Sinh năm 1945, có niềm đam mê điện ảnh từ bé, Kevin Goetz đã rất nỗ lực để trở thành diễn viên. Trên con đường đến với nghiệp diễn, ông bất ngờ phát hiện khiếu kinh doanh thiên bẩm của mình, từ đó ông kết hợp cả hai sở thích để bước vào một con đường còn nhiều mới lạ. Goetz viết
Khán giả học - Người xem thử nghiệm đã xoay chuyển các bộ phim bom tấn như thế nào? bằng những hiểu biết và trải nghiệm của bản thân trong hơn 30 năm làm giám đốc điều hành Screen Engine, hãng chuyên nghiên cứu chiếu thử nhiều bộ phim trên toàn thế giới.
Theo Goetz, từ những năm 1920, các diễn viên hài tên tuổi của thời đại phim câm, như Charlie Chaplin, Harold Lloyd, Buster Keaton… đã rất biết cách tận dụng phản ứng từ phía khán giả để đánh giá khả năng thành công của các tình tiết mang tính hài hước mà họ tạo ra. Khi đó, khoa học thống kê vẫn chưa phát triển, thế nhưng bằng sự nhạy bén, Lloyd đã ghi chép thời điểm cũng như cường độ tiếng cười từ phía khán giả để tự điều chỉnh tác phẩm của mình trước khi ra mắt. Điều này cũng được thực hiện bởi Charlie Chaplin, khi ông thỏa thuận riêng với các chủ rạp để chiếu những cảnh phim mới để nắm bắt phản hồi từ khán giả và điều chỉnh tác phẩm của mình.
Theo dòng thời gian, phương pháp này dần phát triển và có những biến thể riêng. Ở thời kỳ đầu, các đoạn chiếu thử sẽ được trình chiếu ở sau bộ phim nào đó mà khán giả mua vé, coi như “phần thưởng tặng kèm” không được báo trước. Cùng sự lớn mạnh của giới báo chí những năm sau này, các hãng phim dần dần quảng bá quy trình chiếu thử nhưng không công bố quá chi tiết, từ đó đảm bảo được sự trung dung, bởi nếu khán giả biết trước mình sẽ được xem phim gì thì các thiên kiến của họ có thể ảnh hưởng đến việc khảo sát. Cũng vì lấy mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên mà việc chiếu thử chưa khoanh vùng được đối tượng tiềm năng. Chẳng hạn, một phim dành cho trẻ em nhưng do không được thông tin trước, nên nếu đa phần khán giả tham gia buổi chiếu thử là người trưởng thành thì kết quả sẽ có rất nhiều sai số.
Khi Internet bùng nổ và các thiết bị hỗ trợ nhiều hơn, việc chọn phổ khán giả, địa điểm thu thập số liệu… ngày càng hoàn thiện. Máy móc và các kết nối mang tính tự động giúp cho việc đánh giá, tổng hợp thông tin về các phản ứng từ phía khán giả nhanh chóng hơn. Vấn đề lựa chọn địa điểm chiếu thử phim cũng được quan tâm sát sao. Chẳng hạn, Goetz kể về việc chiếu thử phim
Titanic ở một địa đểm vô cùng cách xa trung tâm giải trí Los Angeles. Địa điểm nói trên được lựa chọn vì nó có nhiệt độ lên đến 43 độ C vào giữa tháng Tám, khiến cho tác phẩm có bối cảnh mùa đông cùng nước biển lạnh sẽ hỗ trợ tốt cho việc thúc đẩy cảm xúc.
Goetz chứng minh rằng đôi khi những thay đổi nhỏ như chỉ cần thay đổi một đoạn nhạc nền, quay lại một cảnh cho súc tích hơn, hoặc đưa tình tiết có sự hài hước vào chỗ kém gây cười… thì các tác phẩm sẽ “cứu” được một bàn thua trông thấy. Thông qua kinh nghiệm, Goetz khẳng định: “Đừng đánh giá một bộ phim trước khi khán giả xem nó” (tr.19), bởi vì với ông, tác phẩm một khi được biên tập xong thì đã rời xa khỏi tầm kiểm soát của người đạo diễn và trở thành “tài sản” của khán giả. Vậy thì ai phù hợp hơn khán giả trong việc đánh giá các tác phẩm điện ảnh một cách nhanh nhất, đúng nhất và chính xác nhất?
Có thể khẳng định một cách chắc nịch rằng danh mục điện ảnh Mỹ sẽ khác xa và kém bóng bẩy nếu không có việc nghiên cứu chiếu thử. Chẳng hạn như phim
Hàm cá mập (
Jaws) vào năm 1975 do đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg, lúc này vẫn chưa thành danh, đảm nhận, sẽ không đạt được mức độ kinh dị như sau này nếu không có buổi chiếu thử. Hay ví dụ khác là
Titanic của James Cameron. Tuy không chỉnh sửa quá nhiều chi tiết, nhưng nó đã được cắt bớt vài cảnh dài dòng so với bản gốc, để rồi trở thành một trong những tác phẩm hay nhất mọi thời đại…
Hai ví dụ trên chỉ là điển hình cho hằng hà sa số những ví dụ khác về cách mà một bộ phim có thể tự mình thay đổi số phận dựa trên dữ liệu và các phân tích. Bên cạnh đó, Goetz còn mang đến nhiều kết luận được đúc kết sau hàng thập kỷ dấn bước vào lĩnh vực chiếu thử phim, như cái kết có thể ảnh hưởng đến tâm lý khán giả ra sao, motif nhân vật thế nào thì được yêu thích… Ông cho biết những phim có kết thúc dễ đoán hay tuyến nhân vật quá tuyến tính thì dễ gặp phải bất lợi, dẫu cho câu chuyện được truyền tải khá thú vị. Điều này đã từng gặp phải ở phim
Fatal Attraction (tựa Việt:
Sự cám dỗ chết người), khi ở lần chiếu thử đầu tiên, kịch bản người vợ tự sát vì bị chồng phản bội đã nhận về thất bại ê chề. Nhưng ở lần hai khi người phụ nữ vùng lên và chống trả thì những con số khả quan bắt đầu xuất hiện trên phiếu khảo sát.
Ngoài ra, ông cũng cho biết một trong những nghịch lý lớn nhất của việc làm phim, là những tác phẩm nhằm đến tất cả đối tượng thường thì chẳng dành cho ai, trong khi một phim hợp gu với số ít đối tượng thì thỉnh thoảng có thể hợp nhãn tất cả mọi người. Ví dụ như
Devil Wears Prada (tựa Việt:
Yêu nữ thích hàng hiệu) với diễn xuất của các minh tinh Meryl Streep, Anne Hathaway và Emily Blunt. Những tưởng sẽ chỉ phù hợp cho khán giả nữ yêu thích thời trang và chuyện công sở, thế nhưng với những chủ đề mang tính phổ quát như nói về hoài bão, áp lực công việc…, nó thu hút cả khán giả nam.
Không chỉ lôi cuốn bởi chuyện “bếp núc hậu trường” thú vị, trong một cuốn sách nặng tính chuyên môn, Goetz níu chân người đọc bằng sự hài hước riêng có của mình. Ngoài ra, ông cũng mang đến rất nhiều chuyện nghề, chuyện đời. Từ việc điều phối, chọn khán giả, tổ chức… cho đến “nghệ thuật khơi gợi” ý kiến khán giả và truyền đạt nó đến ekip sản xuất mà không làm họ tổn thương. Theo Goetz, ngành chiếu thử phim mang tính nghệ thuật hơn là khoa học. Nó như hành động giữ thăng bằng trên một sợi dây, làm sao để không ảnh hưởng đến tính khách quan mà vẫn giữ được không khí dĩ hòa vi quý, nhất là khi một tác phẩm có kết quả từ buổi chiếu thử không mấy khả quan.
Tuy vậy thì
Khán giả học vẫn có một điểm yếu lớn, đó là nó thiếu tính phản biện. Như đạo diễn Lý An từng cho rằng “Picasso có bao giờ cho khán giả xem thử tranh của ông ấy đâu” (tr.226), thì không phải ai trong giới điện ảnh cũng coi công tác chiếu thử là điều cần thiết. Việc Goetz cho rằng hạn mức đầu tư của tác phẩm hội họa là rất nhỏ nhoi so với phim ảnh, từ đó so sánh quy mô, kinh phí cũng như công sức giữa một bức tranh và một bộ phim tuy là hợp lý, nhưng chưa hẳn có độ thuyết phục cao, bởi đặc trưng của mỗi ngành nghề rất khác nhau. Ông cũng rất ít đề cập đến các hạn chế đảo ngược của sự khảo sát, chẳng hạn ý kiến của mẫu khảo sát có thể phản ánh không đầy đủ về toàn thể người xem, từ đó khiến một tác phẩm có thể thất bại oan uổng.
Dù dữ liệu không thể dự đoán hoàn toàn chính xác thành công hay thất bại của một bộ phim, nhưng sau rốt, nghiên cứu chiếu thử vẫn là một trong những công cụ hiệu quả để tác phẩm ra mắt với một diện mạo tốt nhất có thể. Qua
Khán giả học, một trong những bí ẩn lớn nhất về quá trình thử nghiệm, biên tập và chỉnh sửa một tác phẩm điện ảnh đã được khám phá tỉ mỉ. Và có thể nói, cuốn sách của Kevin Goetz hấp dẫn không chỉ đối với người yêu điện ảnh, mà còn cả những người muốn biết nhiều hơn về hậu trường Hollywood.