Khi bệnh nhân nam và nữ biểu hiện mức độ đau như nhau, người quan sát thường cho rằng cơn đau của bệnh nhân nữ ít dữ dội hơn và có thể giải quyết bằng liệu pháp tâm lý, thay vì dùng thuốc như đối với cơn đau của nam giới; và thiên kiến này có thể dẫn đến sự khác biệt trong các phương pháp điều trị.

Đó là kết luận từ nghiên cứu "Thành kiến ​​về giới trong việc ước tính mức độ đau của người khác" được xuất bản gần đây trên Journal of Pain.


Nghiên cứu bao gồm hai thí nghiệm. Trong thí nghiệm thứ nhất, 50 người tham gia được yêu cầu xem các video khác nhau quay các bệnh nhân nam và nữ bị đau vai thực hiện các bài tập vai với bên vai bị thương. (Các video này lấy từ một cơ sở dữ liệu gồm video của các bệnh nhân bị chấn thương vai, và bao gồm cả mức độ đau do bệnh nhân tự báo cáo khi cử động vai.)

Theo Elizabeth Losin - nhà nghiên cứu tâm lý học, giám đốc phòng thí nghiệm Social and Cultural Neuroscience tại Đại học Miami, một trong hai đồng tác giả của nghiên cứu - nhờ sử dụng video thực tế của bệnh nhân, nghiên cứu sẽ có tính ứng dụng hơn so với các nghiên cứu trước đây sử dụng các video được diễn bởi diễn viên.

Ngoài ra, "một trong những lợi thế của việc sử dụng video bệnh nhân thực tế là chúng tôi có mức độ đau do bệnh nhân tự đánh giá", Losin nói, mức độ này đóng vai trò như mốc cơ bản để so sánh với các ước tính về mức độ đau mà 50 người xem video trong thử nghiệm đưa ra.

Thêm vào đó, biểu hiện trên khuôn mặt của bệnh nhân cũng được phân tích thông qua Hệ thống mã hóa hành động trên khuôn mặt (FACS) - một hệ thống dựa trên giải phẫu để mô tả tất cả các chuyển động trên khuôn mặt có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng giá trị FACS để đưa ra một số điểm khách quan về cường độ biểu hiện cảm giác đau của bệnh nhân - đây là mốc cơ bản thứ hai để các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ thiên vị của người tham gia thử nghiệm.

Losin giải thích, việc đối chiếu ước tính của người quan sát với hai mốc cơ bản cho phép các nhà nghiên cứu đo lường sự thiên vị nếu người tham gia thử nghiệm đưa ra các ước tính khác nhau cho các bệnh nhân có mức độ đau tự báo cáo và cả điểm FACS tương đương nhau.

Ước tính cơn đau

50 người tham gia nghiên cứu được yêu cầu ước tính mức độ đau đớn mà họ cho rằng bệnh nhân trong video đã trải qua, trên thang điểm từ 0 (hoàn toàn không đau) đến 100 (cơn đau tồi tệ nhất có thể).

Trong thử nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu mở rộng ra 200 người tham gia. Ngoài ra, ở lần này, sau khi xem video, người tham gia được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi về những định kiến ​​giới về độ nhạy cảm với cơn đau, khả năng chịu đựng cơn đau, và mức độ sẵn sàng nói về cơn đau của nam và nữ.

Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh ước tính mức độ đau mà những người tham gia thử nghiệm đưa ra với mức độ đau do bệnh nhân trong video tự báo cáo và điểm FACS.

Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân nữ thường được cho là ít bị đau hơn bệnh nhân nam, dù trên thực tế họ có cùng mức độ đau tự báo cáo và điểm FACS.

Ngoài ra, thiên kiến trong ước tính mức độ đau có thể được giải thích một phần bởi những định kiến ​​giới.

Nếu định kiến ​​cho rằng phụ nữ biểu cảm nhiều hơn nam giới, thì sẽ xuất hiện xu hướng coi nhẹ các biểu cảm đau của phụ nữ - Losin nói. "Mặt khác của định kiến ​​này là đàn ông được coi là khắc kỷ, vì vậy khi một người đàn ông biểu hiện ra vẻ mặt đau đớn dữ dội, bạn sẽ nghĩ, 'Ôi trời, anh ta chắc sắp chết rồi!'"

Hệ quả là, mỗi đơn vị biểu hiện cơn đau của người đàn ông được cho là tương ứng với mức độ đau nhiều hơn so mỗi đơn vị biểu hiện đau tương tự của phụ nữ - Losin giải thích.

Nghiên cứu cũng kết luận rằng giới tính của người tham gia không ảnh hưởng đến độ chính xác của ước tính. Cả người tham gia thử nghiệm là nam và nữ đều coi biểu hiện đau của phụ nữ trong các video thể hiện cơn đau ít dữ dội hơn.

Losin cho biết, ý tưởng nghiên cứu này bắt nguồn từ các nghiên cứu trước đây chỉ ra phụ nữ thường được kê thuốc điều trị ít hơn so với nam giới và phải chờ đợi lâu hơn để được điều trị.

Ngay cả những người đã qua đào tạo về y tế cũng được phát hiện có thành kiến trong cách họ đánh giá cơn đau của bệnh nhân nam và nữ, ảnh hưởng đến các quyết định điều trị - Losin nói. "Kết quả của chúng tôi chứng minh rằng những thành kiến ​​về giới này chưa chắc đã chính xác, phụ nữ không nhất thiết phải biểu hiện nhiều hơn nam giới, và do đó, biểu hiện đau đớn của họ không nên bị coi nhẹ".

Nguồn: