Câu hỏi về khả năng rủi ro về sức khỏe khi đi đường của những người đi xe máy ở Hà Nội không chỉ giúp nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Ngọc Quang (ĐH Xây dựng) có được nghiên cứu thiết thực về một vấn đề sinh động của đời sống hiện nay mà còn có thể cung cấp dữ liệu cho các nhà quản lý để giảm thiểu những rủi do đó.

Thiếu nghiên cứu về carbon đen

Người đi xe máy có nguy cơ phơi nhiễm carbon đen cao hơn nhiều lần so với người đi xe bus và ô tô.

Mặc dù một số nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong những năm gần đây đã cung cấp một góc nhìn rõ nét hơn về thành phần bụi mịn ở Hà Nội như gồm các hợp chất kim loại, các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs),... song còn khá ít nghiên cứu riêng về carbon đen (black carbon), hay còn gọi là muội than - sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, sinh khối và là một thành phần phổ biến trong bụi mịn,... phát sinh từ nhiều nguồn, bao gồm từ các động cơ đốt trong, các nhà máy nhiệt điện, các hoạt động đun nấu,... ở các đô thị như Hà Nội thì nguồn chủ yếu là muội khói xe cơ giới, PGS.TS. Trần Ngọc Quang, một nhà nghiên cứu về kiểm soát chất lượng không khí ở trường ĐH Xây dựng cho biết, carbon đen còn được xếp thứ hai trong thang khí thải gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.

Đã từ lâu PGS.TS Trần Ngọc Quang rất muốn thực hiện các nghiên cứu sâu về carbon đen, nhưng chưa thực hiện được vì thiếu các thiết bị đo chuyên dụng.

Cơ hội để nhóm nghiên cứu biến ý tưởng này trở thành hiện thực đã đến vào năm 2018, khi quỹ NAFOSTED tài trợ đề tài “Nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm bụi carbon đen ở Hà Nội và nguy cơ phơi nhiễm của người dân” (2019-2021) do anh làm chủ nhiệm. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu đã có được những dữ liệu đầu tiên về thực trạng phơi nhiễm carbon đen đối với người tham gia giao thông ở Hà Nội thông qua một công bố quốc tế trên tạp chí Atmospheric Environment - tạp chí Q1 trong danh mục ISI.

Người đi xe máy bị phơi nhiễm carbon đen nhiều nhất

Ba nhóm đối tượng khảo sát trong đề tài này là người đi xe máy, người đi xe bus và người đi xe ô tô cá nhân (hoặc taxi).

“Việc đánh giá mức độ phơi nhiễm với carbon đen trong quá trình sử dụng các phương tiện trên là rất quan trọng góp phần đánh giá được tác động của khí thải tới sức khỏe người dân Hà Nội”, nhóm nghiên cứu lý giải về lựa chọn này.

Do chủng loại và mật độ phương tiện giao thông – những yếu tố tác động rất lớn đến nồng độ bụi nói chung và carbon đen nói riêng ở Hà Nội thay đổi liên tục trong ngày và các ngày trong tuần, nên nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị microAeth AE51 để đo liên tục và đồng thời nồng độ bụi carbon đen trên phương tiện và môi trường giao thông xung quanh, sau đó đưa số liệu vào các mô hình thống kê để phân tích và đánh giá các kết quả thu được.

Khó khăn lớn nhất khi thực hiện nghiên cứu này là vấn đề trang thiết bị, bởi giá thành của mỗi thiết bị quan trắc không hề rẻ. Tuy nhiên, nhờ mối quan hệ hợp tác với phòng thí nghiệm ILAQH (International Laboratory for Air Quality and Health) ở Úc, “chúng tôi đã mượn thiết bị của họ và mời TS. Phong Thái, GS. Lidia Morawska ở ĐH Queensland (Úc) - người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này cùng tham gia nghiên cứu”, anh cho biết.

Với thiết bị gài trên người, nhóm nghiên cứu đã rong ruổi trên các nẻo đường ở Hà Nội bằng xe bus và xe máy. Để so sánh sự thay đổi nồng độ carbon đen, nhóm đã lựa chọn một số tuyến đường tiêu biểu kéo dài từ trung tâm ra ngoại thành. “Thiết bị đo để trong balo, có ống thở để lấy mẫu bụi nối dài lên cổ người đeo, ở ngang tầm mũi. Khi đo trên xe máy thì một người lái xe máy, một người cầm balo ngồi sau”, PGS.TS Trần Ngọc Quang giải thích. Khảo sát này cũng được lặp lại trên ô tô con với hai kịch bản là tắt điều hòa mở cửa sổ và ngược lại.

Để đảm bảo kết quả quan trắc có giá trị, những người tham gia không những phải ghi lại “nhật ký hành trình” hết sức tỉ mỉ mà còn phải biết cách hiệu chuẩn thiết bị trước khi đo hoặc thay tấm lọc (filter strip) đúng kỹ thuật. “Tất cả những yếu tố về thời gian, mật độ xe trên đường,... phải được ghi lại chi tiết thì mới lý giải được kết quả sau này”, theo PGS.TS Trần Ngọc Quang.

Sau khi xử lý dữ liệu và phân tích bằng phần mềm thống kê chuyên dụng, kết quả về phơi nhiễm nồng độ carbon đen của người tham gia giao thông ở Hà Nội không nằm ngoài dự đoán của nhóm nghiên cứu: nhóm di chuyển bằng xe máy có nguy cơ phơi nhiễm carbon đen cao nhất trong số các đối tượng khảo sát. Cụ thể, người đi xe máy ở Hà Nội đang phải chịu nồng độ carbon đen cao gấp ba lần so với người đi ô tô và xe bus (nồng độ carbon đen trung bình khi di chuyển bằng xe máy là 29,4 μg/m3, trong khi đó, xe bus và ô tô là 10,1 và 11,7 μg/m3).

“Cũng không có gì bất ngờ với kết quả này bởi người đi xe máy phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường không khí bên ngoài, có nồng độ nền cao, kết hợp với phát thải trực tiếp từ các phương tiện đi trước khiến nguy cơ phơi nhiễm với carbon đen của người đi xe máy lại càng cao. Trong khi xe ô tô con hoặc xe bus thường đóng kín cửa và bật điều hòa không khí nên nồng độ carbon đen thấp hơn cũng là dễ hiểu”, PGS.TS Trần Ngọc Quang nhận xét.

Để làm rõ hơn nguy cơ phơi nhiễm, nhóm nghiên cứu đã tính toán lượng carbon đen mà người tham gia giao thông có thể hít thở phải dựa trên số liệu đã quan trắc. Kết quả cho thấy người đi xe máy vẫn đứng đầu với hàm lượng 17,6 μg/h, cao gấp 2-4 lần so với những người đi ô tô hoặc xe bus (trong điều kiện đóng kín cửa xe).

Giải quyết những bài toán lớn hơn

Những kết quả mà nhóm nghiên cứu thu được không khỏi khiến nhiều người đi xe máy lo lắng: nồng độ carbon đen mà những người di chuyển bằng xe máy phải đối mặt hầu hết đều vượt ngưỡng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo về bụi mịn. Trong khi ô nhiễm bủa vây tứ phía, liệu những người đi xe máy có thể làm gì để “tự cứu mình”? “Một khuyến nghị phổ biến là chúng ta nên chuyển sang phương tiện giao thông công cộng, vừa chuyển sang môi trường ô nhiễm carbon đen thấp hơn, vừa giảm ùn tắc”, PGS.TS Trần Ngọc Quang đề xuất.

Tuy nhiên, việc giải quyết những bài toán gắn liền với vấn đề sinh kế như xe máy chưa bao giờ dễ dàng. Bản thân các quốc gia có điều kiện tương tự như Việt Nam - mật độ giao thông lớn, phương tiện chủ yếu là xe máy, cũng đang đau đầu về vấn đề này. Nhiều ý kiến đề xuất cần phải có biện pháp “quyết liệt hơn” như cấm hẳn xe máy, nhưng “với nhiều người lao động xe máy vừa là phương tiện đi lại, vừa là cần câu cơm của người ta, bây giờ cấm thì rất khó”, anh nhận xét, “mình phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để quản lý sao cho phù hợp”.
Với nhóm nghiên cứu, thành công lớn nhất của đề tài là đã mang lại một mảnh ghép trong bức tranh về những nguy cơ phơi nhiễm mà người đi xe máy phải đối mặt, qua đó giúp mọi người có ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân.

Những kết quả trên cũng là nền tảng để nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện nghiên cứu sâu hơn về carbon đen nói riêng cũng như các chất ô nhiễm trong không khí nói chung. “Sắp tới chúng tôi muốn phối hợp với nhiều bên khác nữa, cụ thể như y tế cộng đồng để tiếp tục đánh giá phơi nhiễm và các tác động bệnh tật khác”, PGS.TS Trần Ngọc Quang cho hay.