Qua "Đừng như con ếch lên dây cót", tác giả Nguyễn-Kim Mai Thi đã làm rõ “mẫu số chung nhỏ nhất” cho các cuộc tranh luận khoa học trong xã hội, từ đó giúp người đọc không bị biến thành nạn nhân của tin giả hay các thuyết âm mưu xuyên tạc khoa học.

Nguyễn-Kim Mai Thi là Tiến sĩ Hóa học người Đức gốc Việt. Cô đồng thời là ký giả chuyên về khoa học, đưa lĩnh vực này đến gần hơn với khán giả đại chúng qua việc điều hành các chương trình khoa học trên nhiều kênh truyền hình Đức cũng như sản xuất kênh Youtube maiLab với hàng triệu lượt đăng ký theo dõi.

Đừng như con ếch lên dây cót là tác phẩm thứ hai của cô, và đã bán được 165.000 bản ở thị trường Đức. Cô luôn tâm niệm: “Khai sáng bây giờ là một mục tiêu quan trọng. Sự thật khoa học cần được truyền đạt một cách dễ hiểu và gắn liền với sự thấu cảm, để thông tin cho con người một cách thích đáng trong một thời đại bất ổn và khủng hoảng lớn” (tr.11). Vì vậy trong các tác phẩm của mình, tác giả luôn tiếp cận các vấn đề xã hội một cách hài hước, gần gũi và lý giải chúng qua các quan điểm khoa học.

Giải thích về tựa đề tác phẩm, Mai Thi kể rằng hồi bé, cô có một con ếch nhỏ bằng thiếc mà người ta có thể làm cho nó nhảy về phía trước bằng cách lên dây cót. Khi trục dây cót bị kẹt thì chỉ cần một cú chạm nhẹ, con ếch sẽ nhảy vọt lên. Do đó một trong những trò chơi khăm của cô là lén vặn dây cót hết cỡ rồi nhờ người khác lên dây cót giùm, khi ấy con ếch sẽ nhảy vào họ một cách bất ngờ. Đối với Mai Thi, cô có cảm giác con người hiện đại đang bị vây quanh bởi những “con ếch được lên dây cót” như thế. Đó là môi trường Internet với những thông tin “thượng vàng hạ cám” không thể phân biệt, sẵn sàng tấn công ồ ạt những người ngồi sau màn hình.

“Die kleinste gemeinsame Wirklichkeit” được xuất bản lần đầu vào năm 2022. Trong ảnh: Bản tiếng Việt ra mắt vào tháng 4/2024. Ảnh: ĐTA
“Die kleinste gemeinsame Wirklichkeit” được xuất bản lần đầu vào năm 2022. Trong ảnh: Bản tiếng Việt ra mắt vào tháng 4/2024. Ảnh: ĐTA

Ở mỗi chương trong số chín chương sách, Mai Thi đưa ra một vấn đề mà nhiều xã hội quan tâm - từ việc đánh giá các chất gây nghiện, mối quan hệ giữa trò chơi điện tử và xu hướng bạo lực cực đoan... cho đến sự bất bình đẳng nam - nữ, tình thế lưỡng nan về mặt đạo đức của việc thử nghiệm trên động vật cho mục đích khoa học hay sự phân biệt chủng tộc...

Mở đầu từng chương, tác giả đặt ra những câu hỏi gài mà độc giả dễ dàng đưa ra phản hồi, nhưng là dựa trên định kiến cá nhân hoặc quan hệ nhân quả được đơn giản hóa. Sau đó, bằng việc diễn giải, phân tích, Mai Thi đưa người đọc vào trong “tâm bão” của những bất đồng khi tranh luận khoa học, từ đó nhận diện những tồn nghi trong các nghiên cứu khoa học.

Chẳng hạn, ở chương đầu tiên, để khẳng định bảng xếp hạng rất nổi tiếng về các chất gây nghiện nguy hiểm nhất của nhà dược-tâm thần học người Anh David J. Nutt là chủ quan, Mai Thi đặt ra câu hỏi gài: “Có nên để mức độ tác hại của chất gây nghiện quyết định tính hợp pháp của nó hay không?” Câu trả lời dựa trên quan hệ nhân quả đơn giản khả năng cao sẽ là “có”. Thí dụ, giữa heroine và nicotine thì heroin là chất cấm, do đó dễ bị đánh giá là nguy hiểm hơn. Nhưng Mai Thi lưu ý chúng ta rằng, câu trả lời đó chưa xét đến một thực tế là nicotine rất dễ gây say, và nó không chỉ ảnh hưởng đến người dùng mà còn cả những người xung quanh (trong trường hợp thuốc lá). Ở khía cạnh này, heroin trở nên “nhẹ ký” hơn nicotine vì nó chỉ gây tác động lên bản thân người dùng. Vì vậy chỉ tính hợp pháp là không đủ để đánh giá chất nào nguy hiểm hơn.

Mai Thi chỉ ra, rất khó có câu trả lời toàn diện về vấn đề này. Nutt, như cô lý giải, dẫu đã xem xét các đối tượng thuốc lá, rượu, LSD, heroin, nấm thức thần... dựa trên 16 tiêu chí gây tác hại về mặt thể chất, tâm lý và xã hội, nhưng những tiêu chí ông dựa vào đều khá chủ quan. Thêm vào đó, trong khi các yếu tố như độc dược, số ca nhập viện, số ca tử vong... có thể đo đếm được, thì các tiêu chí như mức tổn hại do rối loạn tâm thần hay sự đổ vỡ các mối quan hệ tình cảm... lại khó mà đánh giá một cách chính xác.

Câu hỏi đâu là thước đo để xếp hạng mức độ nguy hiểm của các chất gây nghiện, theo Mai Thi, trong các năm qua vẫn là “tâm bão” gây tranh cãi. Tính đến nay, người ta vẫn chấp nhận công trình của Nutt, dù cho nó còn thiếu sót, vì chưa tìm ra giải pháp thay thế tốt hơn. Vì vậy sẽ là không tưởng khi cho rằng có thể thiết lập một bảng đánh giá khoa học, khách quan, và khả tín mà không có những nhược điểm về mặt phương pháp.

Mai Thi cũng cảnh báo, nếu những nhược điểm về mặt phương pháp không được chú ý, và khoa học được chấp nhận như sự thật mà không cần suy xét kỹ lưỡng, thì hệ lụy càng trở nên đáng lo hơn khi khoa học được lấy làm cơ sở để ra những quyết định về mặt chính sách.

Đồng thời, Mai Thi chỉ ra rằng những cuộc tranh luận về các hạn chế nói trên của giới khoa học thường rất khác biệt, so với những tranh cãi trên các phương tiện truyền thông xã hội của những người không có tư duy/nền tảng khoa học. Theo cô, đó là do giới khoa học luôn đạt được một đồng thuận chung. Họ không trao đổi với nhau về quan điểm riêng, mà về phương pháp cũng như dữ liệu. Và nếu những người ngồi sau máy tính - mà đa số họ vốn không phải nhà khoa học - hiểu điều ấy, thì tin giả và tranh luận ngụy khoa học sẽ không có đất tồn tại trong tương lai. Đối với cô, cơ sở của lý lẽ là “mẫu số chung nhỏ nhất” cho các tranh luận. “Chỉ khi nào chúng ta cùng đứng trên nền tảng của một thực tế chung để tranh luận thì cuộc tranh luận mới hiệu quả, và chúng ta không cần phải giống như những con ếch đã được lên dây cót, chỉ chực phóng thẳng vào mặt nhau,” cô viết (tr.20).

Một điều nữa được tác giả nhấn mạnh, khoa học tự bản thân nó không thuộc dạng tĩnh, mà các kết luận sẽ luôn thay đổi khi các hoàn cảnh của dữ kiện thay đổi. Nói cách khác, khoa học cũng rất bất toàn, không “trước sau như một”, và không phải là “chân lý” - nhưng đồng thuận khoa học là cách tốt nhất để chúng ta tiến gần đến chân lý.