Từ một nghề thủ công có truyền thống gần một thế kỷ, sản xuất mô hình thực phẩm đã trở thành một ngành công nghiệp hấp dẫn tại Nhật Bản.

Những mô hình đồ ăn được trưng bày bên trong một nhà hàng ở Nhật Bản. Nguồn: Arigato Travel
Những mô hình đồ ăn được trưng bày bên trong một nhà hàng ở Nhật Bản. Nguồn: Arigato Travel

Với những người lần đầu đến Nhật Bản, một trong những điều kỳ lạ nhất là những thứ được trưng bày trong tủ kính ở các nhà hàng và quán ăn. Những chiếc bát đầy ắp mì ramen, những đĩa cơm chiên, những miếng bít tết, mì spaghetti, salad hoặc pizza vô cùng hấp dẫn có thể kích thích sự thèm ăn của những thực khách kén ăn nhất. Tuy nhiên, tất cả đều là mô hình đồ ăn bằng nhựa, được làm tỉ mỉ tinh xảo đến mức nhìn y như thật.

Những mô hình đồ ăn này là sản phẩm của một nghề thủ công đặc biệt được gọi là sampuru, bắt nguồn từ “mẫu” (sample) trong tiếng Anh. Chúng vừa là công cụ thiết thực để thu hút khách hàng, vừa là một loại hình nghệ thuật độc đáo với lịch sử hấp dẫn. Tương truyền, Takizo Iwasaki, một người đàn ông đến từ thị trấn Gujo Hachiman, tỉnh Gifu, đã tạo ra mô hình món trứng tráng sau khi quan sát những giọt sáp nến tan chảy. Chúng giống thật đến mức chính vợ ông cũng không phân biệt được, và ông tiếp tục tạo ra nhiều mô hình của các món ăn khác nhau. Năm 1932, sau khi mô hình món trứng tráng do Iwasaki chế tạo xuất hiện tại một cửa hàng ở Osaka, ông đã thành lập Iwasaki Be-I, một trong những doanh nghiệp sản xuất mô hình thực phẩm lớn nhất Nhật Bản và là nhà tiên phong trong ngành công nghiệp này. Đến nay, Iwasaki Be-I vẫn là nhà sản xuất sampuru hàng đầu ở Nhật Bản, chiếm 60% thị phần.

Một số người cho rằng Iwasaki không phải là “cha đẻ” duy nhất của sampuru, bởi trước khi Iwasaki tạo ra các mô hình này, từ những năm 1920, các quán ăn tự phục vụ ở các thành phố như Tokyo đã trưng bày các mô hình thực phẩm được làm từ nhiều chất liệu khác nhau để minh họa rõ hơn cho món ăn, giúp thực khách dễ dàng lựa chọn. Tuy nhiên, những mô hình thực phẩm tinh xảo do Iwasaki chế tạo vào những năm 1930 đã giúp sampuru trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Trong thời kỳ hậu chiến, sampuru trở thành thứ không thể thiếu với các nhà hàng, bởi một lượng lớn khách hàng khi đó là quân nhân Mỹ tại Nhật Bản, không biết nói hay viết tiếng Nhật. Việc trưng bày sampuru giúp hai bên vượt qua rào cản ngôn ngữ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp giữa nhà hàng với thực khách. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng với ngành du lịch Nhật Bản. Du khách nước ngoài đến Nhật thường rất thích những mô hình đồ ăn nhìn vô cùng giống thật này, họ muốn mang những phiên bản nhỏ hơn về làm đồ lưu niệm. Do vậy, các nhà sản xuất sampuru đã thiết kế các mô hình dành riêng cho du khách, từ ốp điện thoại hình sashimi cá hồi cho đến mô hình gyoza chiên làm móc chìa khóa.

Mỳ bay, mỳ ramen, pizza... tất cả đều trông y như thật, nếu không có dòng chú thích chắc sẽ ăn nhầm.
Mỳ bay, mỳ ramen, pizza... tất cả đều trông y như thật, nếu không có dòng chú thích chắc sẽ ăn nhầm.

Mặc dù nhu cầu về sampuru cao nhưng hầu hết các nhà máy sản xuất mô hình thực phẩm ở Nhật Bản không chế tạo sampuru hàng loạt, thay vào đó, họ thuê các nghệ nhân thủ công. Theo Business Insider, có thể phải mất tới 10 năm để thành thạo nghệ thuật sáng tạo sampuru.

Qua gần một thế kỷ, quy trình sản xuất sampuru đã có một số đổi mới. Các mô hình thực phẩm ban đầu được làm bằng sáp. Dù sẵn có và dễ tạo hình nhưng sáp có một nhược điểm là nhiệt độ nóng chảy thấp, dẫn đến nguy cơ tan chảy các mô hình thực phẩm nếu đặt trong tủ kính vào những ngày nắng nóng. Từ những năm 1970, người ta đã chuyển từ sáp sang nhựa để làm sampuru vì chúng bền hơn. Tuy nhiên, những kỹ thuật cơ bản vẫn giữ nguyên. Một số nhà hàng vẫn mua mô hình của các món ăn thông thường sẵn có trên thị trường, trong khi một số nơi đặt sản xuất sampuru riêng cho các món ăn, dù họ có thể tốn tới 10.000 USD để chuyển toàn bộ thực đơn dưới dạng sampuru.

Thông thường, nhà hàng sẽ gửi món ăn thật cho một nhà sản xuất sampuru để tạo khuôn, giúp tái tạo các kết cấu thực tế, những chỗ lồi lõm nhỏ trên bề mặt mô hình thực phẩm. Các nghệ nhân sẽ dùng các vật liệu tổng hợp, chẳng hạn đổ nhựa PVC lỏng vào khuôn, sau đó đem “nướng”. Việc sử dụng vật liệu sẽ tùy vào mô hình món ăn, chẳng hạn người ta thường dùng urethane để làm mô hình mì soba, trong khi PVC phù hợp để tạo lớp phủ panko (bột chiên xù). Cuối cùng, họ sẽ sơn và hoàn thiện các chi tiết, chẳng hạn như tạo lớp phủ cho bánh kem hoặc cắt bánh sandwich bằng dao thật. Với ramen, từng sợi mì được nhúng trong lớp phủ bằng nhựa để trông giống thật hơn, các miếng sushi được ghép từ những hạt nhựa nhỏ xíu giống gạo, sau đó được ép cẩn thận với nhau, gần giống như cách tạo hình một miếng sushi thật. Việc sản xuất các mô hình nhỏ thường mất khoảng một ngày, trong khi quá trình chế tạo những món ăn phức tạp hơn có thể mất tới một tuần.

Cân bằng giữa tính chân thực và tính thẩm mỹ

“Bí quyết trong sản xuất sampuru là tạo ra sự cân bằng giữa tính chân thực và tính thẩm mỹ - mô hình nhìn đẹp nhất không nhất thiết phải giống thật nhất”, Katsuji Kaneyama, người đứng đầu Sanpuru Kobo (Sample Kobo), một trong những doanh nghiệp sản xuất sampuru ở Gujo, cho biết. “Và những mô hình thực tế nhất có thể trông không đẹp mắt cho lắm”.

Trong cửa hàng đặt tại xưởng sản xuất của Sample Kobo, rất nhiều khách du lịch mua những mô hình thực phẩm dùng làm móc chìa khóa, nam châm gắn tủ lạnh, USB, gọt bút chì và nhiều đồ lưu niệm khác. Họ cũng thử trải nghiệm làm mô hình tempura và rau xà lách. Tuy nhiên, giá bán các mô hình này không hề rẻ. Một số mô hình phức tạp có giá lên tới vài trăm USD và tất cả đều có giá cao hơn món ăn thật.

Theo ước tính, ngành công nghiệp sampuru của Nhật Bản trị giá khoảng 90 triệu USD vào năm 2019. Một số người lo ngại rằng sự phát triển của các ứng dụng giao đồ ăn, mạng xã hội, nền tảng đánh giá nhà hàng, cũng như những công nghệ mới như in 3D đang đe dọa ngành sản xuất sampuru. Tuy nhiên, Kaneyama vẫn tin tưởng vào sự độc đáo của các mô hình sampuru truyền thống. “Máy in 3D có thể tạo ra những sản phẩm tốt, rất giống thật, nhưng thực tế nó mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn bạn nghĩ”, ông nhận xét. Và điều quan trọng hơn là thẩm mỹ. “Tôi có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa mô hình in 3D và mô hình được làm bằng tay một cách tỉ mỉ. Máy in 3D khó có thể tái tạo lại sự tinh tế của các mô hình thủ công”.

Năm 1980, Bảo tàng Victoria & Albert ở London đã tổ chức triển lãm các mô hình thực phẩm do Công ty Maizuru của Nhật Bản sản xuất. Những cuộc thi chế tạo mô hình đồ ăn vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt là ở thị trấn Gujo Hachiman – quê hương của sampuru.

Nguồn: The Guardian, DW, Japan House Los Angeles, Business Insider, Smithsonian