"Du học tại chỗ" là một lựa chọn phù hợp cho những bạn trẻ khao khát trải nghiệm môi trường học tập quốc tế nhưng lại không có điều kiện tài chính. Bên cạnh đó, lựa chọn này cũng đang ngày càng được nhiều người cân nhắc trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và các nước tiếp tục hạn chế đi lại.
Tiềm năng du học tại chỗ
Theo Bộ GD-ĐT, có khoảng 190.000 sinh viên Việt Nam đang du học ở các bậc khác nhau, trong đó 96,5% là du học tự túc. Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có lượng du học sinh thuộc top 10 tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, có những người cũng khao khát trải nghiệm cuộc sống và học tập ở nước ngoài nhưng lại không có điều kiện tài chính. Với nhóm đối tượng này, có một lựa chọn khả dĩ là các chương trình liên kết quốc tế, tạm gọi là "du học tại chỗ". Các chương trình này những lợi thế khiến chúng trở nên ngày càng thu hút trong mắt sinh viên.
Trước tiên, các chương trình liên kết có mức phí học tập, sinh hoạt và đi lại không đáng kể so với việc ra nước ngoài du học. Theo một số khảo sát, du học tại chỗ ở Việt Nam có thể giúp tiết kiệm 70-90% chi phí so với việc đi các nước đắt đỏ như Mỹ, Anh, Úc hoặc Canada.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, ngày càng có nhiều chương trình học bằng tiếng nước ngoài (Anh, Pháp, Trung…) hoặc song ngữ được thành lập ở hầu hết các trường uy tín trong nước, từ bậc cử nhân đến sau đại học. Các bằng cấp này thường phải đáp ứng yêu cầu thẩm định của cơ quan có thẩm quyền tại nước sở tại, và được Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam công nhận.
Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT)
cho biết 70 trường đại học trong nước hiện đang cung cấp 452 chương trình quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau; trong đó 50 chương trình thuộc các cơ sở nhận đầu tư nước ngoài, 50 chương trình là kết quả của hợp tác giữa chính phủ Việt Nam với các quốc gia khác, và 352 chương trình liên kết do các trường đại học trong nước quản lý.
Thực tế cho thấy phần lớn các trường đại học nước ngoài liên kết đều ở mức trung bình-khá trong bảng xếp hạng tại các quốc gia. Một số ít cơ sở uy tín như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội có thể liên kết với những trường top đầu thế giới.
Ngoài ra, càng nhiều trường đại học Việt Nam có tên trong những bảng xếp hàng quốc tế, cho thấy chất lượng đào tạo của họ tương đương và có khả năng quy đổi sang tín chỉ, bằng cấp của những trường cùng thứ hạng.
Đặc biệt, sinh viên Việt Nam giờ đây không nhất thiết phải ra nước ngoài để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp quốc tế. Việt Nam đã mở cửa tiếp đón hàng triệu lượt người ngoại quốc mỗi năm, trong đó không chỉ có các du khách hay các chuyên gia, mà còn có không ít lao động hợp đồng và sinh viên quốc tế.
Ở một số cơ sở đào tạo có môi trường quốc tế năng động như Khoa quốc tế (VNU-IS), ĐH Ngoại ngữ (ULIS), ĐH Hà Nội (HANU), ĐH FPT hay ĐH RMIT, sinh viên bản địa còn có cơ hội học chung với các sinh viên quốc tế đến Việt Nam lấy bằng toàn thời gian hoặc cũng ‘quá cảnh’ đến một chương trình liên kết đào tạo tiên tiến khác.
Nội dung và hình thức của các chương trình liên kết cũng khá đa dạng: có thể học hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài (Anh, Pháp, Trung…) hoặc song ngữ. Lộ trình học cũng linh động giữa thời gian trong nước và chuyển tiếp nước ngoài. Mô hình 2-2 (tức 2 năm học trong nước, 2 năm sau ra nước ngoài) hoặc 3-1 khá phổ biến ở bậc cử nhân.
Do vậy, sinh viên có thời gian thích nghi với sự thay đổi từ lối sống cấp 3 lên đại học, trau dồi khả năng ngoại ngữ trong những năm đầu tiên và kiến thức cơ bản, để trở nên tự tin trước chương trình học nâng cao của các trường quốc tế. Khoảng thời gian đệm này cũng giúp sinh viên chuẩn bị tinh thần đối mặt với các 'cú sốc văn hóa' nếu vội vã ra nước ngoài.
Cần lưu ý rằng, trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như giáo dục, luật hoặc y khoa, việc đi du học có khi là một bất lợi. Với bằng cấp nước ngoài, sinh viên có thể phải thực hiện các kỳ thi bổ sung trước khi được cho phép làm việc như một chuyên gia ở quê nhà. Đó là chưa kể, các ngành chuyên biệt này thường dựa trên luật pháp, quy định và yêu cầu của quốc gia, nên một số môn học ở nước ngoài không chắc đáp ứng được yêu cầu trong nước.
Lưu ý cho người học "du học tại chỗ"
Mặc dù du học tại chỗ hứa hẹn nhiều ưu điểm dễ thấy, nhưng vẫn còn không ít hoài nghi từ phía người học.
Trên thực tế, một số trường đại học Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo quốc tế nhưng lại cố gắng “bản địa hóa” nhiều nhất có thể về đội ngũ nhân viên, giảng viên có thể dạy bằng tiếng Anh và cơ sở vật chất, do vậy làm
giảm chất lượng chương trình đào tạo liên kết so với chương trình ở trường đối tác quốc tế, thậm chí không đáp ứng được kì vọng như hứa hẹn.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT cho biết đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho
dừng lại gần 200 chương trình liên kết vì hết thời hạn cấp phép, không ra hạn cấp phép, thay đổi chuyên ngành, hoặc không đạt yêu cầu.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã xảy ra một số
vụ việc đình đám liên quan đến các chương trình hết hạn nhưng vẫn tiếp tục tuyển sinh, hoặc sinh viên học chương trình 4 năm mà không biết rằng kết quả được nhận là chứng chỉ (certificate) chứ không phải bằng cấp (degree).
Trong bối cảnh đó,
kiểm định chất lượng của những chương trình liên kết được xem như một trong những công cụ sàng lọc tốt. Trong trường hợp các chương trình học chưa được kiểm định, người học sẽ cần thông thái khi tiếp cận thông tin, bao gồm cả nghiên cứu các tài liệu quốc tế chứ không chỉ đọc tài liệu tự giới thiệu của trường hoặc cơ sở tư vấn. Nên chọn chương trình liên kết với những đối tác có thứ hạng càng cao càng tốt, dựa trên các bảng xếp hạng trường đại học quốc tế hoặc các bảng xếp hạng trường trong từng quốc gia.
Thực tập cũng là một vấn đề cần cân nhắc. Các chương trình liên kết thường rất quan tâm đến thực tập tuy nhiên không phải chương trình nào cũng vậy. Do đó, sinh viên cần làm việc rất rõ với người tư vấn tuyển sinh của mình. Nên nhớ, thời gian thực tập là bàn đạp cho nghề nghiệp sau này và nhiều sinh viên có được cơ hội nghề nghiệp ngay trong chính kỳ thực tập của mình.
Nhìn chung, du học tại chỗ cho sinh viên Việt Nam đang là một xu hướng phát triển, nhất là khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và các nước hạn chế đi lại. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã nhấn mạnh việc các trường trong nước tạo điều kiện du học tại chỗ cho sinh viên và du học sinh từ nước ngoài về.
Đây cũng là cơ hội cho các trường đại học Việt Nam quốc tế hóa. Một vấn đề là, hiện nay, phần lớn các chương trình liên kết chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh tế, quản trị, marketing, du lịch - khách sạn, do đó, việc lựa chọn ngành học của sinh viên cũng bị hạn chế. Bộ GD&ĐT cho rằng, hệ thống giáo dục
bậc cao còn rất nhiều
dư địa để mở thêm các ngành mới như công nghệ thông tin, kỹ thuật, công nghệ sinh học, xã hội, nhân văn... và các chương trình liên kết quốc tế cũng cần được đa dạng hóa theo hướng đó.