Nghiên cứu mới của các tác giả ở Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho thấy Việt Nam có thể tận dụng động lực tăng trưởng kinh tế để nâng cao hệ thống giáo dục, thay vì làm theo công thức tăng chi tiêu công cho hệ thống giáo dục - một cách tiếp cận không phải lúc nào cũng thành công.
Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ phát triển kinh tế tỉ lệ thuận với chất lượng giáo dục của một quốc gia. Theo đó, tiềm lực kinh tế tốt có thể dẫn đến đầu tư, nhu cầu về giáo dục hay chất lượng dạy và học cao hơn và cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục cho người dân. Ở các quốc gia đang chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường, mối liên hệ này có thể còn rõ hơn, vì thu nhập bình quân đầu người ảnh hưởng đến kết quả học tập thông qua nhiều cách thức như cải thiện dinh dưỡng hay chất lượng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tác động của tăng trưởng kinh tế lên hệ thống giáo dục ở các quốc gia không giống nhau.
Nghiên cứu mới đây [1] của TS. Trần Quang Tuyến và ThS. Lê Văn Đạo (Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) trên tạp chí International Journal of Educational Development đã đưa ra các bằng chứng thực nghiệm về tác động của tăng trưởng kinh tế đến chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (K-12) của Việt Nam trong giai đoạn 2016–2019.
Các tác giả thực hiện các quan sát tương ứng với một tỉnh/thành phố trong một năm cụ thể và lựa chọn biến phụ thuộc là điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia thay vì kết quả thi PISA [2] như nhiều báo cáo, nghiên cứu quốc tế khác để phù hợp hơn với thực tế của Việt Nam. Ngoài ra, việc xác định thời gian nghiên cứu trong giai đoạn 2016-2019 nhằm loại bỏ hai yếu tố nhiễu là sự không nhất quán trong cấu trúc kỳ thi THPT Quốc gia trong thời gian trước đó (từ năm 2015, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính thức được gộp lại thành kỳ thi THPT Quốc gia) và ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tác động đến điểm Toán và tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia
Nghiên cứu đi tìm mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế (đại diện bởi tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân đầu người) và chất lượng hệ thống giáo dục (đại diện bởi điểm Toán và tiếng Anh trong các kỳ thi THPT Quốc gia). Điểm Toán và tiếng Anh được lựa chọn để đánh giá chất lượng hệ thống giáo dục vì có mức độ biến động lớn nhất so với điểm thi các môn khác, từ đó dễ dàng xác định mối quan hệ nhân quả trong quá trình phân tích.
Từ giai đoạn thu thập dữ liệu, các tác giả đã nhận thấy sự khác biệt đáng kể về chất lượng giảng dạy và học tập giữa các trường THPT ở các tỉnh/thành phố và khu vực kinh tế khác nhau. Khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ liên tục dẫn đầu về điểm trung bình môn Toán và tiếng Anh trong suốt giai đoạn nghiên cứu; trong khi khu vực trung du và miền núi phía Bắc, đặc trưng bởi tỷ lệ dân tộc thiểu số cao và thu nhập bình quân đầu người thấp, có điểm thi THPT Quốc gia thấp nhất.
Áp dụng phương pháp hồi quy hai giai đoạn với biến công cụ (XT-IV), các tác giả nhận thấy có mối quan hệ thuận chiều giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng giáo dục, tức là GRDP bình quân đầu người của một tỉnh/thành phố tăng thì điểm thi THPT Quốc gia môn Toán và tiếng Anh của học sinh tỉnh/thành phố đó cũng tăng. Trung bình, GRDP bình quân đầu người cứ tăng 1 điểm phần trăm thì điểm thi THPT Quốc gia tăng từ khoảng 0,4% đến 1,83%.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa GRDP bình quân đầu người và điểm Toán và tiếng Anh không phải quan hệ tuyến tính. Nghiên cứu phát hiện, khi nền kinh tế bắt đầu phát triển, điểm tiếng Anh có thể tăng rất ít, nhưng khi GRDP đạt mức tăng trưởng cao hơn, điểm tiếng Anh lại có sự cải thiện rõ rệt. Ngược lại, điểm Toán tăng rất nhanh ở giai đoạn kinh tế bắt đầu tăng trưởng, nhưng càng về sau càng “giảm tốc”. Từ đó, các tác giả nhận định đang có sự chuyển dịch trọng tâm từ các môn học được coi là “truyền thống” như Toán và Ngữ văn sang tiếng Anh.
Giải thích xu hướng này, nhóm nghiên cứu cho rằng tăng trưởng kinh tế thường đi kèm với mở rộng và hội nhập thương mại toàn cầu, dẫn đến nhu cầu học và đòi hỏi về trình độ tiếng Anh của nguồn nhân lực ngày càng cao. Xu hướng chuyển dịch trọng tâm sang tiếng Anh thể hiện rõ nhất ở các tỉnh/thành phố có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất nhanh và nhận nguồn FDI lớn như Bắc Ninh (tỷ lệ tăng trưởng GRDP năm 2018 đạt 10,6%), Hải Phòng (16,26%), Quảng Ninh (12,6%) và Thanh Hóa (15,6%), trong khi ở các khu vực có quy mô kinh tế nhỏ hơn như Hà Giang, Điện Biên và Lai Châu, trọng tâm vẫn nằm ở các môn khoa học tự nhiên và văn học.
Nhóm nghiên cứu cũng tính được tác động của tăng trưởng kinh tế đến chất lượng giáo dục chỉ thực sự rõ rệt sau hai năm, và tác động lên điểm Toán nhiều hơn điểm tiếng Anh.
Ảnh hưởng của tình trạng nghèo đói
Các tác giả dự đoán các yếu tố như mức độ nghèo đói cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng giáo dục. Để kiểm tra giả thuyết này, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số nghèo đa chiều (MPI) [3] để phân loại tình trạng nghèo đói của các tỉnh/thành phố thành ba nhóm cao, trung bình và thấp. Các kết quả ước tính hệ số cho thấy phát triển kinh tế giúp cải thiện điểm toán và tiếng Anh rõ hơn ở khu vực có tỷ lệ nghèo đa chiều cao so với khu vực có tỷ lệ thấp hơn, hay nói cách khác tăng trưởng kinh tế mang lại nhiều lợi ích hơn cho hệ thống giáo dục ở các khu vực nghèo hơn.
Nghiên cứu lý giải, các tỉnh nghèo vốn có xuất phát điểm hoặc mức thu nhập thấp hơn. Năm 2020, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa hay những nơi có đông dân tộc thiểu số sinh sống như trung du và miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, chi tiêu cho thực phẩm đã chiếm hơn 48% tổng chi tiêu của hộ gia đình, và giáo dục có thể coi như một loại “hàng hóa xa xỉ”. Chỉ khi kinh tế phát triển và thu nhập được cải thiện, hộ gia đình mới có thể chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục. Ở cấp độ địa phương, một khoản đầu tư nhỏ cho cơ sở vật chất hoặc đào tạo giáo viên cũng có thể cải thiện đáng kể chất lượng giảng dạy và kết quả học tập của thầy và trò. Ngược lại, mặc dù giáo dục ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp vẫn hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế nhưng mức độ cải thiện không rõ rệt bằng các khu vực nghèo hơn, có thể do những địa phương đã phát triển có ít dư địa để cải thiện hơn và thường cần nguồn lực lớn hơn để đạt được mức tiến bộ tương tự.
Vai trò của chất lượng thể chếNghiên cứu còn nhận thấy tác động của tăng trưởng kinh tế đối với điểm thi lớn hơn ở các tỉnh có chất lượng thể chế tốt hơn. Chất lượng thể chế tốt bao gồm quản trị minh bạch, trách nhiệm giải trình cao và các chính sách hỗ trợ hiệu quả - trong nghiên cứu này được đại diện bởi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các khu vực có chất lượng thể chế tốt thường quản lý và phân bổ ngân sách hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực công như giáo dục. Khi được thực thi bởi các cơ quan có chất lượng thể chế cao, các chính sách hỗ trợ giáo dục sẽ giúp chuyển nguồn lực từ tăng trưởng kinh tế vào việc nâng cao chất lượng giáo dục một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực giáo viên và các chương trình hỗ trợ học sinh. Cụ thể, nghiên cứu kết luận, tăng GRDP bình quân đầu người làm tăng tỷ lệ giáo viên/trường và số trường/1.000 dân, từ đó giúp cải thiện thành tích học tập, giảm sĩ số lớp học và cho phép người dân tiếp cận giáo dục dễ dàng hơn.
Những phát hiện từ nghiên cứu này cho thấy một quốc gia có thể tận dụng động lực tăng trưởng kinh tế để nâng cao hệ thống giáo dục, thay vì làm theo công thức tăng chi tiêu công cho hệ thống giáo dục - một cách tiếp cận không phải lúc nào cũng thành công. Đáng chú ý, để hệ thống giáo dục có thể hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình tăng trưởng kinh tế, cần đảm bảo rằng các yêu cầu liên quan như cải thiện chất lượng thể chế và giảm mức độ nghèo đói cũng được đáp ứng.
--------
[1]
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0738059323002237 [2] PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá năng lực của học sinh quốc tế 15 tuổi ở ba lĩnh vực là Đọc hiểu, Toán, Khoa học, do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tổ chức ba năm một lần.
[3] Nghèo đa chiều Việt Nam giai đoạn 2016-2020 bao gồm năm chiều (giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin) và 10 chỉ số (trình độ giáo dục người lớn, tình trạng đi học trẻ em, tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân, nguồn nước sinh hoạt, hố xí hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).
Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT