Cuốn sách của hai nhà xã hội học Armand và Michèle Mattelart cung cấp bức tranh toàn cảnh về hoạt động nghiên cứu truyền thông từ thế kỷ 19 đến nay, đồng thời đưa ra những nhận xét thú vị về các ảo tưởng thường gặp trong lĩnh vực này - nơi liên tục chứng kiến những sự khái quát hóa vội vàng do bị thôi thúc bởi chính trị hoặc thương mại.
Sinh năm 1936 và 1941, cặp vợ chồng Armand và Michèle Mattelart có những trải nghiệm tiêu biểu cho thế hệ trí thức cánh tả Pháp từng dấn thân trong thập niên 1960. Trong suốt một thập kỷ nghiên cứu và tham gia các phong trào chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tiêu thụ ở thế giới thứ ba, cùng nhiều năm nghiên cứu chuyên môn ở quê nhà, họ đã không ngừng quan sát mối quan hệ phức tạp giữa truyền thông đại chúng và các chuyển động chính trị - xã hội từng định hình nửa sau thế kỷ 20, cũng như những nỗ lực của giới học thuật để lý giải và kiểm soát hiện tượng đó. “Lịch sử các lý thuyết truyền thông”, được in lần đầu vào năm 1995 tại Pháp, đã có sức nặng nhờ phối hợp giữa những kinh nghiệm ấy và kiến thức chuyên môn.
Trong bảy chương sách, các tác giả đã tóm gọn bảy lát cắt của lịch sử nghiên cứu truyền thông từ thế kỷ 19 đến nay, đồng thời đưa ra những nhận xét thú vị về các ảo tưởng thường gặp trong lĩnh vực này - nơi liên tục chứng kiến những sự khái quát hóa vội vàng do bị thôi thúc bởi chính trị hoặc thương mại.
Chương 1, “Cơ thể xã hội”, khám phá những chuyển động tư tưởng song hành với cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18-19, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đòi hỏi phải đẩy nhanh vòng lưu chuyển giữa các hàng hóa hữu hình và vô hình, bao gồm hàng hóa thông tin. Trưởng thành song song với chủ nghĩa tư bản, triết học Khai sáng gán cho sự lưu chuyển và trao đổi hàng hóa tự do một quyền năng như đấng sáng tạo. Chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa nhân văn, vốn xem con người như thước đo của vạn vật, các nhà tư tưởng của giai đoạn này như Francois Quesnay, Charles Babbage, Claude Henry de Saint-Simon… bắt đầu hình dung xã hội như một cơ thể thống nhất, nơi các cơ quan có phân công lao động rõ ràng được nối liền bởi các dây thần kinh và mạch máu – tức một mạng lưới truyền thông.
Kế thừa phép ẩn dụ này từ người cộng sự cũ của mình là Saint-Simon, August Comte tưởng tượng rằng xã hội sẽ phát triển đi lên qua ba thời kỳ: thần học, siêu hình học, và khoa học, cũng như cái cách mà một con người phát triển qua tuổi thơ ấu, tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành đầy đủ.
Những luồng tư tưởng chịu ảnh hưởng bởi Comte đã kết hợp với chủ nghĩa Darwin để sinh ra chủ nghĩa Darwin xã hội, vốn xem các dân tộc da màu như những “tộc người sơ khai”, “tộc người trẻ thơ”, và xem người da trắng phương Tây tộc người duy nhất đạt đến sự “trưởng thành” và “văn minh”.
Cũng trong giai đoạn này, ý tưởng xem con người như những đồ vật / tài nguyên được lưu chuyển khuyến khích nhiều nhà nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật xác suất thống kê để quản trị các đám đông (chẳng hạn: xác định “xu hướng tội phạm” dựa trên giới tính, độ tuổi, phong thổ, điều kiện xã hội…), tạo tiền lệ cho các nghiên cứu định lượng sau đó.
Khi ý tưởng về “cơ thể xã hội” được du nhập vào Tân Thế giới, nó đã kết hợp với chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricism) và chủ nghĩa hành dụng (pragmatism) đang hiện diện phổ biến ở lục địa này để tạo ra những trào lưu mới khởi đầu từ thập niên 1910, được mô tả ở Chương 2. Trong lúc các triết gia lục địa nhìn xã hội như một cơ thể sinh học thống nhất luôn vận hành theo những nguyên tắc bất biến mang tính trừu tượng, các nhà nghiên cứu của trường phái Chicago như Robert Erza Park và Ernest Burgess đã nhận thấy một sự căng thẳng thường trực, mang cả tính tương hỗ lẫn tính chống kháng nhau, giữa các cá nhân lao động nghèo ở thành thị với vòng lưu chuyển truyền thông của báo chí và hàng hóa. Sử dụng phương pháp dân tộc chí và chịu ảnh hưởng từ lý thuyết sinh thái học, họ khởi xướng các nghiên cứu “sinh thái học nhân văn”, xem xã hội như một hệ sinh thái nơi các cá nhân độc lập và khác biệt vừa cạnh tranh, vừa cộng sinh với nhau, trong một mạng lưới phức tạp được điều chỉnh bởi thượng tầng văn hóa chung.
Khoảng hai thập kỷ sau cột mốc đó, từ thập niên 1930, nước Mỹ bỗng dồn sự chú ý cho những nghiên cứu về truyền thông đại chúng của Harold D. Lasswell và Paul F. Lazarsfeld, do chứng kiến tầm quan trọng của tuyên truyền trong Thế chiến I. Áp dụng phương pháp thống kê định lượng, làm việc theo đơn đặt hàng của chính phủ và các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái này tập trung xây dựng các công thức tuyên truyền hiệu quả và nhằm quản lý truyền thông, biến truyền thông thành một phương tiện để duy trì cấu trúc xã hội Mỹ đương thời, khác với tham vọng cải tổ xã hội mà trường phái Chicago từng theo đuổi.
Năm 1948, kỹ sư Mỹ Claude Elwood Shannon chủ trương nghiên cứu truyền thông bằng toán học, từ đó mở ra những chuyển động được mô tả trong Chương 3 của cuốn sách, mang tựa đề “Lý thuyết thông tin”.
Để hiểu các hiện tượng truyền thông vô hình và trừu tượng, Shannon đã phóng chiếu kinh nghiệm làm việc của mình trong lĩnh vực mật mã suốt Thế chiến II thành một sơ đồ tuyến tính máy móc – trong đó quá trình truyền thông được hợp thành từ năm bộ phận: người gửi thông điệp, thiết bị mã hóa, kênh truyền tin, thiết bị giải mã, và người nhận thông điệp. Sơ đồ của Shannon đã song hành với một di sản khác của Thế chiến II là “lý thuyết hệ thống” (systems theory) mà nhà sinh học Ludwig von Bertalanffy phát triển dần từ năm 1933. Lý thuyết này mang nhãn quan chức năng luận, khi nhìn các thành phần trong xã hội như các cơ quan phụ thuộc vào bộ máy xã hội tổng thể, vì vậy chỉ có ý nghĩa nếu thực hiện chức năng để duy trì bộ máy này.
Hai lý thuyết vừa nêu đã được ngành khoa học chính trị áp dụng để nghiên cứu truyền thông đại chúng, nhằm tạo ra những guồng máy tổ chức có chi phí truyền tin rẻ nhất và tỉ lệ đầu ra trên đầu vào lớn nhất, nhằm đạt hiệu suất tối ưu trong việc sản xuất, kiểm soát chính trị toàn cầu, hay đàn áp các cuộc nổi dậy ở châu Mỹ Latin và Đông Nam Á.
Những diễn biến trên đã xảy ra song song với việc xây dựng lý thuyết điều khiển học của Norbert Wiener, người cổ vũ sự tự do lưu chuyển thông tin trong xã hội, nhằm giúp xã hội duy trì “cân bằng nội môi”. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự ra đời thầm lặng nhưng quan trọng của trường phái Palo Alto, vốn nhìn truyền thông như những tương giao qua lại liên tục giữa người với người trong một không gian “liên cá nhân”, thay vì như sự liên lạc giữa các chức năng của một guồng máy chính trị hay kinh tế.
Suốt ba thập kỷ sau Thế chiến II, sự thống trị ngày càng nghẹt thở của chủ nghĩa tư bản và văn hóa thương mại ở phương Tây đã dẫn đến sự nở rộ của các nghiên cứu truyền thông có khát vọng mang đến thay đổi. Chương 4, “Công nghiệp văn hóa, ý thức hệ và quyền lực”, khởi đầu bằng việc nhìn lại Lý thuyết Phê phán mà Max Horkheimer, Theodor Adorno, Walter Benjamin và Herbert Marcuse đại diện. Kết hợp chủ nghĩa Marx và phân tâm học của Freud để xây dựng một phương pháp phê bình xã hội học tâm lý, họ cảnh báo những nguy cơ từ nền công nghiệp văn hóa đương thời, nơi văn chương, phim ảnh, âm nhạc… trở thành thứ hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ hàng loạt như thức ăn gia súc thay vì những sáng tạo cá nhân. Giờ đây, văn hóa phẩm không còn truyền tải kinh nghiệm xác thực của con người, cũng không còn dung chứa thông điệp phê phán hệ thống để mang lại thay đổi; chúng chỉ lôi kéo cá nhân hội nhập vào vòng quay sản xuất / tiêu thụ không ngừng – thứ không mang lại cho họ ý nghĩa và sự thỏa mãn, vì vậy sẽ giữ chân họ tiêu thụ tiếp.
Cùng mối quan tâm, nhưng áp dụng phương pháp ký hiệu học, các nhà cấu trúc luận như Roland Barthes khám phá cách thức mà những hình ảnh đang trôi nổi trong nền văn hóa tiêu thụ – như gương mặt của một ngôi sao hay một chiếc xe hơi mới – đang ẩn chứa và tái sản xuất trật tự xã hội đương thời.
Song hành với hai khuynh hướng vừa nêu là trường phái Nghiên cứu Văn hóa phát triển ở Anh, với những đại diện tiêu biểu như Stuart Hall và Richard Hoggart. Kết hợp lý thuyết Marxist của Antonio Gramsci với nhiều phương pháp khác như ký hiệu học và dân tộc chí, họ khám phá cách các phương tiện truyền thông đại chúng đe dọa các sinh hoạt văn hóa đa dạng của tầng lớp bình dân trong các thư viện địa phương, cửa hàng góc đường, quán rượu của người lao động… – những gì từng cho phép người lao động tự xây dựng ý nghĩa trong đời sống của mình, thay vì hoàn toàn lệ thuộc vào nền văn hóa tiêu dùng.
Trong ba chương cuối, cuốn sách tiếp tục khám phá sự chi phối của truyền thông khi công nghệ thông tin ngày càng trở thành xương sống của tổ chức xã hội và trật tự thế giới. Trong đó, chương "Kết luận" tóm tắt bức tranh tưởng chừng mâu thuẫn sau Chiến tranh Lạnh: một mặt, các khái niệm như “quyền thông tin”, “sự tham gia”, “đa dạng văn hóa”… đã trở thành một phần quen thuộc trong nghị trình chính trị toàn cầu; mặt khác, do giới trí thức mất dần khả năng tưởng tượng về những mô hình thay thế, như từng được đại diện bởi đối trọng là Liên Xô, nghiên cứu truyền thông ngày càng mất đi năng lực phê phán xã hội tư bản, để dần trở thành một công cụ quản lý của các doanh nghiệp và nhà nước.
Hai tác giả kết thúc cuốn sách bằng một nhận định ấn tượng: “Kỷ nguyên của cái gọi là xã hội thông tin cũng là kỷ nguyên của sự sản xuất ra các trạng thái tinh thần”. Do vậy, “phải tư duy khác đi về tự do”: “tự do không thể chỉ là quyền thực thi ý chí của mình”, mà “còn bao hàm cả quyền làm chủ tiến trình hình thành cái ý chí đó.”
Đăng số 1297 (số 25/2024) KH&PT