x
Loài Psydrax gialaiensis B.H.Quang, T.B.Tran & V.S.Dang – Căng gia lai.
Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Đặc trưng của loài là các nhánh và lá có lông cứng, phình to rõ rệt, ống tràng hoa ngắn, đĩa mật hoa nổi bật, chùm lông rậm giúp phân biệt rõ ràng với các loài khác trong chi.

Loài mới này được công bố trên tạp chí chuyên ngành Phytokeys, số 149, trang 99–107, tháng 6/2020.

Còn Xú hương kon chư răng, cũng thuộc họ Cà phê (Rubiaceae), được phát hiện ở độ cao 1.012 m trong rừng nguyên sinh thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai. Tên loài “konchurangensis” được đặt theo tên của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, nơi thu mẫu để mô tả loài mới.

f
Loài Lasianthus konchurangensis V.S.Dang, T.B.Tran & T.D.Ha – Xú hương kon chư răng.
Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Xú hương kon chư răng có bề ngoài khá giống với loài L. foetidissimus nhưng khác ở chỗ kích thước lá, đài hoa lớn hơn, là có nhiều gân phụ hơn và tràng hoa màu tím.

Nghiên cứu này là kết quả hợp tác của Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam với các đối tác Nhật Bản; và đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành Phytotaxa, tập 451, số 2, trang 161–168, tháng 7/2020.