Đại dịch Covid-19 đang mở ra cơ hội cho quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước phát triển mạnh mẽ hơn và ngay cả những chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt cũng có khả năng được hưởng lợi từ quá trình này.
Lợi thế trước mắt
Do đại dịch COVID-19, nhiều trong số 21.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại Việt Nam không thể trở về nước để tiếp tục học tập. Tương tự như vậy, trong số khoảng 200 nghìn du học sinh Việt Nam, nhiều người đang mắc kẹt ở trong nước, không thể quay lại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài. Những người nuôi dự định đi du học trước đại dịch cũng phải cân nhắc lại lựa chọn của mình. Bản thân họ và gia đình khá do dự khi phải trả học phí cao cho các khóa học trực tuyến do các trường ở nước ngoài cung cấp. Rốt cuộc, giáo dục quốc tế có vẻ kém hấp dẫn nếu thiếu các tương tác thực tế hằng ngày trong nhà trường và ngoài xã hội.
Trước sự hiện diện bất ngờ của hàng ngàn du học sinh Việt Nam tại quê nhà, ngay lập tức Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong nước (công lập, tư thục, quốc tế) có các giải pháp kịp thời và sáng tạo để thu hút và tiếp nhận số sinh viên này.
Ngày 21/7 tại hội nghị “Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc tạo điều kiện du học tại chỗ cho sinh viên trong nước.
Trong những thập kỷ gần đây, có thể nhận biết quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam qua những nét chính như sau.
Trước hết, số sinh viên ra nước ngoài du học tăng nhanh chóng.
Mặt khác, theo TS Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT), 70 trường đại học trong nước hiện đang cung cấp 452 chương trình quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau; trong đó 50 chương trình thuộc các cơ sở nhận đầu tư nước ngoài, 50 chương trình là kết quả của hợp tác giữa chính phủ Việt Nam với các quốc gia khác, và 352 chương trình liên kết do các trường đại học trong nước quản lý.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam bắt đầu có tên trên các bảng xếp hạng quốc tế. ĐH Bách khoa Hà Nội có những chương trình thuộc vào top 350-500 thế giới về toán, cơ khí, công nghệ thông tin và kỹ thuật điện tử. Các cơ sở khác như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế đều có vị trí trong nhiều bảng xếp hạng quốc tế. Giới quản trị đại học nhận định rằng các tín chỉ, chứng chỉ và bằng cấp của các trường này có chất lượng tương đương với bằng cấp của các trường cùng thứ hạng trên thế giới.
Với nhiều chương trình và khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh, các cơ sở như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH FPT, ĐH Duy Tân và ĐH Hoa Sen đã và đang dẫn đầu quốc tế hóa giáo dục đại học.
Đại dịch mang lại cho họ lợi thế rõ ràng về mặt thu hút sinh viên quốc tế trong tương lai cũng như những sinh viên Việt Nam hiện đang cân nhắc lại các lựa chọn du học. Ít nhất những trường này sẽ có thêm cơ hội để quảng bá chất lượng các chương trình và cải thiện các chiến lược quốc tế hóa khi cơ cấu sinh viên của họ đa dạng hơn.
Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và nước ngoài cũng mang lại cơ hội trao đổi sinh viên. Chẳng hạn, ĐH Ngoại thương (FTU) tham gia vào mạng lưới khoảng 200 trường đại học đối tác trên thế giới. Sinh viên từ các trường đại học đối tác có thể tham gia các khóa học tương đương tại FTU mà không phải trả thêm bất kỳ khoản học phí nào.
Một ví dụ khác là chương trình Study Away của ĐH VinUnvi, dựa trên hợp tác chặt chẽ của trường với ĐH Cornell. Chương trình này mang đến cho hơn 5.000 sinh viên quốc tế của Cornell - những người không thể quay lại trường ở Ithaca, New York - cơ hội trải nghiệm cuộc sống nội trú trong khuôn viên đẳng cấp thế giới của trường đại học mới nhất Việt Nam. Những sinh viên trao đổi sẽ tiếp tục tham gia các khóa học trực tuyến với các giảng viên từ Cornell. Ngoài ra, VinUni sẽ tạo ra một khóa học đặc biệt về Việt Nam để sinh viên quốc tế có thể thâm nhập vào đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội ở địa phương. Trường cũng mở rộng cửa cho những sinh viên Việt Nam đã được các trường có uy tín quốc tế nhận vào học nhưng không thể lên đường.
Tầm nhìn dài hạn
Bộ GD&ĐT gần đây đã rà soát tất cả các chương trình liên kết đào tạo quốc tế và chấm dứt hoạt động của gần 200 chương trình. Tại hội nghị ngày 21/7 nêu trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, việc triển khai các chương trình liên kết phải ưu tiên chất lượng và kiểm định chất lượng với yêu cầu đặt ra tới đây là mở chương trình nào phải tốt chương trình đó. Ông cũng đề nghị các trường đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo của các chương trình liên kết. Hầu hết các chương trình liên kết hiện nay đều thuộc lĩnh vực quản trị và kinh doanh; bởi vậy, theo Bộ trưởng, cần mở thêm các chương trình về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, khoa học xã hội và nhân văn.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu và thảo luận đã được công bố về tình hình giảng dạy bằng tiếng Anh ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua cho thấy sự thiếu nhất quán về chính sách cũng như sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên có chuyên môn và năng lực tiếng Anh cần thiết. Trên thực tế, nhiều trường đại học đang gấp rút tuyển dụng đội ngũ giảng dạy bằng tiếng Anh, vì số lượng sinh viên đăng ký các khóa học và chương trình quốc tế đang tăng lên. Đây là một động thái thiên về đối phó tức thời hơn là một chiến lược dài hạn.
Trước mắt, giáo dục đại học Việt Nam được hưởng lợi thế từ thành công của đất nước trong việc chống dịch và từ thực tế nhiều sinh viên không thể ra nước ngoài du học theo kế hoạch ban đầu. Nhưng về lâu dài, quốc tế hóa giáo dục đại học không chỉ đòi hỏi những chiến lược bài bản, mà quan trọng hơn là tư duy nhìn xa trông rộng.
Sự chú trọng vào các chương trình liên kết quốc tế phản ảnh niềm tin vào lợi ích của sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và nước ngoài, nhưng sự hợp tác này không hoàn toàn vô tư. Các cuộc thảo luận chủ đạo hiện nay về quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam thiếu đi những tranh luận về việc nó phục vụ cái gì và cho những ai.
Lưu ý là, các chương trình và khóa học giảng dạy bằng tiếng Việt cũng có khả năng được hưởng lợi từ quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học trong nước và những biến động của xu hướng du học, nhưng vấn đề này còn rất ít được quan tâm. Các chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt cũng cần được cải tiến và làm mới để cung cấp cho sinh viên và giảng viên cơ hội học tập và giảng dạy ngang bằng với bất kỳ chương trình quốc tế chất lượng cao nào bằng tiếng Anh ở trong nước và các nơi khác. Hà cớ gì các trường đại học trong nước từ chối đem lại cho sinh viên cơ hội phát triển bằng ngôn ngữ mẹ đẻ bên cạnh tiếng Anh (và các ngôn ngữ khác) và từ chối đem lại cho sinh viên quốc tế cơ hội tiếp cận các khóa học và chương trình mang tính sáng tạo của Việt Nam?
Chúng tôi muốn kết thúc bài viết bằng chia sẻ sau đây của một du học sinh Việt Nam hiện đang kẹt lại trong nước: “Em chưa bao giờ tham gia bất kỳ khóa học đại học nào bằng tiếng Việt, vì em đi nước ngoài ngay sau khi học trung học. Bây giờ em chả đi đâu được nên em rất muốn đi học cùng bạn bè em ở đây, xem cảm giác như thế nào khi học bằng tiếng Việt và với thầy cô Việt Nam. Em nghĩ đó sẽ là một trải nghiệm vô cùng quý giá đối với em, và em rất háo hức muốn thử thách chính mình.”
Tác giả: GS.TS Phan Lê Hà (Đại học Brunei Darussalam, và Đại học Hawaii Manoa) và TS Phùng Hà Thanh (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)