Có thể chúng ta tặc lưỡi cho qua việc để chiếc xe máy vẫn nổ xình xịch mỗi khi dừng chờ đèn đỏ hoặc bị tắc đường, trong khi thực tế hành động đó ngốn cả tỷ đồng mỗi ngày, chỉ tính riêng ở Hà Nội.
Tốn nhiên liệu và gây ô nhiễm không khí
Tình trạng các phương tiện dừng xe không tắt động cơ diễn ra phổ biến tại các ngã tư đường phố ở Hà Nội, ngay cả khi thời gian chờ đèn tín hiệu hơn 60 giây. Nét “đặc trưng”này của giao thông Hà Nội trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Hằng ngày, chị Hạnh và con nhỏ đi từ Hà Đông, qua tuyến đường Nguyễn Trãi luôn có ít nhất ba điểm ùn tắc cục bộ để đến trường học của cháu và sau đó tới chỗ làm trên quận Hoàn Kiếm. Chị cho biết, có những hôm phải dừng chờ hai nhịp đèn đỏ mới tới lượt nhưng nhiều phương tiện vẫn nổ máy, khiến hơi nóng và mùi xăng phả ra ngột ngạt. Chặng đường chỉ khoảng 8 km nhưng hai mẹ con chị lúc nào cũng cảm thấy “căng như dây đàn”.
Ngay cả khi đến cổng trường, tình hình cũng không khá hơn khi các vị phụ huynh khác đỗ xe ngổn ngang và không tắt máy trong lúc dặn dò con cái. “Nhiều hôm nhìn thấy các con kẹt giữa dòng phương tiện mà thấy tội. Bởi vậy mấy năm trước, mình đã đổi sang một chiếc xe có chế độ tự ngắt mỗi khi chờ quá 3 giây và gần đây thì đổi luôn sang xe máy điện”, chị Hạnh thổ lộ.
Theo ước tính, “chế độ dừng xe không tắt máy - hay còn gọi là chế độ động cơ chạy không tải (idle mode) - chiếm khoảng 20% tổng thời gian di chuyển trong một ngày của người dân ở Hà Nội [1], gây ra nhiều tổn thất nhiên liệu và ô nhiễm không khí. Ở các vùng nông thôn, hầu như không có xe chạy chế độ không tải như vậy”, Ths. Nguyễn Đức Khánh, Viện Cơ khí động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã phát triển 5 mô hình phát thải và tiêu thụ nhiên liệu trong quá trình chạy không tải trên một vài mẫu xe máy cơ bản ở Hà Nội trong điều kiện có kiểm soát tại phòng thí nghiệm. Kết quả, lượng CO, CO2, HC và NOx phát thải trung bình của một xe máy lần lượt là 60,9; 534,3; 10,3 và 1,8 g/h. Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình khi xe hoạt động ở chế độ không tải vào khoảng 180 g/h.
Dù đồng ý với nhau là không gian đi lại thực tế luôn có “lối thoát” cho các chất ô nhiễm khuếch tán nhưng với mật độ giao thông dày đặc và tình trạng dừng xe không tắt máy phổ biến vào giờ cao điểm, người dân không thể tránh khỏi những rủi ro dài hạn khi hít phải chất ô nhiễm từ khói thải xe máy.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kết quả của mình để ước tính tổng phát thải và tiêu thụ nhiên liệu cho gần 4 triệu xe máy đang lưu hành ở Hà Nội năm 2018. Tính toán theo một kịch bản giao thông phù hợp với Hà Nội cho thấy, trung bình thành phố tiêu hao khoảng 19,3 ngàn tấn nhiên liệu do xe máy chạy không tải.
Tổng lượng phát thải CO, CO2, HC và NOx của toàn bộ xe máy tại Hà Nội khi nổ máy nhưng không di chuyển ước tính lần lượt khoảng 6,5 ; 57,1; 1,1 và 0,2 nghìn tấn, đóng góp từ 1 - 3% tổng lượng phát thải từ giao thông xe máy tại Hà Nội.
Theo tính toán của KH&PT, nếu quy đổi 19.3 ngàn tấn nhiên liệu hao phí do xe máy chạy không tải theo giá xăng dầu, mỗi ngày thành phố sẽ mất đi khoảng 1 – 1,2 tỷ đồng, chưa kể những chi phí tác động môi trường, sức khỏe khác.
Bảo dưỡng xe định kỳ để hạn chế khí thải
Ở châu Á, trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí, từ năm 2011 Hồng Kông đã ban hành Sắc lệnh cấm xe cơ giới chạy không tải quá ba phút trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ bất kì. Mức phạt vi phạm cố định lên tới 320 đô-la Hồng Kông.
Còn tại Việt Nam, từ năm 2014, chương trình Giờ Trái đất đã thực hiện chiến dịch “20 giây cho Giờ trái đất xanh” nhằm khuyến khích xe cộ ở những ngã tư đường tắt máy khi dừng đèn đỏ quá 20 giây.
Đây là cách làm dựa theo kết quả một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội: nếu tắt máy ít nhất 15 giây sẽ giúp giảm lượng CO đi 2,3 lần, lượng HC đi 2,5 lần và lượng CO2 đi 4 lần so với khi để chế độ chạy không tải. Các chiến dịch tương tự tiếp tục được triển trong những năm tiếp theo, đặc biệt ở TPHCM.
Tuy hành động này chưa thực sự lan tỏa trong xã hội nhưng các nhà sản xuất xe máy đã hết sức nhanh nhạy nắm bắt xu hướng. Vài năm trở lại, họ bắt đầu tung ra một số dòng xe có chế độ Idling stop để tự động ngắt máy tạm thời sau ba giây không sử dụng, kết hợp với việc áp dụng các công nghệ mới như công nghệ phun xăng điện tử, công nghệ xử lý khí thải AIS, công nghệ chế hòa khí và công nghệ kiểm soát khí bình xăng EVAPO để giảm tiêu thụ nhiên liệu và khí thải ra môi trường.
Tuy nhiên, tắt xe máy khi không di chuyển không phải là cách duy nhất để giảm khí thải. Một cách khác mà chúng ta có thể làm là thường xuyên kiểm tra khí thải xe máy, định kỳ 6-12 tháng một lần.
Từng tham gia vào một dự án lớn của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhằm khảo sát hơn 400 mẫu xe máy các loại ở Hà Nội năm 2018 [3], Ths. Nguyễn Đức Khánh cho rằng, về mặt kỹ thuật, việc đo phát thải của xe máy có thể thực hiện nhanh chóng, thuận tiện chỉ trong vòng 5-10 phút bằng phương pháp đo không tải.
Sau khi đo đạc, xe được bảo dưỡng khí thải (thay lọc gió, dầu bôi trơn và bugi) và tiến hành đo lại mức phát thải. Kết quả đối chiếu cho thấy, tất cả các mẫu xe dù có tuổi đời khác nhau đều giảm được nồng độ phát thải CO và HC trung bình từ 40 - 45% so với trước khi bảo dưỡng. “Việc bảo dưỡng theo định kỳ có thể khiến chất lượng khí thải của xe máy được cải thiện đáng kể”, anh cho biết.
Đây cũng là cách một số nhà vận động chính sách và nhà quản lý bắt đầu nghĩ đến: từ năm 2020-2021, ba đô thị lớn có mật độ giao thông cao là TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội đã thí điểm hoặc đang có kế hoạch thí điểm chương trình kiểm tra khí thải xe máy - tiền đề dẫn tới việc kiểm soát khí thải xe máy trên diện rộng và từng bước tiến tới những biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân khác như hạn chế lưu thông theo giờ, cấm xe, thiết lập vùng phát thải thấp hoặc thu phí ô nhiễm không khí.
Mặc dù Việt Nam mới ban hành tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về giới hạn cho phép của các chất gây ô nhiễm cho khí thải của phương tiện giao thông đường bộ (
TCVN 6438:2018) nhưng các tiêu chuẩn của xe máy vẫn được giữ nguyên như một thập kỷ trước đó.
Tiêu chuẩn này vẫn chưa phát huy tác dụng với xe máy bởi các nội dung gắn quy định về kiểm định khí thải xe máy với việc kiểm soát khí thải xe máy chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành.
Ở Hà Nội hiện nay, hơn một nửa xe máy có tuổi đời trên 10 năm, theo báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải năm 2019. Khi không được bảo dưỡng, bảo trì theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì chúng sẽ gia tăng mức phát thải chất độc hại.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tong, H.Y., Tung, H.D., Hung, W.T. and Nguyen, H.V. (2011) “Development of Driving Cycles for Motorcycles and Light-Duty Vehicles in Vietnam”. Atmospheric Environment, 45, 5191-5199. http://dx.doi.org/10.1016/j.atmosenv.2011.06.023
[2] Yen-Lien T. Nguyen, Anh-Tuan Le, Khanh Nguyen Duc , Vinh Nguyen Duy & Cong Doan Nguyen “ A study on emission and fuel consumption of motorcycles in idle mode and the impacts on air quality in Hanoi, Vietnam ", International Journal of Urban Sciences, ISSN 12265934, SSCI Q1, Published online 7 Jan 2021, DOI: 10.1080/12265934.2020.1871059
[3] Báo cáo tổng kết “Nghiên cứu thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí” của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) công bố tháng 01/2019