Trong tác phẩm “Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh”, sử gia Nguyễn Đình Đầu đã mang đến những kiến giải mới về bản chất của chế độ công điền công thổ ở Nam kỳ từ khi lưu dân bắt đầu đến đây khẩn hoang cho đến thời điểm thực dân Pháp tiến hành quá trình xâm chiếm thuộc địa.

Việt Nam là nước nông nghiệp, văn minh nước ta là văn minh nông nghiệp, do đó để tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam một cách chi tiết thì cần nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn cũng như chế độ sở hữu ruộng đất. Ở miền Nam, những công trình nghiên cứu về đề tài này vẫn còn rất ít bởi nhiều lý do như thiếu tư liệu cũng như sự phức tạp của lịch sử ở những buổi đầu hình thành vùng đất trong sự tương quan giữa lịch sử Đại Việt với lịch sử Champa, Phù Nam, Chân Lạp...

Bằng việc tổng hợp nhiều tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, tư liệu điều tra khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam kỳ, kết hợp với tư liệu của người nước ngoài, đặc biệt là tư liệu địa bạ của triều Nguyễn được công bố trong vài thập kỷ qua, Nguyễn Đình Đầu đã phần nào đính chính những nhận định sai lệch hoặc thiếu quan điểm lịch sử về chế độ công điền công thổ, qua đó góp phần lý giải nguồn gốc và bản chất định chế này ở nước ta.

Tác phẩm “Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh” ra mắt vào tháng 9/2024. Ảnh: NXB Trẻ
Tác phẩm “Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh” ra mắt vào tháng 9/2024. Ảnh: NXB Trẻ

Đầu tiên, cần phải làm rõ công điền công thổ là gì. Theo tác giả, công điền công thổ được tạo ra theo chủ trương “quân bình hóa” để ai cũng có ruộng cày, giúp cho xã hội thêm phần công bằng và ổn định. Khái niệm gồm cả ba yếu tố: ruộng được coi là sở hữu của quốc gia, được ghi ở địa bạ làng dưới danh hiệu "công điền", và được cấp cho xã dân theo quy định của nhà nước. Vì vậy nó không được bán hay được đền bù nếu như các thiết chế xây dựng sau có xây lấn vào. Nó khác với bổn thôn điền hay bổn thôn thổ vốn là loại ruộng đất riêng của làng mà nguồn gốc là do làng lấy công quỹ ra mua hoặc có người tặng, nhượng; khi cần, làng có thể đem bán hay cầm cố và được đền bù khi bị lấn đất. Và nó trái ngược hoàn toàn với tư điền thổ, nghĩa là thuộc sở hữu của người dân.

Tác giả cho rằng một trong những ngộ nhận lớn nhất cho đến ngày nay, đó là quan niệm cho rằng công điền ở Nam kỳ là cái tồn tại của xã thôn từ thời công xã nguyên thủy. Ông lý giải Nam Bộ là miền đất mới, xã thôn ở đây được thành lập ước tính từ cuối thế kỷ 16, trong giai đoạn xã hội đã biến chuyển, không còn là thời công xã nguyên thủy nữa, do đó công điền ở Nam Bộ không thể được xem là "cái đã tồn tại".

Theo tiến trình lịch sử, ông chứng minh những lớp di dân người Việt có mặt ở Lục tỉnh vào cuối thế kỷ 16 và sinh sống hòa bình với những cư dân đến trước, như người Rơ Glai, Ch'Ro ở Bà Rịa, người Mạ ở Đồng Nai, người Khơ Me ở rải rác trên các giồng đất cao, từ vùng Mô Xoài (Bà Rịa sau này) đến Đồng Nai, Gia Định...

Như vậy, ngay từ buổi đầu, lưu dân (người lưu lạc) Việt đã tự động, tự quản việc lập nghiệp tại đây, hay nói cách khác là “dân đi trước nhà nước theo sau”. Ruộng đất mà họ khai khẩn là thành quả từ mồ hôi, nước mắt của họ, do đó là tư điền thổ, không phải là ơn vua lộc nước, và không thể quy về thuộc sở hữu của nhà nước.

Ở thời kỳ manh nha sự sở hữu đất đai đó, nhờ vào thổ nhưỡng tốt tươi và tính cách người Việt chan hòa, sinh sống hòa hợp mà chẳng mấy chốc "đất đai trên ngàn dặm, dân dư tứ vạn hộ". Đến khi Nguyễn Hữu Cảnh đến đây dẹp giặc Chiêm Thành, Chân Lạp thì mới diễn ra việc đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, phân chia ruộng đất, chuẩn định thuế điền và lập sổ bộ đinh bộ điền.

Về thời kỳ này, tác giả đã cung cấp thêm tình hình sản xuất của các lưu dân. Theo đó, với đất đai mênh mông, lúc đầu còn hoang vu đầy thú dữ, côn trùng và cỏ lác, nhưng khi đã được khai khẩn thì bỗng chốc trở thành đồng lúa phì nhiêu, khiến cư dân đổ về ngày càng đông, từ đó lập nên các làng, các xã.

Buổi đầu do chưa có luật lệ, đất đai thừa thãi, muốn lập thôn xóm ở đâu cũng được, miễn là có sự đồng ý của dân địa phương... Nhiều phú hộ (người giàu có) di cư đã trở thành bá hộ (vừa giàu vừa có quyền lực) hay thiên hộ (tương tự chánh tổng), đủ mạnh để khống chế số lượng ruộng đất của từng thôn hay từng tổng. Quá trình nói trên vừa đẩy nhanh công cuộc khẩn hoang lập ấp, đồng thời gây ra nạn cường hào ác bá. Nhiều trung tâm thương mại giao dịch quốc tế cũng được hình thành, có thể kể đến đô hội Gia Định, chợ Sài Gòn, Nông Nại đại phố, chợ Mỹ Tho, phố Hà Tiên... Từ đó, Nam kỳ bắt đầu có hơi hướng phân công công nghiệp (mỗi khu sẽ đảm nhận một chức năng riêng, như khu nghề rèn, khu nghề mộc, khu sản xuất vải vóc...) và nền kinh tế mang dấu hiệu của phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa.

Chế độ công điền công thổ không thể có chỗ đứng ở giai đoạn này, bởi về bản chất, nó có chủ đích công bằng xã hội và bình quân chủ nghĩa, nghĩa là cố chia cho mỗi người một phần ruộng, dù nhỏ đến đâu, để giữ chân người nông dân ở lại với lũy tre xanh, trong khi Gia Định lại đang phát triển theo đà của quy luật kinh tế hàng hóa. Chế độ công điền công thổ chỉ nhen nhóm từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long. Nói nhen nhóm là bởi Gia Long không mấy mặn mà với thiết chế này. Nguyễn Đình Đầu đưa ra giả thuyết rằng vị vua sáng lập nhà Nguyễn coi sự chênh lệch là tự nhiên, do đó “bình quân hóa” là không cần thiết. Hệ quả là dù vẫn tích cực ra lệnh khai hoang, đào thêm sông rạch, lập thêm đồn điền, quan điền, quan trại... nhưng việc cào bằng, quân bình... để ai cũng sở hữu đất chưa hề diễn ra.

Khi Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi, thì tình hình trở nên khác. Do sự khác biệt về định hướng kinh tế cũng như mong muốn phòng ngừa những cuộc nổi loạn mà việc thiết lập công điền công thổ đã được đẩy mạnh. Theo Nguyễn Đình Đầu, đây có thể coi vừa là giải pháp kinh tế, xã hội, vừa là giải pháp chính trị để "yên dân". Năm 1836, phái đoàn kinh lược tiến hành thực hiện cấp sổ bạ lần đầu ở Nam kỳ, từ đó chính thức phân loại, ghi nhận và lập sổ địa bạ đất đai, đánh dấu sự thiết lập chế độ công điền công thổ tại miền Nam.

Sự kiện nói trên đã giải quyết nhiều việc như duyệt dân tuyển lính, thanh lọc hàng ngũ quan lại, xếp đặt thể lệ chuyển vận đường sông, chia cắt lại đơn vị hành chính... nhưng kết quả đáng kể hơn cả chính là lập địa bạ làm cho kẻ giàu không được bá chiếm, người nghèo đều có tư sản. Như vậy, theo Nguyễn Đình Đầu, việc hình thành định chế công điền công thổ ở Nam kỳ không chỉ đến từ sự kiểm soát của chế độ quân chủ mà còn là yêu cầu tất yếu để ai cũng có thể làm việc và lao động trong bối cảnh Nam kỳ liên tục phát triển hưng thịnh suốt nhiều thế kỷ. Đây là nhận định mới so với việc cho rằng chế độ công điền công thổ chỉ hoàn toàn dựa vào sự duy ý chí và áp đặt chế độ quân chủ.

Có thể nói, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho ta thấy sự khác biệt của định chế công điền công thổ ở miền Nam so với miền Bắc, nơi nó là “di sản” của hình thái công xã nguyên thủy. Ở miền Nam, định chế này đến khá muộn sau chế độ tư điền thổ, và sự ra đời của nó phục vụ cả mục đích kinh tế, chính trị và xã hội.


abc
Sử gia Nguyễn Đình Đầu (1920 - 2024). Ảnh: Tuy Hòa

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại Hà Nội. Năm 1951 ông sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris, tốt nghiệp cử nhân năm 1953. Đầu năm 1955, ông về nước làm giáo sư sử địa tại Trường nữ Trung học Nguyễn Bá Tòng (Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM ngày nay). Những năm 1960, ông bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí miền Nam, phần lớn tập trung vào mảnh đất Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung. Suốt 70 năm sự nghiệp, ông đã cho ra đời những công trình nghiên cứu giá trị về nhiều đề tài - từ đồ gốm, chủ quyền biển đảo... cho đến lịch sử - địa lý của vùng Nam Bộ. Những tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến ba tập Tạp ghi Việt Sử Địa; Quân điền Bình Định; Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức; Việt Nam quốc hiệu và cương vực: Hoàng Sa - Trường Sa... Ông qua đời vào ngày 20/9 vừa qua, khi đang dang dở công trình Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông.