Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã phát triển được những công nghệ xử lý rác thải điện tử có thể thay thế cho phương pháp chủ yếu hiện nay là thu gom, tháo dỡ, và phá dỡ.

Ngày 15/10, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử (RTĐT)”, nhằm giới thiệu các công nghệ được nghiên cứu trong nước, có thể chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp xử lýRTĐT.

Chủ yếu thu gom, tháo dỡ

PGS Nguyễn Đức Quảng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện nay lượng RTĐT ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng (khoảng 2,7kg/người/năm 2020), nhưng vẫn còn thấp hơn mức trung bình của thế giới (7,3kg/người/năm). Tuy nhiên, cùng với mức sống ngày càng cao, lượng RTĐT của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, đa dạng thêm về chủng loại.

Tại các quốc gia phát triển, RTĐT nằm trong danh mục của các sản phẩm phải thu hồi và xử lý theo cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, RTĐT phát sinh từ hộ gia đình chưa nằm trong sự quản lý của nhà nước, mà chủ yếu do khối tư nhân thu gom, tái chế. Bên cạnh lượng RTĐT phát sinh nội địa, còn một lượng RTĐT và đồ điện tử cũ được nhập khẩu một cách bất hợp pháp. Ngoài ra, trong nước vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể việc quản lý RTĐT nói riêng.

r
Rác thải điện tử chủ yếu được thu gom, tháo dỡ. Ảnh: Chụp màn hình

PGS Nguyễn Đức Quảng cho biết thêm, hiện nay, RTĐT được thu gom, tháo dỡ, phân loại và tái chế chủ yếu bởi khối tư nhân với quy mô vừa và nhỏ. Đa phần thu gom, tháo dỡ không theo quy cách và chỉ tập trung thu hồi các vật liệu dễ thu hồi, tái chế như một số kim loại, phần còn lại bị tiêu hủy hoặc đi vào các bãi chôn lấp chất thải rắn. Cả nước hiện có khoảng 30 công ty được cấp phép xử lý RTĐT với công suất từ 0,25 - 30 tấn/ngày, phần lớn tập trung tháo dỡ, phá dỡ. Trong đó, mới chỉ có 4 công ty có đủ dây chuyền công nghệ được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử.

Các công nghệ xử lý

RTĐT thuộc nhóm chất thải nguy hại, với các thành phần hóa chất, chất phụ gia, nhựa, chất độn và kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, lưu huỳnh, niken, asen… - trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý cơ học, thuỷ luyện (hoá học), đặc biệt là đốt cháy bản mạch điện tử, nếu không đúng cách đều phát sinh khí ô nhiễm độc hại như SO2, HCl, CO, NOx, Dioxin, Furan,… Làm ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước ngầm và môi trường không khí, gây tác hại trầm trọng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người.

Tuy nhiên, vì có chứa thành phần kim loại quý, hiếm nên RTĐT cũng đồng thời là một nguồn “tài nguyên” giá trị, nếu có giải pháp thu gom, tái chế hiệu quả. Ở nước ta, đã nhiều công trình nghiên cứu, xử lý RTĐT. Trong đó, một số kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng thành công vào thực tiễn, mang lại giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường.

Theo PGS TS Lê Văn Lữ, Trường Đại học Tài nguyên và môi trường TPHCM, để xử lý RTĐT cần xem xét chất thải đầu vào có thành phần tính chất gì, yêu cầu kỹ thuật, vốn đầu tư, năng lượng tiêu thụ, mức phát sinh ô nhiễm và hiệu quả kinh tế thu được, để từ đó lựa chọn công nghệ cho thích hợp.

Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại trong xử lý RTĐT bằng hồ quang điện do PGS TS Lê Văn Lữ và cộng sự nghiên cứu, chế tạo, đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, cho phép tận thu nhanh và nhiều kim loại quý. Kim loại thu hồi được nấu luyện trong lò tái chế kim loại thích hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hiệu suất tận thu. Đồng thời, lò đốt cũng thích hợp cho xử lý các loại chất thải nguy hại.

l
Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại Ảnh: LVL

TS.Triệu Quốc An, Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Đại học Nguyễn Tất Thành, thì giới thiệu giải pháp tái chế vàng trực tiếp từ bo mạch điện tử sử dụng hỗn hợp persulfate (S2O82-)/hydroxy peroxide (H2O2). Theo đó, các kim loại cơ bản như Fe, Ni, Al, Cu sẽ bị hòa tan một phần, ngoại trừ vàng và nhờ đó lớp vàng được giải phóng ra khỏi bề mặt bo mạch điện tử. Giải pháp có hiệu suất thu hồi lên đến 98%, và độ tinh khiết của vàng trên 95%. Quá trình không cần trải qua các bước tiền xử lý như cắt, nghiền thành bột như các quá trình thu hồi kim loại từ bo mạch điện tử đang được sử dụng. Ngoài ra, các hóa chất sử dụng không có độc tính cao và gây ô nhiễm môi trường. Quá trình cũng không trải qua nhiểu bước phức tạp, từ đó tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí vận hành và đầu tư ban đầu.

b
Bóc tách vàng trực tiếp từ bo mạch điện tử Ảnh: TQA

Công nghệ thu hồi Yttri và Europi từ đèn huỳnh quang, màn hình LCD, đèn LED củaTS Hà Vĩnh Hưng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, đã được thử nghiệm thành công tại Phòng thí nghiệm tái chế chất thải (Đại học Bách khoa Hà Nội). Công nghệ cho phép thu hồi Yttri có độ tinh khiết trên 95%, Europi có độ tinh khiết trên 90%, hiệu suất thu hồi trên 90% và dễ vận hành.

Ngoài ra, giải pháp xử lý và tái chế linh kiện điện tử của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ HiTech Việt Nam, đảm bảo làm biến dạng hoàn toàn các thiết bị phần cứng (ổ cứng, bo mạch, màn hình, điện thoại, bo mạch ATM,…), ngăn ngừa khả năng làm lộ dữ liệu, tăng cường tính bảo mật cho các công tác tạo mẫu, an ninh. Đồng thời, hỗ trợ tốt cho các công đoạn phân loại, tách vật liệu nhựa khỏi kim loại… trong quy trình xử lý.