Theo nhóm nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục đại học ở Trường ĐH Phú Xuân, xu hướng du học đến các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tính đến trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đang trên đà tăng mạnh và Việt Nam có thể học được nhiều điều từ sự phát triển này.

Năm 2017, Trung Quốc có 157 nghìn sinh viên quốc tế, 40% trong đó đến từ các nước bên ngoài khu vực Đông Á và Đông Nam Á, theo số liệu do nhóm nghiên cứu ở Trường ĐH Phú Xuân cung cấp. Trong ảnh: Sinh viên quốc tế ở Trung Quốc trải nghiệm nghệ thuật cắt giấy truyền thống. Nguồn: Alamy
Năm 2017, Trung Quốc có 157 nghìn sinh viên quốc tế, 40% trong đó đến từ các nước bên ngoài khu vực Đông Á và Đông Nam Á, theo số liệu do nhóm nghiên cứu ở Trường ĐH Phú Xuân cung cấp. Trong ảnh: Sinh viên quốc tế ở Trung Quốc trải nghiệm nghệ thuật cắt giấy truyền thống. Nguồn: Alamy

Các luồng du học sinh trên thế giới vận động theo 2 hướng chính: từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển, và từ các nước nước phát triển đến các nước phát triển khác. Không nằm ngoài quy luật này, ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trừ Nhật Bản, các nước còn lại đều là điểm đi hơn là điểm đến của sinh viên. Tuy nhiên, từ năm 2000, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng, Đông Á và Đông Nam Á dần trở nên hấp dẫn hơn trong mắt sinh viên quốc tế.

Theo số liệu của UNESCO được nhóm nghiên cứu dẫn ra, trong giai đoạn 2010-2017, số sinh viên quốc tế ở khu vực này tăng từ 400 nghìn lên 700 nghìn, và chiếm khoảng 12% số sinh viên quốc tế trên toàn cầu. Trong cùng giai đoạn, số sinh viên quốc tế đến Đông Á và Đông Nam Á từ các nước bên ngoài khu vực đã tăng từ 44% lên 55%.

Để tìm hiểu thêm xu hướng sinh viên quốc tế ở khu vực, nhóm nghiên cứu đã xem xét trường hợp của Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Malaysia.

Các thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2010-2017, số sinh viên quốc tế đến các quốc gia/vùng lãnh thổ này đều tăng ít nhất 2 lần. Riêng số sinh viên quốc tế đến Đài Loan và Hong Kong tăng khoảng 3 lần - lần lượt từ 45 lên 121 nghìn và từ 10 nghìn lên 34 nghìn.

Ngay từ đầu những năm 2000, cả 4 quốc gia/vùng lãnh thổ được nghiên cứu trường hợp đều có động thái thu hút sinh viên quốc tế và có thể nói, những con số tăng trưởng nêu trên là kết quả của những chính sách quốc tế hóa giáo dục đại học mạnh mẽ mà họ áp dụng.

Chẳng hạn, năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã trao học bổng cho gần 59.000 sinh viên quốc tế từ 180 quốc gia. Số trường đại học Trung Quốc cung cấp các khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh tăng từ 34 vào năm 2010 lên hơn 100 vào năm 2018. Trung Quốc hiện có chi nhánh của 38 trường đại học quốc tế, trở thành một trong những điểm thu hút giáo dục xuyên biên giới lớn nhất thế giới. Ở Trung Quốc, sinh viên quốc tế phải chi trả nhiều nhất là 2.000 USD cho học phí mỗi năm, chỉ bằng khoảng 1/5 mức ở Vương quốc Anh. Trung Quốc chính là nước thu hút đông sinh viên quốc tế nhất trong số 4 trường hợp nghiên cứu với 157 nghìn người, tiếp theo là Malaysia với 101 nghìn người. Ở Malaysia, vai trò của tiếng Anh hết sức được đề cao - hơn 30 trường đại học (bao gồm cả đại học công lập và tư thục) của nước này giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Ở Đài Loan, số chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cũng tăng ngoạn mục, trong đó 121 chương trình đã được kiểm định. Ngoài ra, mức học phí ở Đài Loan rất phải chăng, chỉ tương đương khoảng 15% GDP bình quân đầu người ở đây, thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, khiến cho việc đến Đài Loan du học trở thành một lựa chọn cạnh tranh.

Tính chung cho khu vực Đông Á và Đông Nam Á, số sinh viên đến vẫn luôn ít hơn số sinh viên đi nhưng riêng ở Malaysia và Đài Loan, tình thế hoàn toàn ngược lại, số sinh viên đến trong giai đoạn 2010-2017 về cơ bản nhiều hơn số sinh viên đi và có xu hướng tăng.

Con số chênh lệch này ở Hong Kong không đáng kể, số sinh viên đến chỉ ít hơn số sinh viên đi 2 nghìn người vào năm 2017. Hong Kong cũng có những chính sách thu hút sinh viên quốc tế rất quyết liệt như lập Quỹ Học bổng Chính phủ HKSAR trị giá 1 tỷ USD từ năm 2008 để trao cho những sinh viên nước ngoài xuất sắc. Bên cạnh đó, tất cả các trường đại học công lập ở Hong Kong đều giảng dạy và trợ giảng bằng tiếng Anh; và số lượng các chương liên kết quốc tế chiếm khoảng 25% tổng số các chương trình được giảng dạy ở đây.

Từ trường hợp Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, và Malaysia, nhóm nghiên cứu chỉ ra các chiến lược chính ảnh hưởng đến khả năng thu hút sinh quốc tế bao gồm: cấp học bổng; học phí phải chăng; và các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh đa dạng.

Nằm trong một khu vực đã trở thành “hub” (trung tâm) mới về du học, nhưng một cách chính thức, Việt Nam chưa đặt ra mục tiêu cụ thể nào về việc thu hút sinh viên quốc tế - TS Phạm Hiệp, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Bởi vậy, tại thời điểm này, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các trường đại học của Việt Nam cần sớm trả lời một số câu hỏi: Họ mong đợi những giá trị và lợi ích nào từ sinh viên quốc tế; nên tập trung vào phân khúc sinh viên quốc tế nào; Chính phủ phối hợp với các trường đại học như thế nào để thu hút sinh viên quốc tế.

Trong đó, TS Hiệp nhấn mạnh: Không có học bổng của chính phủ và không nâng cấp hạ tầng thì không thể thu hút sinh viên quốc tế được. “Ở Đài Loan chẳng hạn, ngày nay, các biển báo đều có song ngữ tiếng Anh, tạo thuận lợi trong sinh hoạt cho người nước ngoài nói chung, trong đó có sinh viên quốc tế.”

Với những nước mới bắt đầu tham gia thị trường du học, cần quan tâm trước hết đến thị trường xung quanh, tức các nước chung biên giới, chung đường biển - theo TS Hiệp. “Khi mới bắt đầu, Mỹ cũng thu hút sinh viên từ Canada và Mexico là chính; Úc thì thu hút sinh viên từ Indonesia và Malaysia; còn Anh là từ Đức và Pháp,” TS Hiệp nói. “Việt Nam nên thu hút sinh viên Trung Quốc, Lào, Campuchia, Philippines. Và thực tế, hiện số sinh viên Lào ở Việt Nam khá nhiều. Chúng ta phải đi từng bước và nhất là phải coi sinh viên từ các nước lân cận là nguồn thu đáng kể.”

Tiếp theo là thu hút sinh viên từ các nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua những chương trình liên thông về tín chỉ, chứng chỉ. TS Hiệp lưu ý rằng, hiện nay, hơn 80% số sinh viên quốc tế đến Hong Kong và Đài Loan là từ các nước trong khu vực.

Các chương trình trao đổi kiểu một kỳ hoặc một năm là một cách hiệu quả để thu hút thêm sinh viên quốc tế, như kinh nghiệm của Malaysia, nơi các trường đại học được khuyến khích cung cấp các chương trình ngắn hạn và các chương trình trao đổi nhằm vào sinh viên các nước phát triển - TS Hiệp chỉ ra. “Trước khi đủ năng lực thu hút sinh viên học trọn khóa 4 năm, cần coi trọng thu hút sinh viên vào các chương trình Study Tour.”

Do đại dịch COVID-19, thị trường du học dự kiến sẽ đóng băng trong vài năm tới. Tháng 7 vừa qua, GS Simon Marginson, giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu (CGHE) thuộc ĐH Oxford, dự đoán, mất ít nhất 5 năm con số du học sinh trên thế giới mới có thể phục hồi về mức cũ như trước đại dịch. Nhưng nhờ đối phó tốt với COVID-19, Việt Nam có thể tạo ra hình ảnh tích cực trong mắt những sinh viên quốc tế tiềm năng và cha mẹ của họ, nên nếu suy nghĩ tích cực thì đây chính là một yếu tố tăng cơ hội thu hút sinh đến Việt Nam, TS Phạm Hiệp nói.