Những truyện cổ tích có nhân vật chính là công chúa đang đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như chúng thường gắn liền với cái nhìn gia trưởng và yếu tố phân biệt giàu nghèo. Nhưng các nghệ sĩ, phụ huynh và giáo viên có thể cùng nhau đảo ngược tình thế này.

Đó là kết luận của một nghiên cứu liên ngành được công bố trên Tập san Giáo dục Nghệ thuật Canada năm 2019 bởi nhóm tác giả ba người, đứng đầu là Courtney Lee Weida, nhà điêu khắc kiêm giáo sư nghệ thuật giảng dạy tại ĐH Adelphi (Mỹ).

Sau khi tham khảo nhiều nghiên cứu, thực hành nghệ thuật và giảng dạy liên quan đến chủ đề này trong hai thập niên trở lại đây, nhóm tác giả đã đề xuất một phương thức giáo dục cởi mở hơn trong nhà trường và gia đình, để giúp trẻ em tự tìm hiểu và xây dựng hình tượng công chúa phù hợp với bản thân, thay vì thụ động tiêu thụ những hình tượng mà các tập đoàn như Disney đang cung cấp.

Những motif mang nặng cái nhìn bất bình đẳng


Trong những truyện cổ tích châu Âu được biết đến trên toàn thế giới hiện nay, những câu truyện có nhân vật chính là công chúa chiếm một tỉ lệ áp đảo. Là sản phẩm của văn học dân gian tiền hiện đại ở châu Âu, những câu truyện này thường gắn liền với cái nhìn gia trưởng của xã hội đã thai nghén chúng.

“Danh mục và phân loại các loại truyện dân gian” của Stith Thompson (in lần thứ hai vào năm 1961) – một trong những tác phẩm đặt nền tảng cho trường phái Phần Lan trong ngành dân gian học (vốn tập trung nghiên cứu các motif tạo thành văn bản truyện, thay vì nghiên cứu bối cảnh xã hội làm nảy sinh truyện như trường phái Mỹ) – đã chỉ ra rằng nhân vật công chúa hầu như gắn liền với vai trò nạn nhân thụ động, được cứu bởi một hoàng tử hoặc anh hùng mà cô sẽ kết hôn.

Khi soạn chương liệt kê các truyện dân gian gây cười (với đa số nhân vật chính là thường dân thay vì quý tộc), Thompson cũng tách riêng các motif truyện về nữ giới – vốn thường xoay quanh tình dục, sinh nở hoặc kết hôn – với các motif truyện về nam giới – vốn thường xoay quanh năng lực trí tuệ của nhân vật. Những motif quen thuộc này mang nặng cái nhìn bất bình đẳng giới khi xem người nữ như một đồ vật thụ động, một tài sản để trao đổi giữa các gia đình được đứng đầu bởi người nam.[1]

Ngay cả trong cốt truyện nhân văn mà Andersen xây dựng, việc nàng tiên cá phải đánh đổi giọng nói và khả năng bơi lội để lấy một mối quan hệ yêu đương cũng giống như một ẩn dụ rằng khi lập gia đình, phụ nữ sẽ mất đi tự do và tiếng nói.[2]

Các sản phẩm giải trí được xây dựng dựa trên hình tượng công chúa trong cổ tích, bao gồm các phim hoạt hình và đồ chơi của Disney, đã thêm vào bức tranh này những cái nhìn gia trưởng thời hiện đại.

Tạo hình của hầu hết các công chúa Disney gắn với vòng eo nhỏ và cơ thể mảnh mai, đối nghịch với bờ vai rộng của nhân vật nam – một cặp đối lập ấn định rằng nữ giới sẽ bị hạn chế về sức mạnh thể chất và khả năng vận động so với nam giới.

abc
Tạo hình của hầu hết các công chúa Disney gắn với vòng eo nhỏ và cơ thể mảnh mai. Nguồn: CC

Những nỗ lực chuyển đổi của các hãng phim cũng gặp phải phản ứng bất lợi từ thị trường: khi hãng DreamWorks chủ động lật đổ các khuôn mẫu công chúa và anh hùng “kiểu Disney” bằng loạt phim Shrek, số đồ chơi mô phỏng công chúa Fiona eo thon, da trắng bán chạy gấp nhiều lần số đồ chơi mô phỏng công chúa Fiona ở hình hài yêu tinh. Vì truyện cổ tích định hình cái nhìn của trẻ em về xã hội và bản thân, hình tượng công chúa trong văn hóa đại chúng đang góp phần lan truyền thực trạng bất bình đẳng giới qua các thế hệ.[2]

Giải pháp giáo dục nghệ thuật mới

Dù vậy, trong lúc nhiều đồng nghiệp tập trung phê phán những hạn chế của hình tượng công chúa cổ tích, GS Weida và các cộng sự lại đề xuất một cái nhìn rộng mở hơn.

Là một nhà nữ quyền được khích lệ bởi loạt phim hoạt hình về công chúa chiến binh She-ra trong thời thơ ấu, và một nhà điêu khắc lấy cảm hứng từ các công chúa và phù thủy trong truyện cổ tích thiếu nhi, Weida hiểu rằng một hình tượng đầy quyền lực trong văn hóa đại chúng phương Tây có thể trở thành công cụ để trao quyền cho nữ giới. Những công chúa duyên dáng nhưng mạnh mẽ và độc lập có thể trở thành biểu tượng kháng lại ý thức nhị nguyên giới, qua đó giới thiệu một nhãn quan tiến bộ hơn cho trẻ em cả nữ lẫn nam. Thêm nữa, kêu gọi chống lại một hình tượng đã ăn sâu vào tâm thức số đông, với kho tàng truyện kể từng giúp chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về đời sống của mình, có thể cũng giống như một nỗ lực xóa bỏ ký ức tập thể.[2]

Sau khi khảo sát nhiều thực hành nghệ thuật và giáo dục có sử dụng hình tượng công chúa cổ tích, GS Weida và các cộng sự đã đề xuất một gói giải pháp linh hoạt, nhằm kế thừa và thay đổi hình tượng này cho phù hợp với nhu cầu giáo dục hiện nay. Thay vì đưa ra một phương pháp giảng dạy hoặc chương trình học cố định, như các mô hình giáo dục lỗi thời hơn thường làm, nhóm nghiên cứu đã thiết kế một mô hình có sự tham gia của các nghệ sĩ, phụ huynh, giáo viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và trẻ em, để các bên liên quan giúp nhau xây dựng những hình tượng công chúa đa dạng về cả văn hóa lẫn thẩm mỹ.

Trước tiên, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng trẻ em hiện nay thường tiếp nhận truyện cổ tích thông qua các phương tiện nghe nhìn – như phim hoạt hình, truyện tranh, sách tranh và trò chơi điện tử – thay vì qua văn học truyền miệng hoặc văn học viết như trước thế kỷ 20. Trong bối cảnh này, tranh minh họa hoặc hoạt họa sẽ chi phối hình dung của trẻ em về các công chúa và thế giới cổ tích.

Để giúp phụ huynh và giáo viên thoát khỏi vòng kiềm tỏa của những vòng eo kiểu Disney, vốn đang chiếm lĩnh TV và rạp chiếu, Weida đã giới thiệu một danh sách các nghệ sĩ minh họa có lối vẽ đa dạng, sáng tạo hoặc trung tính hơn. Số này bao gồm họa sĩ Linnea Johansson, tác giả của bộ sách tranh tô màu giới thiệu những cái nhìn mới về hình tượng anh hùng và công chúa. Một trang của bộ sách mô tả Bạch Tuyết bế con gái mình, và khuyến khích bé theo đuổi nhiều thân phận khác ngoài Công chúa – từ việc trở thành Nữ hoàng, Hoàng tử, Phù thủy, cho đến trở thành bảy chú lùn tượng trưng cho các trạng thái tâm trí khác nhau như Tức Giận, Hạnh Phúc, Buồn Ngủ, Giáo Sư... Những trang khác mô tả một Người Nhện về hưu đang ngồi xe lăn trông con, một Siêu Nhân biết khóc khi buồn, hoặc một Người Dơi tự tay làm bánh.

Trích quyển tranh tô màu của họa sĩ Linnea Johansson: “Bạch Tuyết nhỏ biết mình có nhiều lựa chọn khác ngoài làm công chúa”. Nguồn: i.pinimg.com
Trích quyển tranh tô màu của họa sĩ Linnea Johansson: “Bạch Tuyết nhỏ biết mình có nhiều lựa chọn khác ngoài làm công chúa”. Nguồn: i.pinimg.com
Để cung cấp một ví dụ về tính đa dạng của thẩm mỹ công chúa, Weida cũng xây dựng một thư mục trên Pinterest, trong đó giới thiệu các hình minh họa “Công chúa ngủ trong rừng” đến từ nhiều châu lục, nền văn hóa và phong cách nghệ thuật khác nhau. Người truy cập kho hình có thể thưởng thức vẻ đẹp của những phiên bản công chúa châu Á hoặc châu Phi, cũng như những lối vẽ không cường điệu số đo ba vòng của người nữ.

Trong một giải pháp khác, để hóa giải tư thế thụ động của trẻ em khi tiếp nhận hình tượng công chúa, nhóm nghiên cứu đề xuất để các em tự chọn và xây dựng một công chúa phù hợp với bản thân. Chẳng hạn, khi hướng dẫn các em thảo luận về “Công chúa ngủ trong rừng”, giáo viên và phụ huynh có thể cho các em tham khảo cùng lúc nhiều văn hóa phẩm – từ bộ phim hoạt hình năm 1959 của Disney cho đến vở ballet của Tchaikovsky, và cả những truyện cổ tương tự trong các nền văn hóa khác. Cuộc thảo luận cũng nên khám phá bối cảnh lịch sử của câu truyện mà các phiên bản hiện đại đã bỏ lỡ: trước cách mạng công nghiệp, khung cửi từng là một công nghệ mang lại sức mạnh kinh tế và biểu tượng quyền lực của nữ giới; vì vậy khi công chúa rơi vào giấc ngủ vì bị con thoi đâm trúng trong lúc dệt vải, ta có thể diễn giải rằng sức mạnh của công chúa cũng đi kèm lời nguyền dành cho cô. Lối học này giúp các em hình thành khả năng tư duy độc lập với mọi dị bản của câu truyện, đồng thời hiểu rằng các “bài học” mà truyện cổ tích đưa ra cần được hiểu trong bối cảnh hẹp của lịch sử và văn hóa. Sau đó, phụ huynh và giáo viên có thể khuyến khích các em vẽ một công chúa phù hợp với hình ảnh của bản thân. Hoạt động này sẽ biến hình tượng công chúa thành một phương tiện để trao quyền cho các bản sắc đa dạng khác nhau, thay vì thành nguồn cơn của sự kỳ thị các bản sắc “lệch chuẩn”.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng hình tượng công chúa cổ tích vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề mà họ chưa thể tìm thấy giải pháp. Nổi bật trong số đó là yếu tố phân biệt giàu nghèo, xuất phát từ thực tế rằng motif công chúa - hoàng tử luôn đặt các gia đình hoàng gia hoặc quyền thế vào vị trí trung tâm. Nan đề này dường như sẽ được giải quyết nếu người ta mở rộng nội hàm của từ “công chúa” – như cách làm của trang web Rejected Princesses (Những Công chúa không được công nhận) – một nguồn tham khảo khác mà nhóm nghiên cứu đưa ra. Khi vinh danh những phụ nữ vĩ đại không ăn khớp với hình tượng công chúa trên truyền thông dòng chính, từ nữ anh hùng Jeanne d’Arc cho đến điệp viên kháng phát-xít Noor Inayat Khan, các truyện tranh trên Rejected Princesses đã phá bỏ khuôn mẫu giới của các cổ tích công chúa - anh hùng, bằng cách tận dụng chính những câu chuyện có thật trong lịch sử.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.academia.edu/74439866/Antti_Aarne_Stith_Thompson_The_Types_of_the_Folktale_A_Classification_and_Bibliography_1961_
[2] https://www.researchgate.net/publication/339939126_Poetics_of_the_Fairy_Tale_Princess_Products_Problems_Possibilities