Liệu y tế phương Tây do Pháp du nhập vào miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 là biểu hiện cho đạo đức ngành y, giá trị nhân văn hay chỉ là một trong những biện pháp phục vụ quá trình xâm chiếm và cai trị thuộc địa? Câu hỏi này được trả lời qua cuốn sách "Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873-1945)" của TS. Bùi Thị Hà.
Cuốn sách vốn bắt nguồn từ luận án Tiến sĩ Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ từ năm 1873 đến năm 1945, được tác giả bảo vệ xuất sắc năm 2019 và được trao Giải nhất Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2020.
GS.TS. Đỗ Quang Hưng - người hướng dẫn thực hiện luận án cho TS. Bùi Thị Hà - chia sẻ: “Tôi cũng không thể không nhớ lại những gì Bùi Thị Hà đã dày công đọc, dịch tiếng Pháp, chắt chiu tư liệu và lặn lội thực tiễn nhiều nơi để thực hiện đề tài này. Cách nghiên cứu tiếp cận ấy của một tác giả trẻ rất đáng cổ vũ và khuyến khích, nhất là trong điều kiện hiện nay cả một thế giới phẳng có thể hiện diện trước mỗi người với chiếc máy tính hiện đại; việc đi lại khảo sát thực địa, đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay những dấu tích của lịch sử, thực sự vẫn rất cần thiết cho người nghiên cứu”.
Trong nghiên cứu của mình, TS. Bùi Thị Hà chia quá trình du nhập y tế phương Tây vào miền Bắc Việt Nam thành bốn thời kỳ. Giai đoạn đầu từ khi thực dân Pháp có mặt ở An Nam đến cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1873-1902). Giai đoạn thứ hai từ năm 1902 đến cuối thế chiến thứ I (1902 – 1918). Giai đoạn thứ ba trùng với công cuộc khai thác thuộc địa lần II (1919-1930). Giai đoạn cuối từ năm 1930 – 1945. Ở mỗi mốc thời gian, ta sẽ thấy được những chiều hướng của Pháp trong sự thay đổi chiến lược y tế. Không chỉ bàn đến các hoạt động của Pháp, tác giả còn cho thấy những sự thay đổi bên trong đất nước, nơi vốn có nền y học cổ truyền tương đối phát triển, cùng những con người nhanh nhạy học hỏi những điều mới lạ.
Theo tác giả, ở giai đoạn đầu (1873-1902), Pháp đã du nhập y học tiên tiến vào nước ta bởi sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, thực phẩm... khiến binh lính Pháp không thể duy trì sức khỏe. Bên cạnh đó, thương vong do chiến trận và bản chất cuộc chiến là phòng thủ để các đế quốc như Anh, Đức, Nhật không thể nhòm ngó Đông Dương… đòi hỏi phải có hệ thống hậu cần và quân y tương xứng về lâu dài. Vì vậy hoạt động y tế ở thời bấy giờ chủ yếu phục vụ cho hành động xâm lược, bình định quân sự ở Bắc Kỳ cũng như hướng tới chăm sóc sức khỏe cho binh lính và những người ngoại quốc khi đến sinh sống ở thuộc địa, chứ không phải cho người dân bản xứ.
Điều này có thể nhận thấy ở những loại hình y tế quân sự mà Pháp du nhập vào Việt Nam. Ngoài những trạm cứu thương, bệnh xá quân sự, bệnh viện quân sự… thì thời kỳ này còn có hai loại hình khác tương đối độc đáo là trạm cứu thương di động và tàu - bệnh viện (navire-hôpital, vừa là tàu chiến vừa để sơ cứu, sơ tán thương bệnh binh). Đặc tính linh động của những loại hình này là để phục vụ cho các mục đích có tính tình thế, đáp ứng kịp thời việc sơ cứu và vận chuyển thương bệnh binh về tuyến sau. Do đó y tế ở giai đoạn đầu là môn khoa học bổ trợ cho quá trình thực dân hóa.
Tuy vậy cũng có một số cơ sở, tổ chức tập trung chữa trị, tiêm ngừa cho dân thường… Theo TS. Bùi Thị Hà, đây chủ yếu là hoạt động y tế từ thiện của các dòng nữ tu Công giáo Việt Nam nhưng sâu xa vẫn là một hình thức vừa mang tính tôn giáo, vừa mang màu sắc chính trị, khi gắn chặt và chịu sự chi phối từ tình hình chính trị tại chính quốc cũng như thuộc địa, từ quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước thực dân... Vì vậy dù mang bản tính tình thế hay linh động, thì ở giai đoạn đầu, y tế phương Tây chủ phục vụ cho mục đích xâm chiếm, cai trị và dành cho người nước ngoài.
Ở giai đoạn hai (1902 – 1918), sau khi căn bản hoàn tất quá trình bình định quân sự, hướng tới cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, cơ cấu của hệ thống y tế lúc này có sự thay đổi. Một trong số đó là việc giảm bớt những cơ sở di động, mang tính cấp bách. Các cơ sở giờ đây được xây dựng một cách có hệ thống và cố định hơn. Tuy vậy nó chỉ chủ yếu nằm ở các đô thị và thành phố lớn, nơi tập trung nhiều người nước ngoài. Ở thời điểm này, người Pháp bắt đầu “hợp tác với người bản xứ” bằng một dấu mốc mang tính quyết định là thành lập Trường Y khoa Đông Dương, nhằm đào tạo nghề y cho người bản xứ. Tuy vậy vai trò, nhiệm vụ cũng như những gì mà người An Nam được đào tạo rất hạn chế, khi những vị trí quan trọng hay chủ chốt vẫn do người nước ngoài nắm quyền. Chẳng hạn, dù có khả năng phẫu thuật và chẩn đoán, các bác sĩ, y tá người bản xứ vẫn không được quyền thăm khám cho bệnh nhân nước ngoài. Họ chỉ có thể phụ giúp nhân viên Pháp, thực hiện các can thiệp y khoa dưới sự có mặt của họ, và chỉ được tự mình thực hiện trong các trường hợp riêng biệt, bất khả kháng hay khẩn cấp mà không có mặt nhân viên người nước ngoài, nhưng khi ấy cũng phải được sự cho phép từ phía quản lý…
Theo TS. Bùi Thị Hà, sở dĩ có việc hợp tác nói trên là bởi số lượng nhân viên y tế người Âu có hạn, việc trả lương và phụ cấp cho họ khá cao (chiếm phần không nhỏ trong ngân sách chi trả). Trong khi đó chi phí cho nhân lực bản xứ tại chỗ rẻ hơn nhiều, họ lại thông hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán sở tại. Xa hơn, qua đó, có thể cải thiện sức khỏe cho người dân sở tại, vốn là nguồn nhân công dồi dào, góp phần phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa đang được triển khai. Dành cho dân bản xứ sự quan tâm nhất định về y tế cũng là cách để nhà cầm quyền Đông Dương tranh thủ sự ủng hộ tại thuộc địa và làm dịu sự phản kháng luôn sôi sục trong người dân.
Ở giai đoạn ba (1919-1930), do những tổn thất trong Thế chiến thứ I, thực dân Pháp càng khai thác, bóc lột nhiều hơn, từ đó mà các chính sách về y tế cũng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, nhằm đảm bảo nhân lực bản xứ cho mục tiêu lớn này. Đầu tư cho lĩnh vực y tế đã tăng nhiều hơn so với giai đoạn trước; cùng lúc, các Thống sứ và Toàn quyền cũng nhấn mạnh việc phổ cập y tế đến vùng nông thôn, làng mạc – nơi có nguồn nhân công dồi dào. Ngoài ra, Trường Y khoa Đông Dương được nâng lên hệ cao đẳng, với hai hệ thống đào tạo bác sĩ và y sĩ, và những người sở tại đã có thể có được kiến thức ngang hàng với người nước ngoài, nhưng thực tế thì sự phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc vẫn còn len lỏi. Điều này được tác giả dẫn chứng như tại những buổi họp chuyên môn, trong khi các bác sĩ người Pháp trao đổi với nhau thì người Việt chỉ có thể đứng. Bác sĩ người Pháp còn yêu cầu một số nữ bác sĩ bản xứ phải mặc váy cho giống người Pháp bởi họ cho rằng có vậy nữ bác sĩ người Việt mới có thể có được sự kính trọng và bình đẳng với người Pháp. Bên cạnh đó là những chênh lệch rất lớn về tiền lương, phụ cấp chức vụ hoặc phúc lợi xã hội giữa các bác sĩ Pháp - Việt…
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 khiến chính phủ thuộc địa phải thắt lưng buộc bụng mà giai đoạn 1930 – 1945 ghi dấu sự vươn mình vượt trội của yếu tố bản địa trong các hoạt động y tế. Không còn phụ giúp cho người nước ngoài, các cá nhân đã được đào tạo giờ đây được tự do mở các cơ sở y tế tư nhân như phòng khám, bệnh viện, cửa hàng dược… thu hút nguồn vốn tư nhân vào y tế. Điều này cho thấy sự trưởng thành trong chuyên môn, uy tín nghề nghiệp và uy tín xã hội của các bác sĩ, y tá, bà đỡ… người Việt. Nhờ đó, nhiều người sống ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ có thể tiếp cận nhiều loại hình khám chữa bệnh, với những dịch vụ và khả năng chi trả khác nhau.
Như vậy có thể thấy tuy du nhập y tế phương Tây vào miền Bắc Việt Nam với mục đích ban đầu là phục vụ cho việc bình định quân sự và quá trình xâm lược, thế nhưng trong diễn biến đó, người dân An Nam đã từng bước học hỏi, tiếp thu và tự tạo cho mình một tương lai riêng. Theo đó, người Việt đã chứng tỏ được lòng yêu nước của mình ở lĩnh vực này, khi bên cạnh Tây y, thì Đông y luôn được dùng kèm theo như một biện pháp hiệu quả. Chính một người như bác sĩ Hocquard - tác giả của tập du khảo
Một chiến dịch ở Bắc Kỳ - cũng thường xuyên học hỏi người bản xứ về các loại thuốc. TS. Bùi Thị Hà còn chỉ ra, tuy có nhiều nữ hộ sinh được đào tạo theo kiểu phương Tây, nhưng qua bốn giai đoạn, số lượng này ngày càng giảm, bởi người Việt vẫn chọn tin tưởng vào các bà mụ hơn là những người xa lạ với vật tư y tế hiện đại,… Đây có thể xem là một phương thức “phản kháng mềm” khác của phụ nữ Việt Nam.
Bài đăng số 1287 (số 15/2024) KH&PT