Ngày nay, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc, giúp nhiều người có cơ hội cải thiện vóc dáng, nhan sắc. Nhưng vào thế kỷ 16, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ đơn thuần là một dịch vụ chỉnh sửa mũi cho những người có mũi bị biến dạng sau tai nạn hoặc mắc bệnh giang mai.
Các chương trình truyền hình thực tế liên quan đến sự biến đổi của ngoại hình sau phẫu thuật, chẳng hạn như Extreme Makeover, không phải là những chương trình đầu tiên giúp phụ nữ có cơ hội làm đẹp. Năm 1924, tờ New York Daily Mirror đăng tải quảng cáo về một cuộc thi bình chọn “cô gái xấu nhất ở New York?”. Người chiến thắng sẽ trải qua một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để làm thay đổi hoàn toàn diện mạo bên ngoài và trở thành một cô gái xinh đẹp.
Phẫu thuật thẩm mỹ nghe có vẻ là một giải pháp làm đẹp trong thời kỳ hiện đại. Tuy nhiên, nó có một lịch sử lâu dài và phức tạp hơn nhiều so với những gì mọi người có thể tưởng tượng. Con người đã sử dụng biện pháp phẫu thuật gây ra nhiều đau đớn để chỉnh sửa khuôn mặt và các bộ phận khác trên cơ thể từ cách đây khá lâu, ngay cả trước khi các bác sĩ khám phá ra những nguyên tắc khử trùng và dùng thuốc gây mê.
Những ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra ở Anh và châu Âu trong thế kỷ 16. Các bác sĩ thuộc vương triều Tudo đã sử dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị những vết thương làm biến dạng khuôn mặt. Theo quan niệm của người đương thời, một khuôn mặt xấu xí hoặc dị dạng phản ánh nội tâm không tốt đẹp nên cần chỉnh sửa lại, nhà sử học người Anh Margaret Pelling cho biết. Tuy nhiên, quy trình phẫu thuật thẩm mỹ thời kỳ đầu thường gây ra nhiều đau đớn và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, người ta chỉ phẫu thuật trong trường hợp khuôn mặt biến dạng nghiêm trọng, chẳng hạn như bị mất mũi do tai nạn hoặc mắc bệnh giang mai.
Vào thời kỳ này, các bác sĩ ở châu Âu thường sử dụng phương pháp phẫu thuật cấy ghép vạt da có chân nuôi (pedicle flap graft). Vạt da là một vùng da nguyên vẹn trên cơ thể được dùng để cấy ghép, làm lành vùng da bị tổn thương. Trong cuốn sách Iconografia d’anatomia xuất bản năm 1841, các tác giả Bourgery và Jacob mô tả một mảng da sẽ được cắt từ trán hoặc cánh tay của bệnh nhân và khâu vào mũi. Họ thậm chí còn mô tả bằng hình vẽ trường hợp một bệnh nhân phẫu thuật chỉnh sửa mũi với cánh tay giơ lên cao, trong khi mảng da tay vẫn nối liền với da trên mũi trong lúc chờ lành vết thương.
Mặc dù phẫu thuật thẩm mỹ đã giúp nhiều người khắc phục các biến dạng trên khuôn mặt, tuy nhiên nó không trở nên phổ biến cho đến khi các ca phẫu thuật không quá đau đớn và đe dọa đến tính mạng. Năm 1846, nha sĩ người Mỹ William Morton thực hiện ca phẫu thuật “không đau” đầu tiên khi gây mê bệnh nhân bằng hợp chất ete qua đường hô hấp bằng khăn tay hoặc ống thổi. Điểm hạn chế là cách gây mê này có thể gây quá liều và giết chết bệnh nhân.
Những ca phẫu thuật nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng vẫn tiếp diễn cho đến những năm 1860, khi bác sĩ người Anh Joseph Lister đề xuất quy trình phẫu thuật vô trùng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và tử vong. Quy trình này sau đó được áp dụng rộng rãi ở Pháp, Đức, Áo và Ý. Đến thập niên 1880, cùng với sự phát triển của các loại thuốc gây mê, phẫu thuật thẩm mỹ trở thành một giải pháp tương đối an toàn và không đau cho những người khỏe mạnh cảm thấy mình có vẻ ngoài kém hấp dẫn.
Không lâu sau, bác sĩ người Mỹ John Orlando Roe phát triển thành công phương pháp phẫu thuật chỉnh hình mũi mà không để lại sẹo bên ngoài. Đây là một bước tiến lớn giúp việc phẫu thuật của bệnh nhân không bị người khác phát hiện. Kỹ thuật này vẫn còn được sử dụng rộng rãi đến ngày nay.
Năm 1901, công ty Derma Featural quảng cáo có thể khắc phục được một số khuyết điểm như mũi tẹt, mũi hếch, tai vểnh và các nếp nhăn trên tạp chí World of Dress của Anh. Tuy nhiên, các phương pháp mà họ sử dụng tương đối nguy hiểm. Ví dụ, công ty dùng biện pháp tạo hình mũi không phẫu thuật bằng sáp parafin. Sáp nóng, lỏng được tiêm vào mũi. Sau đó, bác sĩ sẽ “nhào nặn” mũi thành hình dạng như mong muốn. Dù vậy, sáp có thể di chuyển đến các bộ phận khác của khuôn mặt và gây biến dạng, hoặc tạo ra những khối u nguy hiểm.
Những quảng cáo giống như của công ty Derma Featural thực sự khá hiếm trên các tạp chí dành cho phụ nữ vào đầu thế kỷ XX. Thay vào đó, thời điểm này thường xuyên xuất hiện những quảng cáo về các thiết bị đeo hứa hẹn mang lại những thay đổi đáng kể trên khuôn mặt và cơ thể. Nhiều mẫu dây đeo quanh cằm và trán mang nhãn hiệu Ganesh được quảng cáo như một phương tiện loại bỏ cằm chẻ và nếp nhăn quanh mắt. Đai làm đẹp JZ Hygienic Beauty Belt là một ví dụ khác về dụng cụ làm giảm vòng ngực, hông và bụng.
Tần suất xuất hiện dày đặc của những quảng cáo này trên các tạp chí nổi tiếng cho thấy việc sử dụng các thiết bị và dụng cụ làm đẹp vào đầu thế kỷ XX được xã hội chấp nhận. Để so sánh, các mỹ phẩm có màu như phấn hồng, chì kẻ mắt kohl hiếm khi được quảng cáo. Các quảng cáo về phấn thường nhấn mạnh đến vẻ đẹp tự nhiên của sản phẩm, nhằm tránh bất kỳ mối liên hệ tiêu cực nào giữa mỹ phẩm và hóa chất nhân tạo.
Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều người đã phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh sửa tai, mũi, và ngực để chúng trông giống với những đặc điểm của người da trắng. Tại Mỹ, với lượng người nhập cư gốc Do Thái, Ailen và châu Phi ngày càng tăng, các đặc điểm như mũi hếch, mũi lớn, mũi tẹt là dấu hiệu của sự khác biệt chủng tộc, và do đó bị coi là xấu xí.
Theo một ước tính vào năm 2015, cứ 250 phụ nữ Mỹ thì có một người phẫu thuật chỉnh sửa ngực. Một điều thú vị về phẫu thuật thẩm mỹ trong thời kỳ đầu là phụ nữ không bao giờ bơm ngực. Những bộ ngực nhỏ, tròn trịa được coi là biểu tượng của sự trẻ trung và gợi cảm, trong khi bộ ngực lớn bị cho là lạc hậu, thậm chí dị dạng. Do đó vào đầu thế kỷ XX, phái đẹp chủ yếu thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ thu nhỏ ngực. Đến thập niên 1950, quan niệm này dần thay đổi và bộ ngực nhỏ trở thành nguyên nhân khiến phụ nữ không hạnh phúc.
Những ví dụ trên là minh chứng cho thấy tiêu chuẩn về cái đẹp thay đổi theo thời gian và địa điểm. Khi hiểu ra rằng vẻ đẹp của mỗi người có thể thay đổi, nhiều phụ nữ đã cố gắng cải thiện vẻ ngoài của họ thông qua các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp hoặc phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng hiện đại và an toàn hơn.