Cuốn sách "Đường mòn muôn nẻo" của Robert Moor góp phần lý giải những câu hỏi quan trọng về một trong những phát minh sớm nhất và hiệu quả nhất của mọi sinh vật trên Trái đất, đó là đường mòn.

Tác giả, nhà nghiên cứu Robert Moor. Ảnh NXB Simon & Schuster
Tác giả, nhà nghiên cứu Robert Moor. Ảnh NXB Simon & Schuster

Là cây viết của nhiều tờ báo danh tiếng, đồng thời là vận động viên đi bộ đường trường, Robert Moor có cả kiến thức và trải nghiệm để dấn bước vào hành trình nghiên cứu đường mòn.

Dựa trên nhiều tư liệu văn học, lịch sử, sinh thái, tâm lý, triết học... cũng như những cuộc thám hiểm, nghiên cứu thực địa… cùng các vận động viên, nhà côn trùng học, nhà nghiên cứu dấu vết hóa thạch, nhà địa lý, nhà địa chất, nhà sử học, nhà lý thuyết hệ thống..., cuốn sách của Moor đã góp phần trả lời những câu hỏi quan trọng về một trong những phát minh sớm nhất và hiệu quả nhất của mọi sinh vật trên Trái đất, đó là đường mòn.

Trong đó, tác giả tập trung nghiên cứu giai đoạn khởi thủy với những đường mòn được tạo ra đầu tiên vào khoảng 565 triệu năm trước bởi những sinh vật ở kỷ Ediacara thời tiền Cambri mà vết tích của chúng còn được lưu trên các phiến đá ở Newfoundland (Canada). Dù giới khoa học chưa thể xếp những sinh vật này vào nhóm động vật, thực vật, nấm hay sinh vật đơn bào..., nhưng qua nghiên cứu dấu vết, đây là loài động vật có cơ bắp và việc chúng hình thành đường mòn có nhiều khả năng thể hiện nhu cầu tìm về vị trí ban đầu, do sóng đánh văng chúng khỏi phiến đá mà chúng đang bám vào.

Tác giả cũng nghiên cứu sâu về những “đường mòn mùi hương” của kiến, mối, nấm nhầy... và các động vật có bản năng mở đường độc đáo, như hươu, nai, linh dương, voi, trâu, bò... Tất cả là để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề như: tại sao muôn loài di chuyển đến nơi khác, nhờ đâu sinh vật bắt đầu hiểu được thế giới xung quanh, bằng cách nào mà một số cá thể lại dẫn đầu và các cá thể khác theo sau... cùng các mối quan hệ cộng sinh trong thế giới động vật.

Khi nghiên cứu về các loài gia súc chăn thả, cũng là lúc Moor dần tiến đến giai đoạn có sự góp mặt của con người vào sự hình thành đường mòn. Trước hết, ông đã “thâm nhập” vào khu vực định cư của những người bản địa như Cherokee hay Navajo để tìm hiểu cách họ tạo ra những con đường mòn cho cộng đồng của mình. Ông nhận ra đa phần trong số đó là những con đường được các loài động vật như voi, hươu, trâu... tạo ra, vì chúng có khả năng tìm được con đường ngắn nhất và nhanh nhất đến các nguồn nước hoặc nguồn khoáng chất (cho động vật đến liếm), vì vậy con người đã quan sát và học hỏi chúng.

Nhưng điểm khác biệt nằm ở chỗ con người có tri thức, có thể ghi nhớ và lưu truyền chúng. Từ đó, nghiên cứu về đường mòn của Moor đồng thời là nghiên cứu về văn hóa, về cách người bản địa sống hòa hợp với tự nhiên và gửi gắm niềm tin tâm linh riêng có lên những con đường. Chẳng hạn, ở nhiều nơi thuộc Bắc Mỹ, các nhà khảo cổ học đã khám phá ra rằng thay vì chọn lối mòn ít chướng ngại nhất để đi từ làng này sang làng nọ, thì lối mòn bản địa thường được đổi hướng để đi qua những địa điểm quan trọng về mặt nghi thức tâm linh, cho phép người dân dừng chân cầu nguyện dọc đường.

Mối tương quan trên còn được thể hiện ở việc đặt những cái tên có tính cộng đồng cho những con đường, hoặc đưa những địa điểm này vào các bài ca dân gian vẫn còn truyền miệng cho đến ngày nay… Chẳng hạn, người Cherokee đặt tên cho các đường mòn của mình là “Guinekelokee” (nơi có cây xanh rủ hai bên bờ) hay “Nvnohi Dunatlohilvhi” (lối mòn nơi họ đã khóc), gắn với Đạo luật Di dời người Da đỏ, khiến họ mất nhà cửa... Như Moor trích lời nhà dân tộc học James Mooney trong cuốn sách: “Gần như tất cả những mỏm đá và ngọn núi nổi bật, tất cả khúc quanh trên mỗi dòng sông ở đất nước Cherokee cổ xưa đều có một huyền thoại gắn liền với nó” (tr.264). Mooney cũng khẳng định rằng hiện tượng này phổ biến rộng khắp ở nhiều cộng đồng bản địa và không chỉ có ở người Cherokee.

“On Trails” được xuất bản lần đầu vào năm 2016. Trong ảnh: Bản tiếng Việt ra mắt vào tháng 4/2024. Ảnh: ĐTA.
“On Trails” được xuất bản lần đầu vào năm 2016. Trong ảnh: Bản tiếng Việt ra mắt vào tháng 4/2024. Ảnh: ĐTA.

Sang thời kỳ những người ở Cựu thế giới khám phá những vùng đất mới - một giai đoạn bi thương với người bản địa, tác giả cho thấy những con đường bắt đầu ẩn chứa rất nhiều nghịch lý. Những người đến từ xứ sở văn minh cần người bản địa chỉ ra vị trí những cung đường, thế nhưng khi công việc xong xuôi thì cũng là lúc số phận của người bản địa gần như kết thúc. Tương tự như thế, đường mòn là phương tiện để “chuyên chở” những con đường hiện đại hay cao tốc chưa thành hình, thế nhưng một khi chúng được hoàn thiện, thì những con đường ban đầu bị xóa sổ dần...

Bước vào thời hiện đại, Moor dành nguyên một chương để nói về siêu đường mòn Appalachian dài 1.500 dặm, kéo từ Bắc Mỹ, sang châu Âu, đến Morocco, và đang không ngừng nối dài thêm nữa đến những nơi mà người ta tin là có vết tích của dãy Appalachian vào thời mà các mảng địa chất vẫn chưa phân tách.

Ngày nay, toàn cầu hóa đã sử dụng đường mòn như những “xúc tu” của mình để bám lấy các vùng đất nhỏ, đậm tính truyền thống ở nhiều đất nước, khiến nơi nào cũng xuất hiện những du khách đi bộ đường dài, tay cầm điện thoại hoặc máy định vị GPS để chinh phục mục tiêu nào đó... Điều này đã được làm rõ ở cuối cuốn sách, khi Moor lãnh nhiệm vụ phác họa bản đồ cho chặng cuối của tuyến đường Appalachian, và ông phải đối diện với những thắc mắc cũng như sự mỉa mai ngấm ngầm của người dẫn đường Morocco bản xứ, về hành động đầy tham vọng của mình, khi thay vì chọn lối ngắn nhất và dễ dàng nhất như người nơi đây làm để phục vụ cuộc sống, thì những người như ông lại muốn lối xa nhất và thách thức nhất.

Như vậy, cuối cùng, đường mòn từ một trong những vai trò là biểu trưng cho sự thăm thú thiên nhiên, cho những cảm xúc muốn thốt thành lời của những nhà thơ đồng quê như Woodworth hay những triết gia như Thoreau... giờ đã trở thành một “đối tượng” khác của sự xâm chiếm mang tính toàn cầu bởi con người và công nghệ.

Cuốn sách của Moor không chỉ bắt đầu và kết thúc như một nghiên cứu về lịch sử đường mòn, mà nó còn có nhiều ngã rẽ. Chẳng hạn, trong chương viết về quá trình tìm kiếm dấu tích của loài sinh vật kỷ Ediacara tạo ra những đường mòn đầu tiên cách đây 565 triệu năm, Moor đồng thời nói về nguồn tài trợ cho ngành cổ sinh vật học đang bị giảm sút hay về cuộc đua khốc liệt nhằm phân lớp chính xác loài này trong giới khoa học. Hay ở chương về cách các côn trùng và động vật truyền tín hiệu bằng mùi hương, tác giả còn phân tích về trí thông minh tập thể, và việc các ngành lý thuyết hệ thống dựa vào đó để tạo ra nhiều dấu vết tối ưu… Ở chương bàn sâu về cách mà người bản địa cố gắng duy trì và lưu giữ đường mòn của mình, Moor nói nhiều hơn về các tác động sinh thái của con người ngày nay như xây dựng quá mức, cắt đứt những lối mòn của voi, hay thực tế ngành chăn nuôi cừu truyền thống của người Navajo đang dần suy giảm nghiêm trọng bởi sức hút đến từ bên ngoài đối với thế hệ trẻ...

Bên cạnh những nghiên cứu di chỉ khảo cổ hay hành trình trải nghiệm chăn thả gia súc với người bản địa, cuốn sách còn đan cài nhiều tác phẩm thơ ca, văn chương... gắn liền với suy tư của tác giả về cảnh quan, hiện thực, lịch sử... trên các cung đường. Chúng như những trạm nghỉ sau những chặng đường dài dày đặc các luận cứ, luận điểm khoa học. Ngoài ra, việc tác giả kể lại trải nghiệm của bản thân trong hành trình chinh phục các cung đường mòn cũng giúp cuốn sách thêm nhiều phần lý thú.